Thúc đẩy đưa công nghệ vào giải quyết những thách thức của nông nghiệp
DNVN - Chiều 13/4/2021, Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp (GRAFT Challenge Vietnam 2021) đã chính thức được phát động. Chương trình sẽ tăng tốc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ đang phát triển để mở rộng nguồn khách hàng và mạng lưới đối tác tiềm năng tại Việt Nam.
Năm 2025, 5G sẽ đóng góp 7,34% tăng trưởng GDP tại Việt Nam / Ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành
Tại cuộc họp báo công bố Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, với sự tài trợ của Chính phủ Úc, thông qua Chương trình Aus4Innovation, GRAFT hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những thách thức cấp thiết của ngành nông nghiệp Việt Nam bao gồm: cải thiện chất lượng và chi phí nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch, và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, đồng thời giải quyết các thách thức cụ thể của 3 nhóm ngành, gồm trồng trọt, thuỷ hải sản, và chăn nuôi.
Ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam phát biểu tại cuộc họp báo.
“Khả năng phục hồi của Việt Nam trong đại dịch COVID-19 cùng với vị thế là một cường quốc xuất khẩu nông nghiệp đã chứng minh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần có những giải pháp công nghệ đột phá để có thể tận dụng hết những cơ hội đó. Qua GRAFT, Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam muốn tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi để phát triển công nghệ nông nghiệp", ông Nguyễn Đức Tùng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng, GRAFT tìm kiếm các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp trưởng thành tại Việt Nam và trên thế giới với các giải pháp đã được thị trường kiểm chứng và sẵn sàng mở rộng quy mô. Các doanh nghiệp khi nộp đơn đăng ký cần làm rõ giải pháp của mình có thể giải quyết các thách thức của ngành như thế nào, đồng thời chỉ ra những ảnh hưởng tích cực mang lại cho cộng đồng xã hội và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Ban Tổ chức Chương trình sẽ lựa chọn ít nhất 6 doanh nghiệp hàng đầu để tham gia 12 – 15 tuần hỗ trợ mở rộng quy mô bao gồm những buổi tư vấn riêng với mạng lưới các chuyên gia. Những doanh nghiệp được lựa chọn cũng sẽ có cơ hội giao lưu với những nhà lãnh đạo ngành, các nhà đầu tư và các đơn vị phát triển thị trường để hợp tác và đánh giá kỹ thuật trước khi tham gia chuyến khảo sát thực tế chuyên sâu và kết nối hợp tác kinh doanh.
Ban Tổ chức chương trình trao đổi với báo chí về GRAFT Challenge Vietnam 2021.
Ông Phan Quang Vinh, Giám đốc MBI Innovation cho biết, Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Đây là một chương trình tăng tốc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ đang phát triển để mở rộng nguồn khách hàng và mạng lưới đối tác tiềm năng tại Việt Nam, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất toàn cầu.
GRAFT được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation hợp tác giữa Chính Phủ Úc và Việt Nam để góp phần thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác đối tác công-tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo.
Chương trình nhận được sự hỗ trợ và tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Úc, và Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những lợi của DN khi tham gia GRAFT, ông Nguyễn Đức Tùng chia sẻ, doanh nghiệp tham gia sẽ nhận được đánh giá toàn diện để loại bỏ những chướng ngại phát triển và ưu tiên những khu vực hỗ trợ để mở rộng; nhận được những dịch vụ tư vấn phát triển đáp ứng đúng nhu cầu cụ thể từ mạng lưới được quản lý của GRAFT; sẽ được tham dự một Chương trình kết nối thực tế kéo dài từ 10 – 14 ngày chuyên sâu, định hướng hợp tác và được quản lý chặt chẽ để hỗ trợ việc gia nhập và mở rộng tại thị trường nông nghiệp cũng như hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Để tham gia chương trình, DN cần đáp ứng một số điều kiện. Đó là DN có trụ sở tại Việt Nam hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới; Đã hoàn thành gọi vốn và có doanh thu hoặc đã tốt nghiệp những chương trình tăng tốc khởi nghiệp khác; Đã có những tác động từ dự án kinh doanh.
Đặc biệt Chương trình khuyến khích DN tham gia có khả năng thuyết trình và học hỏi bằng tiếng Anh; cũng như khuyến khích các nữ doanh nhân tham gia chương trình.
Tiêu chí lựa chọn DN của Ban Tổ chức gồm: Các tác động tạo ra, giải pháp, thị trường, nền tảng kinh doanh và chất lượng hồ sơ đăng ký.
DN tham gia chương trình nộp hồ sơ tại http://graftchallenge.com/. Hạn nộp hồ sơ đến ngày 14/5/2021. Ban Tổ chức sẽ liên hệ với 50 DN được chọn vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 để thẩm định thêm. Ngày 18/6/2021, Ban tổ chức sẽ thông báo danh sách các DN được vào vòng bán kết.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo