Tin tức - Sự kiện

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Còn gây khó cho DN

Giấy phép chồng giấy phép, quy định ngặt nghèo về xử lý chất thải rắn thông thường, quy định quá chặt chẽ về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu… là những nội dung của dự thảo (lần 2) Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được nhiều DN quan tâm, bởi nếu được thực thi, những quy định này sẽ khiến DN phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Loạn giấy phép
 
Tại Hội thảo lấy ý kiến DN góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sáng 24-4 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, mặc dù đa phần đại diện DN có mặt đều đồng tình với những nội dung sửa đổi, nhưng họ cũng cho rằng, các nội dung đó vẫn hướng những khó khăn về phía đối tượng thực thi luật, trong đó có DN và hướng sự dễ dàng, thuận lợi về phía cơ quan quản lý.
 
Vấn đề mà nhiều DN quan tâm hơn cả là quy định về Giấy chứng nhận về các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường tại Điều 50 của dự thảo Luật. Theo Điều 50, giấy chứng nhận này là do cơ quan có thẩm quyền xác nhận tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, điều kiện thực hiện các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường. Các hoạt động này gồm: Xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quan trắc môi trường, thông tin môi trường, phân tích môi trường, nghiên cứu, đào tạo, truyền thông môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
 
Theo ông Trần Miên, nguyên Trưởng ban Môi trường-Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, cần phải nghiêm túc xem xét lại quy định này vì các nội dung hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường trong Điều 50 đều đã bao hàm trong giấy phép hành nghề của DN. Việc có thêm một giấy chứng nhận nữa sẽ chỉ khiến DN thêm phiền hà, tốn thời gian và công sức. Bên cạnh đó, ông Miên cũng đề nghị làm rõ ý nghĩa của từ “cá nhân” trong quy định trên, bởi không biết phải hiểu “cá nhân” ở đây là một người cụ thể hay là một cơ sở, đơn vị không thuộc Nhà nước.
 
Đồng tình với các quan điểm này, bà Trần Thị Hương Trang-Giám đốc Công ty Luật Legal Associates Hà Nội khẳng định thêm: Trong dự thảo Luật mới, chưa có sự rõ ràng về mối quan hệ giữa Giấy chứng nhận về các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường với hàng loạt các loại giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đang tồn tại, ví dụ như Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo Thông tư 12/2006/TT-BTNMT hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường dự định sắp được ban hành…
 
Mắc trong xử lý chất thải
 
Một trong số các nội dung ở dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này được nhiều DN chú ý nữa là vấn đề quản lý chất thải rắn thông thường. Tại Điều 81 dự thảo Luật nêu rõ: “tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường thành loại chất thải rắn để tái sử dụng, tái chế tiêu hủy hoặc chôn lấp”.
 
Tuy nhiên, theo ông Trần Miên, các hình thức xử lý quy định tại điều này không phù hợp với loại hình đất đá thải mỏ trong khai thác khoáng sản, vì đất đá thải mỏ hiện nay không thể phân loại, chưa thực hiện được hình thức tái sử dụng hay tái chế cũng không thể tiêu hủy. Ông Miên nhấn mạnh, hình thức chôn lấp cũng chỉ thực hiện được một phần khi hoàn thổ các khu vực đã khai thác. Như vậy, nếu dự thảo Luật được triển khai thực tế, DN sẽ không biết phải xử lý chất thải rắn như thế nào cho đúng luật.
 
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thép Việt Nam bổ sung, ngoài hình thức xử lý chất thải rắn thông thường, nội dung về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường cũng còn khá nhiều bất cập. Đó là, những quy định cụ thể tại Điều 82 như: “Chất thải rắn thông thường phải được vận chuyển theo nhóm đã được phân loại tại nguồn, trong thiết bị chuyên dụng phù hợp, bảo đảm không rơi vãi, phát tán mùi trong quá trình vận chuyển”; “Vận chuyển chất thải rắn thông thường trong đô thị, khu dân cư chỉ được theo những tuyến đường được cơ quan có thẩm quyền quy định”. Ông Nghi cho rằng, các quy định nêu trên quá khắt khe.
 
Bởi, chất thải rắn thông thường về cơ bản cũng không có gì nguy hại, không cần có những quy định ngặt nghèo trong vận chuyển như trên. Đặc biệt, việc quy định cả tuyến đường vận chuyển dành riêng cho loại chất thải này sẽ gây nhiều khó khăn cho DN.
 
Một trong số các nội dung mà DN, đặc biệt là các DN XNK khá quan tâm là quy định tại Điều 58 về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu. Điều này nêu rõ, tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc được ủy thác NK từ cơ sở sử dụng trực tiếp phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng nhiều điều kiện.
 
Cụ thể như: “Có văn bản của tổ chức có thẩm quyền liên quan của nước XK xác nhận nguồn gốc phế liệu, đặc điểm, tính chất của phế liệu”; “Trước khi tiến hành bốc dỡ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi đặt cơ sở sản xuất hoặc kho, bãi chứa phế liệu NK về chủng loại, số lượng, trọng lượng phế liệu, cửa NK, tuyến vận chuyển, kho, bãi tập kết phế liệu và nơi đưa phế liệu vào sản xuất”.
 
Theo ông Nghi, các quy định này sẽ khiến cho các đơn vị NK phế liệu vô cùng khó khăn. Đặc biệt, yêu cầu trước khi bốc dỡ hàng, DN phải thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước sẽ khiến cho DN không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tổn hao không ít chi phí. Ông Nghi lý giải, khi hàng về cảng, DN tiến hành báo cáo, hàng sẽ phải lưu tại kho. Hiện giá lưu kho là khoảng 10 USD/40 tấn hàng/ngày. Mỗi chuyến, DN nhập tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấn hàng. Nếu đợi báo cáo xong, không biết hàng sẽ phải lưu kho bao lâu và số tiền phải bỏ ra lên đến mức nào.
 
Thông thường, muốn được việc, DN lại phải chủ động dùng tiền để “bôi trơn”. Theo ông Nghi, Luật Bảo vệ môi trường mới đưa ra những quy định như trên không chỉ gây khó thêm cho DN mà còn tạo điều kiện để nhiều tiêu cực, hệ lụy phát sinh.
 
Có mặt tại hội thảo, đại diện các DN đều bày tỏ quan điểm, mong muốn Ban soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có sự tiếp thu, điều chỉnh kịp thời các ý kiến từ phía DN để Luật mới xây dựng được hoàn thiện hơn và đạt hiệu quả cao khi triển khai trong thực tiễn.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo