Tin tức - Sự kiện

Cẩn trọng khi mua hàng giảm giá cuối năm

Thông thường, cuối năm là vào mùa cao điểm mua sắm. Đây chính là dịp để các nhà phân phối hàng hóa áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi với giá bất ngờ.

Ảnh minh họa: Người tiêu dùng nên

Bán hàng giảm giá, kèm quà tặng, thanh lý hàng,… là một trong những biện pháp kích cầu tiêu dùng đang được nhiều nhà kinh doanh hướng tới. Tuy nhiên, hình thức khuyến mãi thực chất chỉ là “chiêu” câu khách hàng. Trong "thượng vàng hạ cám" ấy, có rất nhiều sản phẩm là hàng có mẫu mã cũ, hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc đội lốt mác "hàng chính hãng khuyến mãi, giảm giá". Nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng sẽ mắc bẫy.

 
Treo đầu dê, bán thịt chó
 
Dọc theo các tuyến đường lớn ở Sài Gòn, như: Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu,…có rất nhiều điểm kinh doanh treo băng rôn với những lời chào mời giảm giá hấp dẫn, đại loại: “Mừng sinh nhật giảm giá 50%”, “Bán hàng giá vốn”, “Xả hàng thu hồi vốn”, “Thanh lý giá rẻ”,…để thu hút người mua.
 
Trong số những mặt hàng được giới thiệu giảm giá thì thiết bị điện máy gia dụng, thời trang là hai nhóm hàng có chương trình giảm giá rầm rộ, tạo được sự chú ý của người tiêu dùng. Lợi dụng cơ hội này, nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị làm ăn chộp giật, không đàng hoàng đã đưa hàng rởm, hàng kém chất lượng ra tiêu thụ dưới mác là "hàng chính hãng khuyến mãi", "hàng thanh lý",... Điều này khiến người tiêu dùng vô tình trở thành "mồi ngon" của những cái bẫy khuyến mãi lừa đảo.
 
Tham khảo giá bán hàng tại các cửa hàng thời trang ở Sài Gòn, chúng tôi nhận thấy nhiều món hàng được người bán nâng giá lên so với trước, sau đó giảm xuống từ 20 - 50%, thậm chí 70%. Phổ biến trong các mặt hàng điện gia dụng được nâng rồi hạ giá, gồm: ti vi, máy giặt, tủ lạnh…; thậm chí nhiều nơi còn quảng cáo bán giá vốn nhưng thực tế giá của nhiều sản phẩm còn cao hơn các cửa hàng không giảm giá. Tính ra, kiểu bán này không hề giảm, nhưng nếu người tiêu dùng không chú ý sẽ bị… “hớ” ngay.
 
Nói về hình thức giảm giá “ảo” này, chị Lê Kim Hoài (Phú Nhuận) dẫn chứng: “Tuần rồi tôi mua một bộ nồi inox bán giảm giá 20% là 199.000 đồng. Tưởng rẻ, nhưng không ngờ hôm qua khi ra chợ Bà Chiểu hàng cùng loại chỉ có 180 ngàn đồng/bộ”. 
 
Vừa mua một chiếc áo sơ mi giảm giá 50% trên đường Lê Văn Sỹ, chị Thảo Trang chỉ phải thanh toán 120.000 đồng. Tuy nhiên, chị Thảo Trang vô cùng ấm ức khi vào một cửa hàng khác cách đó vài mét, cũng cái áo sơ mi giống hệt nhưng chỉ treo giá 90.000 đồng.
 
"Soi kỹ" trước khi mua
 
Nói về “phong trào” giảm giá ồ ạt dịp cuối năm, một chủ cửa hiệu bán hàng điện tử nhận định, cuối năm thì nhiều thương hiệu lớn áp dụng giảm giá hàng. Tuy nhiên, phần lớn lượng hàng khuyến mãi với số lượng nhiều, chủ yếu là hàng tồn kho, hoặc bị lỗi. Do vậy, trước khi mua, khách hàng nên xem xét kỹ các thông số kỹ thuật vì giá cả phụ thuộc lớn vào các thông số này; đồng thời lưu ý thời gian bảo hành, hàng điện tử tiết kiệm điện hoặc kèm theo linh kiện thay thế khi hư hỏng hay không.
 
Khảo sát tại các cửa hàng điện máy, hàng loạt biển quảng cáo giảm 50%, thậm chí 70% với lý do khuyến mãi Tết, xả hàng thu hồi vốn,… Tuy nhiên, chỉ có những sản phẩm giảm mạnh là hàng có giá trị thấp như bàn là, quạt, nồi cơm điện,…còn những mặt hàng đắt tiền như tủ lạnh, tivi giảm thì chỉ là hàng trưng bày, lỗi mốt, hàng hết bảo hành của nhà sản xuất; hoặc có nhiều mặt hàng giá rẻ nhưng thương hiệu lạ, không có nhãn phụ tiếng Việt và không có bảo hành của nhà sản xuất mà chỉ có bảo hành của nơi bán, được các chủ cửa hàng giới thiệu là hàng xách tay.
 
Riêng đối với mặt hàng thời trang, vì không có một mức giá chung nên để tránh mua hàng giảm giá “ảo”, khách hàng cần chọn mua những mặt hàng của các công ty có thương hiệu tại những điểm bán có uy tín.
 
Tấm băng rôn “Giảm giá 50%” treo khá bắt mắt trước một cửa hàng bán thời trang trên đường Hai Bà Trưng đã thu hút khá nhiều chị em dừng lại. Lạc vào hàng thời trang này, tìm mỏi mắt người mua mới thấy chỗ để hàng giảm giá. Đều là hàng đã lỗi mốt, hết site nên mới hạ giá. Còn các đồ khác, giá vẫn giữ nguyên. Nhiều người bước vào lại đi ra và thở dài thườn thượt.
 
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, hiện nay trên thị trường xuất hiện một số kênh phân phối sản phẩm. Ngoài bán hàng trực tiếp thì hình thức bán hàng online hiện nay cũng đang rất phổ biến. Thời gian qua, đã có nhiều khách hàng gặp phiền toái khi mua đồ dùng dưới hình thức này.
 
Trao đổi kinh nghiệm trong chuyện mua sắm online, anh Trọng Hoàng (Bình Thạnh) chia sẻ: “Ngoài việc thỏa thuận mức giá phù hợp với thị trường chung thì người mua cần tìm hiểu kỹ hình thức thanh toán, bảo hành, việc đổi trả hàng hóa, kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa khi nhận. Nếu không, dễ dẫn đến rắc rối rất phiền phức”.
 
Cuối năm, xả hàng tồn, mẫu mã cũ để nhập hàng mới đã trở thành thông lệ trên thị trường. Nhưng việc giảm giá, khuyến mại có tuân theo quy định và có sự kiểm tra, kiểm soát hay không mới là điều đáng bàn. Sự nhộn nhạo trong việc giảm giá, khuyến mại ồ ạt trên thị trường hiện nay đã khiến cho nhiều nơi “treo đầu dê, bán thịt chó”, gây bực bội cho người tiêu dùng, thậm chí là nhầm lẫn khiến khách hàng bỏ tiền mua đồ khuyến mại hóa ra lại bị đắt.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo