Phân tích

Mô hình xử lý nợ xấu của Việt Nam chưa có tiền lệ trên thế giới

(DNVN) - Đó là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng về việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam.

Trả lời báo chí về rào cản khiến xử lý nợ xấu còn chưa được triệt để, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở Việt Nam, việc xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là mô hình đặc thù chưa có tiền lệ trên thế giới. VAMC được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý của Nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Giai đoạn đầu, VAMC thực hiện nhiệm vụ mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt. 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vướng mắc xử lý nợ xấu của Việt Nam chính là thanh lý tài sản bảo đảm.

"Chúng ta không phủ nhận việc xử lý nợ xấu có những biến chuyển rất tích cực nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Vấn đề vướng mắc xử lý nợ xấu của Việt Nam chính là thanh lý tài sản bảo đảm", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, ở Mỹ, xử lý nợ nói chung và nợ xấu nói riêng có hai cách: Thông qua kênh pháp lý và tòa án.  Đối với phương án thông qua kên pháp lý, ngân hàng có quyền thế chấp ưu tiên tại mặt hàng bảo đảm, khi quá hạn có thư thông báo, sau thời hạn sẽ bán đấu giá. Sau 3 lá thư, khách hàng biết điểm đấu giá, ngân hàng có thể đem tài sản đi bán đấu giá hoặc cấn trừ nợ, nếu thừa đem trả cho khách hàng. Cách này đòi hỏi ý thức của xã hội chấp nhận cách làm như thế mà không cần sự can thiệp của Nhà nước.

Còn đối với phương án xử lý nợ xấu thông qua kênh tòa án, ngân hàng thu hồi nợ không được thì đưa ra tòa án giải quyết. Nợ không được giải quyết, tòa án tuyên bố phá sản cho doanh nghiệp.

"Ở Việt Nam không cho phép cá nhân phá sản, trong khi nhiều nước cho cá nhân phá sản. Ngân hàng đưa cá nhân đó ra, tòa án tuyên bố phá sản, có quyền cho phép ngân hàng dùng tất cả tài sản của cá nhân đó để thu hồi nợ, nếu số tài sản đó không đủ thì ngân hàng sẽ xóa nợ", ông Hiếu nói. 

Đánh giá về việc ban hành Thông tư số 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC (Thông tư 14) của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, ông Hiếu cho biết, Thông tư 14 sẽ có tác động lớn tới hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu qua VAMC, do có những sửa đổi, bổ sung quan trọng. 

 

Đặc biệt, thông tư trên chính thức quy định việc VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho TCTD bán nợ xấu, bên cạnh trái phiếu đặc biệt với cơ chế đã có. Với hình thức mới đó, trái phiếu phát hành qua việc mua theo giá trị thị trường thực sự là một tài sản gắn với các lợi ích cụ thể để các TCTD cân nhắc bán lại nợ xấu cho VAMC (dĩ nhiên phải được tổ chức này chấp thuận mua, xác định giá mua…).

Trước hết, trái phiếu VAMC phát hành, dùng để thanh toán cho TCTD bán lại nợ xấu, được chuyển nhượng giữa NHNN với các TCTD và giữa các TCTD với nhau (còn trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng). Thứ nữa, sau khi bán lại nợ xấu và TCTD sở hữu trái phiếu thì không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đó. 

Ngoài ra, các TCTD được xác định hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi với trái phiếu đặc biệt là 20%. Các TCTD được sử dụng trái phiếu để tham gia nghiệp vụ thị trường mở, bên cạnh giá trị là tài sản để tham gia tái cấp vốn tại NHNN như trái phiếu đặc biệt. Cũng như trái phiếu đặc biệt, trái phiếu mà VAMC thanh toán khi mua nợ xấu theo giá trị thị trường có lãi suất 0%. Thời hạn của trái phiếu do VAMC và TCTD bán nợ xấu thỏa thuận và tối thiểu là 1 năm.

Trường hợp số tiền thu hồi từ nợ xấu đã bán chưa đủ để thanh toán trái phiếu khi trái phiếu đến hạn thanh toán, VAMC quyết định gia hạn thời hạn của trái phiếu, tối đa không quá 3 năm, trừ trường hợp có sự đồng ý của tổ chức sở hữu trái phiếu.

"Tôi cũng ủng hộ phương án phát hành trái phiếu phổ thông thông qua thị trường, tăng tính thanh khoản cho trái phiếu, nhờ đó trái phiếu do VAMC phát hành có thể được mua đứt bán đoạn theo giá thị trường và bằng "tiền tươi thóc thật". Lẽ ra VAMC phải tiến hành sớm hơn việc mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Tất nhiên có khó khăn do chúng ta ít vốn, ngân sách hạn hẹp, nhưng chỉ làm theo cơ chế thị trường mới xử lý nợ xấu triệt để. Lúc đó mới có được thị trường, có người mua, người bán nợ thực sự", vẫn lời ông Hiếu.

 

Cũng theo ông Hiếu, để nâng cao vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu, trong thời gian tới Việt Nam cần phát triển VAMC thực sự trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế; theo đó VAMC phải là định chế tài chính đặc biệt đủ năng lực và nguồn lực về tài chính, nhân sự, quản trị, công nghệ trong việc xử lý nợ xấu, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD và khách hàng vay.

Bên cạnh đó, cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời áp dụng các cơ chế, biện pháp quản lý, giảm thiểu rủi ro trong việc mua, bán nợ theo cơ chế thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với khách hàng vay và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã mua.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của VAMC theo hướng VAMC có đủ sự chủ động và thẩm quyền trong việc thu giữ tài sản, xiết nợ, xử lý, bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, tham gia vào quản trị, điều hành, tái cấu trúc hoạt động của khách hàng vay; đồng thời tiếp tục tăng vốn điều lệ của VAMC để có khả năng mua nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, cần cải thiện hệ thống tòa án, cụ thể ở Việt Nam cần có tòa án chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến phá sản, hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo