Tin tức - Sự kiện

Lại thêm một hành vi đáng xấu hổ

Hơn 300 người Việt vào công viên thể thao Iwase, thành phố Toyama, Nhật Bản, tổ chức đá bóng đã để lại một lượng rác mà hai xe tải nhỏ mới chở hết.

Đi làm dịp nghỉ Tết Dương lịch 2020 được tính như thế nào? / Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi tái đàn lợn

Rác thải để lại sau một trận bóng (Ảnh minh họa).

Sau rất nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa do người Việt gây ra ở khắp nơi trên thế giới như tràn vào đại sứ quán Việt Nam ở một nước Đông Nam Á cướp sạch thức ăn nhân dịp đại sứ Việt Nam chiêu đãi khách quốc tế nhân dịp quốc khánh bằng hình thức tiệc đứng, khiến khách khứa chỉ còn biết đứng trơ, đại diện đại sứ quán phải rạp mình xin lỗi; khạc nhổ, nói chuyện ồn ào gây mất trật tự ở nơi công cộng, vào siêu thị ăn cắp, ngang nhiên giết vịt trời ở công viên ăn uống với nhau... bị truyền thông nước ngoài lên án; thì mới đây, lại thêm một hành vi nữa khiến bất cứ một người dân Việt Nam nào đọc được, cũng cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước việc làm của một số đồng bào của mình ở xứ người.

Đó là vào tháng 8/2019, khoảng 300 người Việt Nam vào một sân bóng đá mini trong công viên thể thao Iwase, thành phố Toyama, Nhật Bản, để tổ chức đá bóng.

Do công viên này không đặt thùng đựng rác, nên ban quản lý công viên đã treo biển rất rõ ràng là ai đến đây, thải rác ra thì khi rời công viên phải mang rác về nhà.

Thế nhưng những người Việt này, sau khi đá bóng xong, đã để lại công viên một lượng rác lớn. Ban quản lý công viên phải thuê hai chiếc xe tải nhỏ mới chở hết số rác đó đi.

Vì đây không phải là lần đầu những người Việt ở Nhật gây ra tình trạng trên, nên ban quản lý công viên sau đó phải trưng lên một tấm biển “hạn chế người Việt”.

Thật không gì đáng xấu hổ, nhục nhã hơn. Tục ngữ Việt Nam có câu “người dại để..., người khôn xấu hổ”. Hành vi nói trên của nhóm nhỏ người Việt đó đã khiến trên 90 triệu người dân trên cả nước Việt phải đỏ mặt. Có thể coi đó là hành vi làm nhục quốc thể.

Một tiêu chuẩn tối thiểu của những người một khi đến Nhật, là phải biết tiếng Nhật, phải đọc được chữ Nhật, không nhiều thì ít. Những người Việt nói trên cũng không ngoại lệ. Vậy chắc chắn họ đã đọc được cái quy định của ban quản lý công viên. Nhưng tại sao họ không thực hiện?

Rõ ràng là họ đã coi thường, đã bất chấp, đã ngang nhiên chà đạp lên những quy định tối thiểu của quốc gia sở tại. Chỉ một việc nói trên, đã đủ lý giải được câu hỏi vì sao Việt Nam lại trở thành quốc gia xả rác thải nhựa xuống biển nhiều thứ tư trên thế giới, còn trên bộ thì nhìn đâu cũng thấy những núi rác khổng lồ.

Hạn chế, là một cách nói khác của cấm. Người bị hạn chế đến một nơi nào đó, là những người bị coi là thuộc đẳng cấp dưới, không đủ trình độ hay năng lực để được coi, được đối xử ngang hàng với những người bình thường khác. Hạn chế người Việt, tức là không chỉ hạn chế người Việt của một tổ chức, một nhóm nào, mà là hạn chế toàn thể người dân của nước Việt. Chỉ 4 chữ thôi, nhưng sức cảnh cáo của nó thì vô cùng lớn.

Đã đến lúc Quốc hội cần tính đến một bộ luật quy định về ứng xử khi ra nước ngoài.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm