Phân tích

Việt Nam đặt mục tiêu thành "đại công xưởng" của thế giới

(DNVN) - Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Trong 10 năm, sẽ có 90 tỷ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến chế tạo.

Đó là phát biểu của bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam  tại hội thảo “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.

Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 24/10 tại Hà Nội, với sự tham dự của trên 180 đại biểu từ các Bộ, ban, ngành trung ương, các hiệp hội, các nhà khoa học và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Việt Nam đặt mục tiêu thành "đại công xưởng" của thế giới .

Báo điện tử Zing news dẫn lời của bà Kwakwa cho biết, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Trong 10 năm, sẽ có 90 tỷ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến chế tạo. Lĩnh vực này cũng chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.“Cách đây 10 năm, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng hóa thông thường, còn hiện nay rất đa dạng. Thậm chí, một số mặt hàng có giá trị cao như điện thoại di động, đồ điện tử”, bà nói

Tuy nhiên, tỷ trọng này còn nhỏ hơn nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia. “Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng  đang cởi mở thương mại, hội nhập, ký nhiều FTA...  và là quốc giá có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên”, bà Victoria Kwakwa phát biểu.

Trươc đó GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN phát biểu khai mạc tại hội thảo cũng bày tỏ băn khoăn về lời nhận xét, đánh giá trên. Ông đề nghị cần phải làm rõ thêm VN có tiền đề gì để hướng đến xu thế phát triển này; phải nhận định nhu cầu chuyển dịch trung tâm chế tạo thế giới như thế nào. Báo Thanh niên thông tin.

“Một điểm cần lưu ý là cần đặt câu hỏi vì sao các nhà đầu tư có thể chuyển dịch từ nước này sang nước khác. Người ta đi đâu, vì sao họ đến các nước đó? Nếu việc chuyển dịch có tính tất yếu 20 - 30 năm, VN muốn tham gia thì có điều kiện gì, gặp khó khăn gì ?”, ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.

Tin tức trên báo điện tử Hà Nội mới, theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam, ngành công nghiệp, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế.

 

“Việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực để đề xuất các giải pháp toàn diện đồng bộ có ý nghĩa hết sức thiết và cấp bách”, Thống đốc nhấn mạnh.

Hội thảo đã nghe nhiều tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH-ĐT) cho rằng, Việt Nam đứng trước những thách thức mới và phải lựa chọn các hướng đi chiến lược để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, duy trì đà tăng trưởng khi có lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ đang mất đi động lực, đổi mới cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động.

“Hiện nay, một trong những định hướng được đưa ra là phát triển kinh tế Việt Nam thành trung tâm chế biến, chế tạo. Đây là hướng đi đã từng thành công với các quốc gia như Hàn Quốc,Trung Quốc.“Trong định hướng này, việc cần làm của Việt Nam là xác định và xây dựng được các trọng điểm chế biến, chế tạo, bao gồm trong điểm về vị trí địa lý, trọng điểm về lĩnh vực”, ông Trần Duy Đông chia sẻ.

Tin tức trên báo Đầu tư, theo ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam đang hội đủ ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một "đại công xưởng" của thế giới trong vòng 20 năm tới. Thiên thời là làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Địa lợi là làn sóng đầu tư của nước ngoài đang chọn Việt Nam như là vùng trũng để thực hiện đầu tư (ngay từ khi đầu tư vào Trung Quốc, nhiều tập đoàn đã coi Vệt Nam là địa chỉ dự phòng khi chuyển hướng chiến lược). Nhân hòa là chủ trương của Đảng và Chính phủ luôn khẳng định vai trò của Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, lợi thế lao động rẻ và dồi dào, việc đã và sắp tham gia hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương… càng khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn.

 

Ngoc Huệ (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo