Tin tức - Sự kiện

Cẩn trọng khi trẻ hen suyễn đến trường

Áp lực bài vở, chơi đùa vận động quá sức, trò có bệnh nhưng thầy cô không biết là những nguyên nhân có thể khiến trẻ vào cơn suyễn cấp


Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM cho biết, suyễn không phải là trường hợp cá biệt trong lớp học. Các thống kê cho thấy có 10-30% học sinh có biểu hiện của bệnh này.

"Điều đáng quan ngại là tình trạng các học sinh mắc bệnh bị bỏ rơi, trong khi đó khoảng 1/3 trẻ có nguy cơ gặp vấn đề phải cấp cứu tại trường", bác sĩ Nhiên nói.

Theo bác sĩ Nhiên, nguyên nhân khiến trẻ vào cơn hen suyễn cấp khi đến trường là vì môi trường và nếp sinh hoạt thay đổi, các bé không được chăm sóc tốt bằng ở nhà.

"Khói bụi trên đường đến trường, bụi phấn trong lớp, áp lực bài vở, thể thao gắng sức không hợp lý, môn học thể lực không phù hợp là những nguyên nhân thường thấy khiến trẻ vào cơn suyễn cấp", bác sĩ Nhiên cho biết.

Một nguyên nhân khác khiến học sinh bị suyễn vào cơn cấp là do sự kỳ thị của các học sinh khác. Quan niệm này xuất phát từ dân gian, khi một học sinh bị hen thì các bạn e dè, sợ hãi, chính thái độ này sẽ khiến người bệnh bị áp lực tâm lý và cơn bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Để đề phòng cơn suyễn cấp cho trẻ ở trường, thầy cô cần nắm được danh sách học sinh mắc bệnh để cho trẻ ngồi ở những vị trí thuận lợi, tránh ngồi ở vị trí có bụi bặm, gió mạnh, quá nóng hay quá lạnh. Giáo viên chủ nhiệm cần giúp học sinh tránh những căng thẳng quá mức do áp lực bài vở, ngăn biểu hiện kỳ thị từ học sinh khác.

Giáo viên dạy thể dục không nên cho các bé tham gia những môn hoạt động cường độ cao và kéo dài như thể dục nhịp điệu, chạy marathon, đua xe đạp, những môn đối kháng, hạn chế cho các bé tham gia môn lặn. Nên cho trẻ vận động khởi động hoặc dùng thuốc ngừa trước khi vận động. Với thuốc xịt, có thể xịt trước khi vận động 15-30 phút. Thuốc uống phải trước khoảng 3 giờ.

 

 

Với thuốc xịt , có thể xịt trước khi vận động 15-30 phút


Khi trẻ lên cơn suyễn cấp, giáo viên cần đặt học sinh ở nơi thông thoáng nhiều khí trời, cho trẻ nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc chỗ có khói bụi. Thầy cô nên đưa bệnh nhân đến phòng y tế học đường, cho trẻ dùng thuốc xịt cắt cơn sau đó và báo cho phụ huynh.

Với phụ huynh, cần cho nhà trường biết rõ tình trạng bệnh của con em, cho các em mang thuốc xịt cắt cơn bên mình. Điều quan trọng là nên đưa các em đến bác sĩ tái khám đúng hẹn dù không thấy lên cơn cấp.

MinhThuy ( Theo vnexpress )

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo