Tin tức - Sự kiện

Công nhân lao đao khi chủ doanh nghiệp bỗng dưng biến mất

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong tình trạng nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội, khiến hàng trăm người lâm vào cảnh khó khăn.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 9 tháng qua, trên địa bàn xảy ra 9 vụ chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong tình trạng nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội, khiến hàng trăm công nhân ở các doanh nghiệp này bị nhiều thiệt hại về quyền lợi, lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. 

 
Hình minh họa. (Ảnh: Internet)
 
Phóng viên VOV gặp anh Nguyễn Đức Hòa, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Zoinus, trụ sở tại quận Bình Tân, khi các công nhân đang làm thủ tục nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận. Vẻ mệt mỏi, anh Hòa cho biết hơn nửa tháng qua, kể từ khi bà giám đốc Nguyễn Thị Thảo “bặt vô âm tín” đúng vào ngày trả lương cho công nhân, cuộc sống của nhiều lao động hết sức khó khăn.
 
Trước đây, tin vào lời quảng cáo hấp dẫn của công ty với mức lương từ 5 triệu đến 9 triệu đồng/tháng, anh Hòa xin vào làm. Nhưng làm 3 tháng thì chỉ nhận được 1 tháng lương là 5,2 triệu đồng cho 29 ngày công tăng ca sáng đêm, luôn cả chủ nhật, hiện anh còn bị nợ 10 triệu đồng. Không còn tiền, anh phải cầm cố bằng lái, chứng minh nhân dân, cà vẹt xe mới được 1 triệu đồng trả tiền nợ phòng trọ.
 
Anh Nguyễn Đức Hòa nói: “Bây giờ tôi phải đi ở nhờ từ nhà người này đến nhà người bạn khác chứ không còn tiền thuê nhà trọ. Chúng tôi mong chính quyền hỗ trợ phần nào để làm giấy tờ, thủ tục xin việc làm mới. Những tài sản ở trong xưởng, mong tòa có thể xử càng sớm càng tốt, kịp thanh lý tài sản để trả lương cho công nhân đỡ khổ.
 
Trường hợp của Nguyễn Thị Phượng, công nhân một doanh nghiệp ở quận Gò Vấp càng bi đát hơn. Không biết chữ, không biết cả tên công ty, chị cũng không biết mình bị nợ lương bao nhiêu. Chỉ biết rằng đi làm được 3 tháng, tháng đầu tiên chị được trả nửa lương, hẹn mấy ngày sau thanh toán nhưng rồi không thấy. Kỳ lĩnh lương tháng sau chị được ứng 2 triệu đồng, rồi sau đó vị giám đốc biến mất tăm.
 
Ăn dầm nằm dề trước cổng công ty mấy ngày, chị Phượng được trả thêm hơn 2 triệu đồng. Không còn hy vọng việc làm, không người thân thích, hai vợ chồng và đứa con chưa tròn 3 tuổi đành dắt díu nhau về tá túc tại căn phòng trọ chật hẹp của cô em chồng tận Bình Dương. Chồng chị bị đau ốm liên miên do chứng bệnh tim và huyết áp thấp phải đi tìm việc để lo cho gia đình, còn chị cũng đang nhờ người làm hồ sơ xin vào làm ở một xưởng gốm.
 
Chị Phượng buồn bã cho hay: “Tôi chắc sẽ làm ở đây luôn nếu xin được việc, vì không biết chữ nên xin việc khó lắm. Tuy bây giờ lại đi xin việc tôi vẫn còn sợ bị lừa nhưng vẫn phải làm lại, được tới đâu hay tới đó.
 
Trước tình cảnh khốn khó của công nhân ở các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, Liên đoàn Lao động các quận-huyện đang tiến hành kiểm tra, nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ, đồng thời phối hợp với Phòng Lao động hướng dẫn công nhân làm đơn khởi kiện chủ doanh nghiệp ra tòa.
 
Trở lại vụ việc ở Công ty Zoinus, Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cho biết đã đề xuất Quỹ Vì người nghèo của quận hỗ trợ các trường hợp có con mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, có vợ sắp sinh và liên hệ với hội Chữ Thập Đỏ để có những suất quà cho công nhân bớt khổ.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Dân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận cho biết, đa số các doanh nghiệp này từ nơi khác chuyển đến, không đăng ký kinh doanh, không có tổ chức công đoàn, nên việc xác minh thông tin như “mò kim đáy bể”.
 
Bà Dân nói: “Cái khó hiện nay là chưa có văn bản nào quy định cơ chế xác định thế nào là chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Tôi đề xuất Liên đoàn Lao động và Sở Lao động thành phố nên có hướng giải quyết phù hợp để đảm bảo lợi ích cho công nhân lao động. Hiện nay chỉ có thể hướng dẫn công nhân khởi kiện tại tòa để có đầy đủ yêu cầu về thủ tục nhằm thanh lý tài sản dễ dàng, khắc phục nợ cho công nhân.
 
Trước tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn gây ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngoài việc phối hợp với Sở Lao động-Thương binh-Xã hội giải quyết chốt sổ cho người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố  đứng ra tiếp tục đóng phí bảo hiểm xã hội để lao động nữ có thai được hưởng chế độ thai sản.
 
Thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho công nhân khi chủ đã bỏ trốn, về nguyên tắc phải có thông báo chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố sẽ xem xét để linh hoạt giải quyết thủ tục đăng ký thất nghiệp, trước mắt là trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
 
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động-Tiền lương-Tiền công cho biết: “Số doanh nghiệp bỏ trốn trong thời gian tới có xu hướng tăng lên do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Do vậy, cùng với Liên đoàn Lao động, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp về chấp hành các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, trong đó có việc chấp hành quy định về làm thêm giờ, tiền lương, bảo hiểm xã hội. chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng ở địa phương để khi xảy ra tranh chấp nói chung và xử lý kịp thời các vụ chủ bỏ trốn.
 
Số vụ chủ doanh nghiệp bỏ trốn ở thành phố Hồ Chí Minh đến nay đã bằng với cả năm 2013, dẫn đến hệ lụy là không thể xác định rõ quyền lợi cũng như thiệt hại của người lao động. Pháp nhân của các doanh nghiệp không xuất hiện trong khi tranh chấp nên phải mất rất nhiều thời gian để xác minh, đối chiếu cặn kẽ.
 
Cả 9 trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn không chỉ là nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội mà còn nợ tiền thuê mặt bằng, nợ công ty bảo vệ hoặc thuê mướn tài sản đưa vào sản xuất chưa trả chi phí, vì vậy việc xử lý rất phức tạp. Do đó, vấn đề quan trọng là phải tăng cường giám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt là đối với các chủ doanh nghiệp bỏ trốn là người nước ngoài phải có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, tránh trường hợp khi sự việc vỡ lở thì người chủ không còn ở Việt Nam.
VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo