Tin tức - Sự kiện

Bỏ ân hạn thuế: Hải quan đẩy khó cho doanh nghiệp?

Nếu đề xuất bỏ ân hạn thuế 275 ngày được thông qua, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải lo chạy hàng tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu nguyên vật liệu để nộp ngay. Dù doanh nghiệp phản đối nhưng Tổng cục Hải quan vẫn bảo lưu quan điểm buộc doanh nghiệp phải nộp thuế ngay.

Doanh nghiệp ngoại làm khổ doanh nghiệp nội?


Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế dự kiến sẽ bỏ ân hạn thuế tới 275 ngày đối với nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất xuất khẩu. Muốn nhập hàng ngay, các doanh nghiệp phải nộp thuế trước, còn nếu muốn ân hạn thuế 275 ngày, doanh nghiệp phải có bảo lãnh của ngân hàng.

 

Việc siết chặt về thời hạn nộp thuế này đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may, da giày, thủy sản... như ngồi trên đống lửa.


Kể từ tháng 4 đến nay, các doanh nghiệp này đã gửi "đơn" kiến nghị phản ứng tới Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội về chính sách này. Tuy nhiên, những nhà soạn thảo dự luật luôn có lý riêng để bảo vệ quan điểm.


Cái lý đầu tiên là nhằm ngăn ngừa hiện tượng trốn thuế mà chủ yếu là xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp FDI xuất khẩu.

 

Gần đây nhất, hôm 1/10, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã đáp lời doanh nghiệp dệt may và thủy sản, cho biết, trong cơ cấu xuất khẩu ngành dệt may, nhóm các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 60%. Năm 2011, xuất khẩu dệt may 14 tỷ USD thì các doanh nghiệp FDI dệt may cũng đã chiếm tới 8,5 tỷ USD.


Nhưng lợi dụng cơ chế thông thoáng trong việc thành lập và chính sách ân hạn thuế hiện nay, các doanh nghiệp đã chây ỳ, không chịu nộp thuế mà cũng không thanh khoản đối với hồ sợ hàng sản xuất xuất khẩu.


Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã nêu: số nợ thuế tạm thu quá hạn lũy kế kể từ khi Luật thuế xuất nhập khẩu thực hiện cho đến 31/8 năm nay đã là 1.496,6 tỷ đồng. Trong đó, loại hình nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất xuất khẩu có số nợ thuế là 587,2 tỷ đồng, chiếm 39,2% tổng số thuế tạm thu.


Đầu tháng 4 năm nay, tình trạng doanh nghiệp FDI nợ thuế, trốn thuế cũng đã được cơ quan này cảnh báo tới các hải quan địa phương.

 

Theo Tổng cục, chiêu gian lận phổ biến nhất là doanh nghiệp FDI trong thời gian miễn thuế, ân hạn thuế đã nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa. Sau đó, các doanh nghiệp này tự ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, không thanh toán nợ khiến cho hải quan bị thất thu thuế lớn.


Điển hình là Công ty TNHH Diing Long Việt Nam tại Bình Dương đã nợ tới 17 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu nguyên vật liệu. Ban giám đốc đã về nước, công ty vắng chủ, còn tài sản thì đã đem thế chấp ngân hàng khiến hải quan "bó tay".


Vì lẽ đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, siết quy định ân hạn thuế sẽ góp phần chống gian lận nợ thuế, giảm bớt chi phí quản lý thuế, thu nợ thuế. Đây là quy định cần thiết trong bối cảnh có một số doanh nghiệp ý thức thực hiện nghĩa vụ thuế chưa cao.


Tốn kém thêm hàng triệu USD


Tuy nhiên để "bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp", Tổng cục Hải quan đưa ra lựa chọn cho doanh nghiệp, nếu không nộp thuế ngay, có thể xin bảo lãnh ngân hàng để được ân hạn thuế.


Theo hải quan ước tính, mức phí bảo lãnh của ngân hàng khi có tài sản đảm bảo khoảng từ 1-2%. Giả sử, với số tiền nộp thuế là 300 triệu đồng, mức phí bảo lãnh là 1% thì mỗi tháng, doanh nghiệp chỉ phải trả mức phí bảo lãnh là 249.000 đồng, tương đương 2,241 triệu đồng trong vòng 9 tháng (275 ngày).


Nếu mức phí bảo lãnh là 2%, doanh nghiệp sẽ phải trả 498.000 đồng/tháng, nhân lên thời gian 9 tháng sẽ vào khoảng 4,48 triệu đồng.


Nếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, mức phí bảo lãnh ngân hàng cao nhất là 3,5%/năm. Như vậy, mức phí bảo lãnh cao nhất cho doanh nghiệp trường hợp này sẽ là 870.000 đồng/tháng, tức khoảng 7,83 triệu đồng trong 9 tháng.


Các mức phí này là không lớn và lại được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.


Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ không bị phạt chậm nộp thuế trong thời gian bảo lãnh này. Điều này cũng đồng nghĩa, các doanh nghiệp đã được hưởng lợi khi từ việc sử dụng luồng tiền thuế thực chất là chậm nộp mà không bị tính lãi chậm nộp như các doanh nghiệp nhập khẩu khác, với mức lãi từ 0,05%- 0,07%/ngày.


Tuy nhiên, bà Đặng Phương Dung, Phó Tổng Tập đoàn Dệt may Việt Nam bày tỏ: "Phí bảo lãnh có thể không cao nhưng cơ quan hải quan quên mất rằng, doanh nghiệp rất khó vay vốn, khó đáp ứng điều kiện tài sản thế chấp!".


Theo bà Dung, các doanh nghiệp dệt may đã thường phải đi vay vốn lưu động. Khi giá nguyên phụ liệu lên cao thì tiền đi vay cũng sẽ tăng nhiều lên.



Ví dụ, một kg bông nhập khẩu, có lúc giá chỉ 1, 8- 1,9 USD/kg, có lúc tăng vọt tới 5 USD/kg, doanh nghiệp không thể đủ tiền mà phải đi vay, lượng tiền vay cho nhập nguyên phụ liệu khi đó sẽ tăng nhiều lên. Chưa kể, cùng một khoản tài sản đảm bảo cũng chỉ vay được một nguồn. Muốn vay vốn ngân hàng, muốn bảo lãnh thì doanh nghiệp cũng phải có tài chính lành mạnh.


"Chắc chắn, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sẽ bị mất sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong khu vực. Các nước có sẵn nguyên phụ liệu, còn ta vẫn phải nhập khẩu đa số nguyên phụ liệu. Doanh nghiệp đã khó càng khó hơn", bà Dung nói.


Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may, việc bỏ ân hạn thuế sẽ làm giá thành sản phẩm xuất khẩu riêng ngành này tăng từ 8% đối với trường hợp bảo lãnh ngân hàng và đến 16% trường hợp vay tiền nộp thuế nhập khẩu.


Một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có quy mô trung bình, nhỏ đã có doanh số 10 triệu USD/năm, nộp thuế vào khoàng 1,2 triệu USD/năm. Như vậy, giá trị tài sản bảo lãnh lên tới 2 triệu USD.


Một năm doanh số dự kiến xuất khẩu của cả ngành là 16 tỷ USD thì số thuế phải nộp lên tới 700-800 triệu USD/năm. Sẽ rất lãng phí nếu như toàn bộ số thuế này phải nộp ngay rồi lại chờ hoàn thuế trong khi số tiền đó có thể được sử dụng giá trị hiệu quả hơn. Chưa kể thủ tục để hoàn thuế rất phức tạp.


Cũng bức xúc không kém, ông Nguyễn Hữu Dũng, chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: "Căn nguyên của việc siết chặt thời gian ân hạn thuế là có chuyện một số doanh nghiệp kinh doanh không đàng hoàng nhưng đó là số ít. Nhà nước đáng lẽ phải phân loại doanh nghiệp ra, ai làm nghiêm túc, ai làm sai mà để có giải pháp phù hợp".


"Chính sách thuế như vậy là theo kiểu "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót". Vì một thiểu số làm sai mà áp dụng biện pháp quản lý phòng ngừa, kiểm soát cho mọi doanh nghiệp. Đây còn là sự quản lý rất độc đoán, "bất cần" với doanh nghiệp", ông Dũng chỉ trích.


"Chúng tôi sẽ phản đối đến cùng chuyện này. Nhà nước chỉ đưa ra quy định bảo vệ thuận lợi cho hoạt động quản lý của Nhà nước mà không quan tâm đến thực tế kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp", ông Dũng nhấn mạnh.

 

Theo VEF

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo