Pháp luật

Xét xử hoa hậu Phương Nga, thanh tra giao thông Cần Thơ hầu tòa

Quốc hội chính thức thông qua Bộ Luật Hình sự sửa đổi, thanh tra giao thông Cần Thơ nhận hối lộ tiền tỷ hầu tòa, xét xử hoa hậu Phương Nga... là nội dung pháp luật đáng chú ý tuần qua.

Quốc hội chính thức thông qua Bộ Luật Hình sự sửa đổi

 

Quốc hội chính thức thông qua Bộ Luật Hình sự sửa đổi.

Chiều 20/6, với 434/457 đại biểu tán thành (tỷ lệ 88,39%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó đáng chú ý là việc bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép vào Bộ Luật Hình sự.

Theo báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày, nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vì hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho những người tham gia nên cần phải xử lý hình sự các trường hợp kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký hoặc không đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tội kinh doanh trái phép của Bộ luật hình sự năm 1999 đã được cụ thể hóa bằng các điều luật cụ thể như Điều 227, 232, 234.... Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này của dự thảo Luật. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Xét xử hoa hậu Phương Nga

Hoa hậu Phương Nga kêu oan. Ảnh:VNE

Từ 23-24/6, trong 2 ngày xét xử Trương Hồ Phương Nga (30 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi, bạn thân của Nga) về cáo buộc lừa 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ (40 tuổi, doanh nhân ở quận 3), Phương Nga tiếp tục đề nghị tòa được giữ quyền im lặng. Lý giải cho sự im lặng này, Hoa hậu cho rằng luật sư khi tham gia vụ án đã có quan điểm đánh giá về vụ án, theo tin tức trên báo VOV. 

 

Bị cáo Nguyễn Đức Thuỳ Dung được toà hỏi về các lần nhận tiền trong tài khoản từ ông Cao Toàn Mỹ, do Hoa hậu Phương Nga chỉ định nhờ nhận hộ.

Dung khai sau đó đã chuyển toàn bộ số tiền cho Phương Nga. Bị cáo Thuỳ Dung khẳng định những lời khai trước đó của mình trước cơ quan điều tra là đúng sự thật.

Không chỉ giữ quyền im lặng với HĐXX mà hoa hậu Phương Nga còn im lặng với cả luật sư của mình. Luật sư Phạm Công Hùng, người bào chữa cho Phương Nga, trong phần thẩm vấn có đề nghị cô trả lời một vài câu hỏi nhưng Phương Nga chỉ cảm ơn luật sư đã bào chữa miễn phí cho mình. Vì vậy, luật sư Phạm Công Hùng đã công bố nhiều bút lục là lời khai của Hoa hậu Phương Nga nhưng không được đưa vào cáo trạng. 

Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng công bố bản tường trình, lời khai của bị cáo Dung, Phương Nga thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, Dung khai tất cả lời khai đều thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan điều tra và bị dẫn dắt, báo Thanh niên đưa tin. 

Tiếp tục, Viện kiểm sát công bố lời khai của nhân chứng vắng mặt tại tòa Nguyễn Mai Phương (đây là người mà Phương Nga khai đã hướng dẫn Nga làm kịch bản mua bán nhà với Cao Toàn Mỹ - PV). 

 

Ngoài ra tòa cũng công bố thêm lời khai của bà Nguyễn Mai Phương biết việc Nga thuê giang hồ 200 triệu đồng để uy hiếp ông Mỹ rút đơn tố cáo Nga và việc Nga rủ bà đến bệnh viện để nhờ ông Nguyễn Văn Yên đóng giả chủ căn nhà số 7 Nguyễn Trãi để ông ký bán căn nhà cho ông Cao Toàn Mỹ giá 16,5 tỉ đồng.

Đến phần xét hỏi của LS, Phương Nga cũng từ chối trả lời những câu hỏi của người bào chữa cho mình là LS Phạm Công Hùng. “LS Phạm Công Hùng là người không quen biết tôi, chỉ tham gia vụ án ở giai đoạn sau. 

Bản thân LS khi tham gia vụ án đã có quan điểm đánh giá về vụ án rồi. Do đó, bị cáo tiếp tục giữ quyền im lặng để LS đánh giá vụ việc một cách khách quan”, Nga khai.

Khởi tố 5 cựu lãnh đạo liên quan dự án thua lỗ 1.400 tỷ đồng

Ông Vũ Đình Duy - nguyên Tổng Giám đốc PVTex.

Ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC KBC) và các đơn vị liên quan, báo Vnexpress đưa tin.

 

5 người bị khởi tố gồm: Trần Trung Chí Hiếu (nguyên chủ tịch HĐQT PVTEX), Vũ Đình Duy (nguyên tổng Giám đốc PVTEX), Vũ Phương Nam (kế toán trưởng PVTEX), Đào Ngọ Hoàng (nguyên trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX), Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Xây lắp dầu khí Kinh Bắc).

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) thỏa thuận hợp tác với nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng. Dự án này sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất đã thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nguyên nhân dự án hoạt động không hiệu quả do các công ty nêu trên đã có nhiều vi phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng... Dự án phải dừng vận hành từ giữa tháng 9/2015 do quá khó khăn về tài chính, dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có biên bản chấp thuận cho đơn vị này lỗ kế hoạch 3 năm đầu sau khi vận hành thương mại.

Thanh tra giao thông nhận hối lộ tiền tỷ hầu tòa

Sau phần hội ý, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm hoãn phiên tòa. Ảnh báo Dân trí.

Tại phiên tòa sáng nay (22/6), TAND TP Cần Thơ tiếp tục xét xử vụ Thanh tra giao thông nhận hối lộ hàng tỷ đồng. Trong phần xét hỏi, luật sư hỏi bị cáo Dương Minh Tâm (37 tuổi, nguyên Phó Chánh Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ) số tiền nhận hối lộ như cáo trạng quy kết (nhận tiền của 13 doanh nghiệp, cá nhân trên 413 triệu đồng), ngoài chi ăn uống tại đội và chi xài cá nhân thì còn dùng vào việc gì, báo VOV đưa tin.

 

Bị cáo Tâm khai đã chi 370 triệu để được bổ nhiệm lên chức (từ đội trưởng TTGT lên Phó Chánh thanh tra Sở). Luật sư hỏi tiếp, đã chi cụ thể cho ai, Tâm khai, chi cho ông Trương Văn Phúc (thời điểm đó đang là Phó Chánh thanh tra Sở).  

Được biết khi vụ án xảy ra, ông Phúc phủ nhận những thông tin liên quan đến mình. Hiện ông Phúc đã được điều chuyển công tác. Còn Tâm giữ chức Phó Chánh thanh tra được 5 tháng thì bị bắt.

Riêng bị cáo Đoàn Vũ Duy (nguyên Đội trưởng Đội cơ động đường bộ TP.Cần Thơ), đến nay vẫn không khai gì và không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. 

Qua các buổi thẩm vấn, số tiền các bị cáo khai nhận tại tòa có sự chênh lệnh với số tiền các bị cáo bị truy tố. Như trường hợp bị cáo Đoàn Vũ Duy nhận hối lộ hơn 2,799 tỉ đồng, tuy nhiên tại tòa Duy khai nhận chỉ nhận 2,741 tỉ đồng. Số tiền của các bị cáo khác, có người nhiều hơn so với cáo trạng cũng có người khai ít hơn cáo trạng.

VKSND TP Cần Thơ xét thấy nếu giữ nguyên cáo trạng này thì có phần bất lợi cho các bị cáo nên đã đề nghị HĐXX cho tạm hoãn phiên tòa. Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đồng ý kiến nghị của kiểm sát viên. Sau phần hỏi ý, HĐXX tuyên tạm hoãn phiên tòa và chưa ấn định thời gian xét xử lại.

 

 50 học viên cai nghiện đạp đổ cổng trại bỏ trốn tại Bến Tre

Cổng cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bến Tre bị các học viên đạp đổ rồi bỏ trốn. Ảnh báo Thanh niên. 

Chiều 25/6, Đại tá Phạm Văn Ngót, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bến Tre cho biết, liên quan đến việc 50 học viên ở Trại cai nghiện ma túy Bến Tre (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) trốn trại vào chiều 24/6, đến nay đã có 41 học viên đã trở lại trại, theo tin tức trên báo Vietnamplus. 

Hiện ngành chức năng tỉnh đang vận động 9 đối tượng trốn trại còn lại trở về.  Khoảng 16h 30 phút ngày 24/6, lợi dụng giờ chơi thể thao trong khu vực của cơ sở cai nghiện, 50 học viên của cơ sở này đã đạp đổ cổng trại, đồng loạt trốn ra ngoài. 

Khi thoát khỏi cơ sở cai nghiện, chỉ số ít chạy về hướng Ba Tri, còn đa phần học viên vượt cống đập Ba Lai qua xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại (Bến Tre) và ẩn náu trong khu vực hơn 10 ha nuôi tôm, vườn dừa của người dân. 

Ngay trong chiều và đêm 24/6, các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, kiểm soát nhiều ngã đường, tìm và vận động học viên quay lại cơ sở cai nghiện.

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo