Thị trường

Trái thanh long gây sốt ở Ấn độ, nhập khẩu gấp 20 lần

Trái cây thanh long đang trở thành một hiện tượng gây sốt ở Ấn Độ, với lượng nhập khẩu tăng gần 20 lần trong hai tháng qua làm giảm giá bán buôn từ 350 Rupi/kg xuống còn 100 Rupi/kg.

 

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, trái cây thanh long đang trở thành một hiện tượng gây sốt ở Ấn Độ, với lượng nhập khẩu tăng gần 20 lần trong hai tháng qua đã làm giảm giá bán buôn từ 350 Rupi/kg xuống còn 100 Rupi/kg. Hầu hết thanh long nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Việt Nam, trong khi sản xuất trong nước cũng bắt đầu tăng lên. 

Việc thay đổi hình thức vận chuyển từ đường hàng không sang vẩn chuyển bằng đường biển dẫn đến việc lượng thanh long nhập khẩu gia tăng theo cấp số nhân. Điều này làm giảm chi phí vận chuyển từ 150 rupi/kg xuống còn 20 Rs/ kg. Thanh long được sử dụng như món tráng miệng yêu thích tại các khách sạn cao cấp do dáng vẻ kỳ lạ của nó. Ngoài ra, loại trái cây này cũng nhanh chóng được ưa chuộng trong giới trung lưu và một số tầng lớp khách hàng khác tại Ấn Độ.
 
Theo ông Samar Gupta, Giám đốc công ty Trikaya Agro, gần 60% đến 70% sản lượng thanh long của chúng tôi được tiêu thụ thông qua các cửa hàng bán rong. Công ty Trikaya Agro bắt đầu trồng cây thanh long từ sáu năm trước đây cùng với việc phát triển hơn 100 loại trái cây và rau quả lạ ở khu vực Maharashtra, hiện sản xuất 30-35 tấn thanh long mỗi năm.
 
Trái thanh long thuộc cây họ xương rồng - còn được gọi là Pitaya, bắt đầu được tiêu thụ phổ biến tại các đô thị, đặc biệt là ở miền Nam Ấn Độ. Thanh long trồng tại Ấn Độ có giá bán rẻ hơn so với nhập khẩu, tuy nhiên mùa vụ chỉ kéo dài khoảng năm tháng trong năm trong khi tại Việt Nam gần 10 tháng trong năm. 
 
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Ấn Độ mới chỉ mở cửa cho nhập khẩu thanh long Việt Nam từ đầu năm nay, tuy nhiên đây là một thị trường tiêu thụ lớn. Thanh long Việt Nam xuất sang nước này không cần phải chiếu xạ và xử lý hơi nước nóng nên việc thâm nhập thị trường này không quá khó. 
 
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cũng khuyến nghị, để nắm bắt, mở rộng cơ hội kinh doanh này, doanh nghiệp Việt Nam cần chào giá cạnh tranh bởi Thái Lan cũng đã đưa mặt hàng này vào thị trường Ấn Độ.
 
T.Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo