Tin tức - Sự kiện

Cảnh báo tình trạng thao túng thị trường của thương lái Trung Quốc

Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu chính quyền huyện Cam Lâm và các ngành có liên quan cần tuyên truyền, khuyến cáo nông dân cảnh giác trong việc bán xoài Úc cho thương lái Trung Quốc. Động thái này nhằm bảo vệ giá trị, thương hiệu của một loại nông sản mới và tránh những rủi ro như đã từng gặp.

Sự cảnh báo này là cần thiết bởi trước đó, tại tỉnh Khánh Hoà và nhiều địa phương khác, hàng loạt mặt hàng nông sản được người dân khai thác và nuôi trồng quá mức để bán cho thương lái Trung Quốc, sau đó gánh hậu quả nặng nề.

 

Thương lái Trung Quốc mua không cần tốt xấu

 

Xoài Úc là giống xoài được công ty EMU Việt Nam ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà phối hợp với trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Khánh Hoà du nhập và trồng thành công từ mấy năm gần đây.

 

Xoài Úc có đặc điểm trái to, tròn, thơm ngon... nhìn chung có nhiều ưu thế hơn hẳn các giống xoài khác trồng tại các địa phương ven biển thuộc tỉnh Khánh Hoà. Chính vì xoài Úc cho hiệu quả kinh tế cao, nên diện tích tăng khá nhanh, đến nay đã lên đến gần 1.000ha. Xoài Úc thương phẩm đang được công ty EMU Việt Nam thu mua và chế biến xuất khẩu.

 

Tuy vậy, từ khoảng hai tháng trở lại đây, tại các vườn xoài Úc có rất nhiều thương lái Trung Quốc đến mua để đưa về nước qua đường tiểu ngạch.

 

Một thương lái tên M. chuyên mua xoài ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm cho biết công ty EMU Việt Nam mua xoài theo hình thức phân loại, đóng gói, gắn thương hiệu để xuất khẩu trong khi các thương lái Trung Quốc mua rất “à um” không cần phân loại, không đóng nhãn mác và mua với giá cao hơn 1 – 2 giá.

 

Sau khi gom mua, họ chở xoài về Trung Quốc chủ yếu bằng đường bộ. “Xoài đâu giống như cái kẹo sản xuất hàng loạt nên không đồng đều, có trái tròn, trái méo. Thế nhưng thương lái Trung Quốc mua tất, như vậy rất dễ bán”, M. nói.

 

Hiện công ty EMU Việt Nam mua xoài theo phân loại: 32.000 đồng/kg loại 1, 28.000 đồng/kg loại 2, 18.000 đồng/kg loại 3, và xoài dạt 10.000 đồng/kg. Trong khi đó thương lái Trung Quốc mua “xô” với giá lên đến 28.000 đồng/kg.

 

Hiện toàn tỉnh Khánh Hoà có khoảng 500ha xoài Úc đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng hơn 700 tấn. Năm nay, công ty EMU Việt Nam dự kiến mua để xuất khẩu khoảng 500 – 600 tấn, nhưng do thương lái Trung Quốc vào tranh mua, đẩy giá lên cao khiến công ty này chỉ mua được chưa đến 240 tấn.

 

Không tiếp tay cho thương lái Trung Quốc

 

Hướng dẫn, vận động người dân không tiếp tay, hỗ trợ các hoạt động thu gom hàng hoá (đặc biệt nông sản, hải sản), sơ chế, vận chuyển phục vụ buôn bán theo đường tiểu ngạch với các thương lái nước ngoài nói chung, thương nhân Trung Quốc nói riêng. Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng với nội dung như trên. Văn bản trên cũng yêu cầu siết chặt việc quản lý hoạt động thu mua hàng hoá của thương nhân Trung Quốc trên địa bàn thành phố; lập đường dây nóng tại các địa bàn chủ chốt để tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin của người dân cung cấp.

Ông Dương Tôn Đoàn, phó tổng giám đốc công ty EMU Việt Nam nói do phải cạnh tranh với thương lái Trung Quốc nên có khi ba, bốn ngày doanh nghiệp không mua được xoài.

 

Trước đây doanh nghiệp thu mua, phân loại ngay tại vườn nhưng bây giờ có lúc phải mua “xô” cho kịp với thương lái Trung Quốc, sau đó đem về nhà máy phân loại.

 

Nhưng lo ngại nhất là Hong Kong không phải là thị trường chính ngạch nhưng đã xuất hiện xoài Úc Khánh Hoà, do thương lái Trung Quốc xuất qua.

 

“Xoài Úc qua Hong Kong theo đường thương lái Trung Quốc bị hư hỏng nhiều... Nguy hiểm nhất là điều đó mất uy tín thị trường xuất khẩu trong tương lai”, ông Đoàn lo ngại.

 

Thực tế cho thấy gần đây không chỉ xoài Úc, tình trạng tranh mua của các thương lái Trung Quốc đã ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Thương lái Trung Quốc đã thuê các thương nhân người Việt Nam mua sản phẩm như khóm, khoai lang, cua... với giá cao.

 

Thấy bán được giá cao, nông dân phá bỏ luôn hợp đồng đã ký với nhà máy để bán cho họ. Sở dĩ thương lái Trung Quốc trả giá cao hơn thương nhân trong nước vì không phải đóng thuế, từ đó họ có thể thao túng thị trường, tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng, phần thiệt cuối cùng thường là nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.

 

Một số ý kiến cho rằng, phần lớn thương nhân Trung Quốc núp bóng thương nhân trong nước, không trực tiếp mua nông sản của nước ta nên khó xử lý. Do đó, cần có những quy định để kiểm soát hoạt động của cả thương nhân Việt Nam khi tham gia hợp tác với thương nhân nước ngoài, nhất là Trung Quốc.

 

 

Bài học cay đắng từ rong mơ bị khai thác tận diệt

 

Từ mấy năm nay, khai thác rong mơ để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là nghề của nhiều người dân ven biển miền Trung. Có thời điểm, giá rong mơ liên tục tăng từ vài ngàn đồng/kg lên 9.000 – 10.000 đồng/kg khô, nên người dân đua nhau khai thác rong mơ. Thậm chí, rong mơ trưởng thành từ tháng 5 – 8, nhưng mới tháng 3 khi còn non cũng đã bị khai thác theo kiểu tận diệt.

 

Chính vì vậy, năm nay dù rong mơ vào chính vụ nhưng tại các xã/phường vốn được xem là vựa rong mơ của tỉnh Khánh Hoà như xã Ninh Vân, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hoà; phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang không còn cảnh tấp nập người dân phơi rong mơ kéo dài dọc các bãi biển, hai bên đường đi như trước đây.

 

Chẳng hạn, tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hoà năm nay mới chỉ khai thác được khoảng 200 tấn rong mơ, bằng 1/3 so với năm ngoái. Rong mơ mất mùa, khiến cuộc sống hàng trăm hộ dân làm nghề này trở nên khó khăn.

 

Lao động vất vả, ngụp lặn dưới biển sâu để cắt được cây rong nhưng thu nhập mỗi người chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một thợ lặn chuyên cắt rong mơ ở xã Ninh Vân cho biết từ tháng 3 khi rong mơ còn non người dân đã đua nhau cắt bán cho thương lái Trung Quốc, vì thế rong mơ ngày càng ít.

 

Tiến sỹ Lê Như Hậu, viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), thư ký đề tài khoa học “Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu giải pháp bảo vệ nguồn lợi rong mơ tại Khánh Hoà” cho hay, rong mơ có vai trò rất quan trọng đối với môi trường, là nơi làm tổ của các loài thuỷ sản, hấp thụ các chất thải hữu cơ tại các vùng cửa biển. Đặc biệt rong mơ có vai trò rất quan trọng trong chiết xuất thực phẩm dinh dưỡng... Thế nhưng, do khai thác quá mức để bán cho Trung Quốc, sản lượng rong mơ tại Khánh Hoà đang suy giảm nghiêm trọng, tốc độ mỗi năm giảm từ 1 – 2 lần.

 

Tiến sỹ Hậu lo lắng: “Rong mơ cạn kiệt không những dẫn đến suy thoái về rong mơ mà còn suy thoái về môi trường, đặc biệt là suy thoái về nguồn lợi ven bờ”.

 

 

Giá khoai lang tăng, nông dân lại ùn ùn bỏ lúa

 

Chưa có thống kê chính xác nhưng theo UBND các xã thuộc huyện Bình Tân, Bình Minh, Tam Bình (Vĩnh Long) khi khoai lang tím Nhật tăng giá trở lại, dù chưa tới mức đỉnh như hồi năm ngoái (1,2 triệu đồng/tạ), nhưng diện tích đất lúa chuyển sang trồng khoai lang có chiều hướng tăng nhanh trở lại. Một số nơi đã chuyển 100% diện tích đất lúa sang chuyên canh khoai lang. Phòng nông nghiệp Bình Tân cho hay, đã khuyến cáo nông dân không nên phát triển rầm rộ khoai lang theo hướng chuyên canh, nhưng không hiệu quả. Tổng diện tích khoai lang tại Vĩnh Long, tính đến đầu tháng 6.2012, đã lên tới gần 9.500ha, gấp rưỡi hồi năm 2011.

Giá khoai lang tăng trở lại do nhiều xe container đã trở lại làm “hàng” cho thương lái Trung Quốc tại các vựa khoai lang thuộc xã Thuận An, huyện Bình Minh.

Ngọc Tùng

 
 

 

 

 

Theo SGTT

  
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo