Tin tức - Sự kiện

Miền Trung mưa to và lốc xoáy, 3 người mất tích

Đêm 16 và sáng 17/10, trên địa bàn tỉnh các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, lượng mưa phổ biến từ 170 đến 200 mm, có nơi trên 300mm.

Hà Nội tạm thời phong tỏa chung cư hơn 1.000 dân vì ca nghi mắc COVID-19 / Ngày 16/10: Có 3.221 ca mắc COVID-19 tại 48 tỉnh, thành phố, giảm 578 ca so với hôm qua

Một số nơi xảy ra lốc xoáy tốc mái và sập nhà, đến thời điểm này đã ghi nhận 3 người mất tích do lũ cuốn trôi và lật thuyền.Một người mất tích ở tỉnh Quảng Trị là Hồ Văn Diên (21 tuổi), trú tại thị trấn Khe San, huyện Hướng Hóa. Trên đường đi qua ngầm tràn tại thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện miền núi Đakrông, anh Điền bị lũ cuốn trôi, mất tích.

Tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, mưa lớn kéo dài từ tối qua, nước lũ đổ về cuốn trôi nhiều cây cầu tạm.

Mưa to từ chiều tối 16 và trong sáng 17/10 khiếnnước sông Sê Pôn, Ba Lòng, Đakrông ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị dâng cao, gây ngập, chia cắt một số ngầm, tràn tại một số xã vùng sâu, vùng xa. Riêng tràn Đakrông tại thôn A Rông trên Quốc lộ 15D qua xã A Ngo, huyện Đakrông, mực nước ngập sâu đến 2 mét, giao thông vào trung tâm các xã Ba Nang, A Vao, Ba Lòng và nhiều thôn bản các xã Tà Long, Húc Nghì, huyện Đakrông bị chia cắt.

“Trường hợp mất tích ở xã Tà Long, bây giờ đang huy đông lực lượng để tìm kiếm. Hiện tại gió to, mực nước dâng cao, tất cả các ngầm, tràn đã bị ngập hết. Chúng tôi lập các barie chốt chặt tại các ngầm tràn. Một số hộ dân các xã Tà Long, A Vao, Ba Lòng, Triệu Nguyên phải di dời, bà con đã có phương án, khi nào nước lên to sẽ di chuyển”, ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết.

Lãnh đạo huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với mưa lũ tại các xã vùng cao.

Đến sáng 17/10, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa tìm thấy hai vợ chồng bị mất tích do lật ghe trong lúc bủa lưới trên sông Bồ. Nạn nhân là ông Trần Minh Đi (65 tuổi) và vợ là Võ Thị Thảo trú tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà.

Liên tiếp trong 2 ngày qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa rất to. Tại huyện A Lưới, tổng lượng mưa đo được khoảng 350-500mm, cá biệt có nơi trên 650mm; huyện Nam Đông, tổng lượng mưa phổ biến 350-500, có nơi trên 700mm. Hiện mực nước lũ trên sông Hương đã vượt mức báo động 1, trên sông Bồ dưới báo động 2 là 0,4 mét.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồi núi: “Năng lực của các hồ chứa vẫn còn khả năng cắt giảm được lũ, cho nên lũ ở các sông ở mức báo động 1 đến báo động 2. Bên cạnh đó cần lưu ý mưa cường độ lớn và có lượng mưa tích lũy từ trước nữa cho nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực vùng núi đặc biệt ở huyện A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông và Phong Điền… nhất là những công trình đang thi công”.

 

Nhiều vũng thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập cục bộ.

Tại TP. Đà Nẵng mưa to suốt đêm qua và sáng nay gây ngập cục bộ một số tuyến phố và vùng trũng. Mưa to kèm gió giật mạnh đã làm ngã đổ một số cây xanh bị, rào chắn, biển quảng cáo...

Còn tại tỉnh Quảng Nam, từ tối qua đến sáng nay, mưa to phổ biến từ 100mm- 250mm, có nơi trên 300mm. Mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh. Tại huyện vùng cao Nam Trà My, đường ĐH5, từ đi xã Trà Vân và Trà Vinh bị sạt lở nặng, chưa lưu thông được. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời khẩn cấp 147 hộ ở vùng nguy cơ sạt lở đến vị trí an toàn.

Tại huyện Phước Sơn, địa phương này đang gặp nhiều khó khăn khi vừa chống dịch COVID-19 vừa triển khai phòng chống thiên tai. Hôm qua (16/10), tại địa phương này ghi nhận thêm 67 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc từ ngày 12/10 đến nay lên 119 ca. Tại xã vùng sạt lở Phước Lộc đã phát hiện 24 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 8 cán bộ xã.

Cây xanh ngã đổ trên đường phố Đà Nẵng sáng 17/10.
Cây xanh ngã đổ trên đường phố Đà Nẵng sáng 17/10.
Hàng rào, biển quảng cáo ở thành phố Đà Nẵng bị gió quật ngã.
Tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhẹ, địa phương đã di dời 147 hộ về vị trí an toàn.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết đã kích hoạt phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh:“Phát huy tinh thần 4 tại chỗ với sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương đang triển khai thực hiện các công việc theo phương án phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện nay tuyến đường DH 1 qua xã Phước Kim có sạt lở nhẹ. Trên xã Phước Thành, nước lũ đổ về làm trôi một số cầu tạm của dân”.

Lúc 1h sáng nay (17/10), tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra lốc xoáy, với sức gió mạnh, bán kính rộng quét qua 4 xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh và Bình Nguyên. Thời điểm xảy ra lốc xoáy lúc rạng sáng, người dân trở tay không kịp. Thống kê sơ bộ, khoảng 100 nhà dân 4 xã có nhà bị thiệt hại sập, đổ tốc mái, nhiều người bị thương. Gió mạnh kèm mưa to khiến công tác khắc phục nhà cửa của bà con gặp nhiều khó khăn.

 

Nhà dân bị tốc mái (Ảnh: Quang Huy)
Nhà dân bị tốc mái (Ảnh: Quang Huy)

Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang huy động các lực lượng dân quân, xung kích, biên phòng… hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở: “Ngay từ sáng nay, các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục. Chúng tôi đang kiểm tra, đánh giá thiệt hại cụ thể”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm