Thị trường

Trồng phật thủ như đánh bạc với trời

Trồng phật thủ cần vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao và gần như đến 90% năng suất đều phụ thuộc vào thời tiết nên những người dân trồng loại cây này giống như chơi một canh bạc lớn với trời.

 

Xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội được biết đến là một trong những vùng trồng nhiều phật thủ nhất cả nước. Nhà trồng nhiều nhất lên đến cả hơn chục mẫu. Nhiều người dân xã Đắc Sở thuê lại từ vùng đất bãi xã của xã Yên Sở kề bên để đầu tư trồng phật thủ.

 

Chị Hường, người dân xã Đắc Sở với hơn một mẫu đất trồng phật thủ cho biết: nếu trời mưa nhiều, cây không thể sinh trưởng và phát triển tốt, có thể phải đối mặt với nguy cơ cả vườn cây sẽ thối lá và quả rụng hàng loạt. Nhưng trời nắng nhiều cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến năng suất, hình dáng và thời gian chín của phật thủ. 
 
Trồng phật thủ tại Đắc Sở, có nhiều người trở nên giàu có, thu cả trăm triệu đến vài tỷ mỗi năm. Thế nhưng, cũng không ít người do chưa đủ kinh nghiệm và thiếu may mắn bị mất trắng, thậm chí là ôm nợ vì phật thủ.
 
Gần như 90% năng suất phật thủ đều phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ khi trời mưa thuận gió hòa cùng với sự tính toán, cân nhắc đúng thời điểm làm quả cho cây và theo dõi sát sao các diễn biến của thời tiết để phun thuốc phòng bệnh thì mới mong có một vụ phật thủ bội thu.
 
Để phật thủ ra quả đẹp, chín đúng dịp, chủ nhân của mỗi khu vườn luôn phải theo dõi sát sao từng quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy, xen trong những cánh đồng bạt ngàn phật thủ là những ngôi nhà, ngôi lều dựng tạm làm nơi nghỉ ngơi và để tiện chăm sóc cho vườn phật thủ. Người làm phật thủ phải thường xuyên ăn ở tại đây để trông vườn, chăm cây. 
 
Những ngôi lều dựng tạm bên cạnh vườn phật thủ để tiện chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây.
 
Tết nguyên đán là thời điểm tốt nhất để thu lợi từ phật thủ. Muốn cho phật thủ ra quả đúng dịp tết, nông dân thường “làm quả” vào khoảng tháng 4, tháng 5. Từ thời gian đó, gần như ngày nào người trồng phật thủ cũng có mặt ở vườn để chăm bón, tỉa cành, tạo tán cho cây và theo dõi sự phát triển của vườn phật thủ.
 
Anh Minh là chủ một nhà vườn với hơn 2 mẫu phật thủ cho biết: Tùy vào từng dáng quả, kích thước quả Phật thủ sẽ có giá khác nhau. Vài chục nghìn một quả cũng có nhưng có những quả bán được với giá lên đến chục triệu. Vì vậy, phật thủ là loại quả từ người thường đến người sang giàu đều chơi được.
 
Khi được hỏi có cách nào để tạo dáng cho quả Phật thủ theo ý muốn, anh Minh cười: “Dáng quả phật thủ thì chỉ có trời vẽ, mỗi quả một dáng, không quả nào giống quả nào. Quả được giá là những quả có nhiều ngón, ngón tay mọng, bung xòe rộng, xếp thành nhiều tầng. Tuy nhiên, những quả đẹp như vậy lại đặc biệt hiếm. Cả vườn cây nghìn quả may mắn mới có được vài quả. Trồng phật thủ giống như chơi một canh bạc lớn với trời”.
 
Nông dân trồng phật thủ như đánh bạc với trời, thắng vụ có thể cho về thu nhập tiền tỷ, nhưng mất mùa sẽ trắng tay.
 
Mỗi quả phật thủ ngày thường có giá 30.000 đồng đến 35.000 đồng, vào những ngày lễ tết, giá phật thủ lên tới vài trăm nghìn một quả, có thể là vài triệu.
 
Nhà vườn thắng lớn là khi mưa thuận gió hòa, cây con không chết, ít sâu bệnh, ra quả sai và đúng vụ. 
 
Nhưng, nếu thời tiết xấu, sâu bệnh nhiều, cây ít quả, có thể sẽ phá sản vì chi phí đầu tư cho mỗi cây phật thủ quá lớn.
 
Một mẫu đất có thể trồng được hơn hai trăm gốc phật thủ. Tuy nhiên, cứ sau 4 - 5 năm, cây phật thủ sẽ tàn. Và sau đó, người dân không thể trồng phật thủ ngay trên vùng đất đó được vì đất bị “cay”. Chính vì vậy, giá thuê đất để trồng phật thủ trở nên đắt đỏ.
 
Anh Minh nhẩm tính: riêng tiền thuê đất đã lên đến 5 triệu đồng/ sào, tiền mua giống là 150.000 đồng một cây, cộng thêm chi phí cho thuốc sâu, phân bón, làm giàn… cũng phải lên đến vài trăm triệu cho một mẫu đất trồng phật thủ. Với chi phí lớn như vậy, nếu thua thiệt thì chỉ còn nước phá sản. Tại Đắc Sở, không ít những trường hợp đối mặt với nguy cơ trắng tay, thậm chí là bán đất, bán nhà vì đầu tư trồng phật thủ.
 
Phật thủ là giống cây ăn quả thuộc chi cam chanh. Tên gọi của loài cây này xuất phát từ hình dáng của quả chia nhánh trông như bàn tay Phật. Cây phật thủ là loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 2 đến 2,5 m.
 
Loại quả này thường có mặt trong mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Việt. Ngoài ra, nhiều người còn thu mua phật thủ về làm thuốc.
Hà Trường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo