Tin tức - Sự kiện

Bắt hành khách vào bến mua vé - Dễ ít khó nhiều

Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 18/2013/TT-GTVT về tổ chức quản lý hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa. Một trong những điểm được nhiều người quan tâm là quy định các nhà xe “không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức”.

Tích cực và bất tiện

Bàn về quy định ‘buộc người muốn đi xe phải trực tiếp ra bến mua vé’, chị Nguyễn Thị Hường quê Quảng Ninh, thường sử dụng xe khách là phương tiện đi lại từ Hà Nội về quê cho biết, từ nhà chị ra bến xe phải đi gần chục cây số, mỗi khi có nhu cầu về quê, chị thường gọi điện trước cho một nhà xe và đặt vé trước. Đến giờ xe chạy chị chỉ cần ra chờ ở bến xe, lấy vé từ nhà xe là có thể bắt đầu chuyến hành trình.

Số lượng người đổ về bến xe quá đông sẽ gây áp lực lớn cho các nhà xe.

Quy định bắt buộc phải vào bến xe để mua vé về mặt tích cực “có thể tránh được tình trạng nhà xe tăng giá vé bất thường vào những dịp lễ tết”, chị Hường đồng tình. “Ngoài ra còn giúp hạn chế nhà xe đỗ dừng tùy tiện hoặc chạy lòng vòng để bắt thêm khách”.

Mặc dù thừa nhận có quy định mới điểm tích cực nếu được áp dụng nhưng chị Hường vẫn cho rằng việc bắt buộc phải vào bến xe mua vé “không hề thuận tiện cho người dân chút nào”. Ngoài lo lắng một lượng người lớn dồn cả vào bến xe khiến quá tải và chen chúc mua vé, quan trọng hơn, “nhiều người nhà ở xa bến xe, nếu bắt họ phải vào bến mua vé sẽ mất rất nhiều thời gian đi lại”, chị Hường nói. Với hệ thống giao thông cả nước chưa đồng bộ như hiện nay, đặc biệt với các tỉnh lẻ, việc đi lại hàng chục cây số để ra bến xe liên tỉnh mua vé là hết sức bất tiện.

Người dân có thể tự do lựa chọn xe khách mang thương hiệu quen thuộc để tiện cho việc đi lại.

Chị Trần Thị Hoa quê Hà Tĩnh cũng chia sẻ, mỗi khi về hành lý cồng kềnh lại đường xa, không có thời gian ra bến mua vé mà thường đặt chỗ cho nhà xe trước. Nếu phải ra bến mua vé thì có lẽ là tiện xe nào thì tôi sẽ đi hoặc là chọn phương tiện khác. Theo quan điểm của tôi, thời điểm này bắt người dân vào bến sẽ gây khó khăn hơn là tạo thuận lợi cho hành khách.

Ba “bộ” chưa thông

Dưới góc độ an toàn giao thông, ngay cả lực lượng chức năng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.

Ông Đặng Văn Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an Thành phố Hà Nội nghi vấn dự thảo này chưa chắc đã góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bắt khách dọc đường, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định. Tâm lý chung của người dân vào bến mua vé là một công việc khá tốn thời gian và rắc rối. “Dồn người dân cả vào bến xe theo tôi chưa chắc đã là cách làm mang lại hiệu quả. Nếu cứ bắt dân ra bến xe mua vé có khi lại mang lại những tác dụng ngược. Khó cấm họ thấy chỗ nào tiện hơn sẽ chọn để đi”, ông Trung nói.

Dồn hành khách vào bến mua vé xe chưa chắc sẽ hạn chế tình trạng xe dù, xe khách trá hình.

Với nhà xe thì sao? Đại diện của công ty Vận tải Tân Đạt, anh Ngô Văn Hùng cho hay, xác nhận đặt chỗ trước cho hành khách là các hình thức giao dịch điện tử để đi xe tiện lợi nhất. Việc phải vào bến xe mua vé khá rắc rối và phức tạp. Vì vậy nếu điều này trong dự thảo được thông qua, sẽ là làm khó cho người dân rất nhiều và sẽ làm giảm một lượng khách lớn của các đơn vị vận tải.

Phó giám đốc xí nghiệp quản lý Bến xe phía Tây Nguyễn Mạnh Tuấn nói: “Tôi chưa được nghe gì về nội dung thông tư này nên không bàn luận gì nhiều”. Tuy nhiên theo ông Tuấn, nếu người dân dồn cả vào bến xe mua vé sẽ gia tăng tình trạng ùn ứ tại các điểm bán vé. Khó tránh khỏi cảnh dân phải xếp hàng mua vé, rồi vạ vật ở các bến xe chờ vé, tạo áp lực lớn cho các bến xe.

Kiều Luyến - Trần Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo