Tin tức - Sự kiện

Hà Nội được chọn tổ chức Asiad 2019

Hà Nội đã được chọn tổ chức Asiad (Á vận hội) 18 vào năm 2019 sau khi vượt qua đối thủ duy nhất trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai là Thành phố Surabaya (Indonesia).

Vào giờ chót, Thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, UAE) đã xin rút lui khiến cuộc bỏ phiếu chỉ còn là cuộc đua giữa hai đối thủ Surabaya và Hà Nội. Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á (OCA) Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah đã công bố tên Hà Nội thắng cuộc tại cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah không cho biết Hà Nội nhận được bao nhiêu phiếu mà chỉ nói: “Đa số phiếu bầu được dồn cho Hà Nội để nơi này tổ chức Asiad 18”.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong cuộc họp chiều 8-11 tại Macau (Trung Quốc). Phiên họp của OCA có sự tham dự của hơn 400 đại biểu, trong đó có đại diện của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á là thành viên của OCA. Mỗi quốc gia trong số 45 quốc gia được phát một phiếu để bầu ra quốc gia giành quyền đăng cai Asiad lần thứ 18. Ông Trần Văn Mạnh, tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, là người đại diện của Việt Nam bỏ phiếu. Theo các thành viên của đoàn Việt Nam, Dubai rút lui không đăng ký tham gia quyền đăng cai vì lý do không được sự đồng ý của chính phủ.

Ngay sau khi công bố quốc gia giành quyền đăng cai, ông Hoàng Tuấn Anh - chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam - đã ký hợp đồng tổ chức Asiad 18 với chủ tịch OCA Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam Vương Bích Thắng nói: “Việc Hà Nội được đăng cai Asiad 2019 là niềm vui, tôi cho rằng bảy năm phía trước của thể thao Việt Nam là những công việc hết sức nặng nề. Trước hết, ngành thể thao sẽ phải xây dựng đề án tổ chức Asiad 18, xây dựng đề án chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự đại hội, thành lập ban chỉ đạo và ban tổ chức đại hội. Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực điều hành, tổ chức đại hội. Việc đào tạo thế hệ vận động viên để đảm bảo mục tiêu đứng trong top 10 của Asiad 2019 cũng là nhiệm vụ nặng nề trong tình hình vận động viên hiện nay của
Việt Nam rất yếu và mỏng”.

Sau 14 năm kể từ khi Thái Lan tổ chức Asiad năm 1998, đến giờ mới có thêm một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á giành quyền đăng cai sự kiện này. Một tháng sau khi giành quyền đăng cai Asiad 2019,
Việt Nam phải ký hợp đồng và nộp tiền cọc 1 triệu USD với OCA. Số tiền này sẽ được hoàn trả sau khi kết thúc Asiad 2019. Một năm sau khi giành quyền đăng cai, Việt Nam phải nộp thêm cho OCA 15 triệu USD để OCA thực hiện công tác quảng cáo, tuyên truyền, quan hệ công chúng về đại hội.

Theo đề án đăng cai Asiad do Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ, tổng nguồn chi dự kiến để Asiad 2019 tổ chức tại Việt Nam là 4.162 tỉ đồng, trong đó chi phí dự kiến là 3.149 tỉ đồng (tương đương 150 triệu USD). Trong số này có 1.330 tỉ đồng được chi cho hoạt động của ban tổ chức, tiểu ban chuyên môn; 568 tỉ đồng được chi cho công tác nâng cấp cơ sở vật chất; 2.263 tỉ đồng được chi cho xây mới công trình... Tổng nguồn thu về dự kiến là 1.012 tỉ đồng, trong số đó có 840 tỉ đồng từ tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình, 30 tỉ đồng từ bán vé, 141 tỉ đồng từ đóng góp của các đoàn...

Asiad 18 sẽ được tổ chức tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận vào cuối tháng 11 đầu tháng 12-2019. Theo đề án của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, VN sẽ tổ chức 35 môn thi, trong đó có 27/28 môn Olympic, sáu môn truyền thống của Asiad (cầu mây, wushu, karatedo, bóng chày, kabadi, squash), hai môn do Việt Nam đề xuất (đá cầu, cờ bao gồm cả cờ vua và cờ tướng). Dự kiến thành tích đoàn VN tại Asiad 2019 là 10 HCV ở các môn: cầu mây, wushu, karatedo, điền kinh, bắn cung, vật, judo, đá cầu, cử tạ, boxing, taekwondo, bắn súng...

Cư dân mạng lo lắng

Từ 16g30 ngày 8-11, sau khi thông tin về việc Việt Nam trở thành chủ nhà Asiad 18 khiến hàng trăm thành viên trên mạng xã hội Facebook bày tỏ lo lắng.

Gần như tất cả ý kiến trên các cửa sổ mới mở tại các tài khoản cá nhân, các comment đều lo lắng trước sự kiện này. Các ý kiến cho rằng việc đăng cai Asiad ở thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay không phù hợp, chỉ làm gánh nặng thêm với ngân sách nhà nước.

Một thành viên ở địa chỉ V.Q.Thái viết: “Bảy năm nữa mà kinh tế vẫn khó khăn thì Asiad để làm gì hả trời?”. Thành viên L.V.T. chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Hà Nội giành quyền đăng cai Asiad vui hay buồn? Kinh phí Việt Nam dự kiến là 150 triệu USD, tuy nhiên các nước khác tổ chức toàn mất hàng tỉ USD...” liền nhận được các comment chia sẻ từ nhiều thành viên khác. Thành viên Xuan Thanh nói: “Bỏ vài trăm triệu USD mua vài chiếc HCV, thể thao Việt Nam chơi sang quá”. Thành viên Tung Le nhận định: “Dubai rút lui khôn thế nhỉ”.

“Đã ở thế cưỡi lưng hổ”

Những người từng nhiều năm gắn bó với thể thao Việt Nam cho rằng Việt Nam “đã ở thế cưỡi lưng hổ” khi giành được quyền đăng cai Asiad 18. Vì thế chỉ còn cách nghĩ xem sẽ “cưỡi hổ” như thế nào trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

* Ông Trần Văn Nghĩa (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty tổ chức sự kiện thể thao TLT): “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam tổ chức một kỳ tranh tài lớn như vậy. Bảy năm nữa khi Asiad diễn ra, hầu hết lãnh đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam... đều đã về hưu. Điều làm tôi băn khoăn là liệu chúng ta có đủ nhân lực, đặc biệt là những người trẻ, cho khâu chuẩn bị và tổ chức. Tôi cũng hi vọng qua việc đăng cai Asiad 18, chúng ta sẽ có hệ thống đào tạo vận động viên lâu dài, chứ không tiếp tục áp dụng hệ thống đào tạo nuôi gà chọi như hiện nay. Thể thao Việt Nam nên nhân cơ hội tổ chức Asiad 18 để có định hướng phát triển những môn nằm trong hệ thống Olympic, những môn có số đông khán giả, đừng vì những tấm huy chương mà phát triển các môn không ai quan tâm”...

* Ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao): “Chưa bao giờ tôi thấy một quốc gia giành quyền đăng cai Asiad mà người dân lại đón nhận với tâm trạng buồn như Hà Nội giành quyền đăng cai Asiad 18. Trong tình thế Việt Nam đã là chủ nhà của Asiad 18, đã “cưỡi lên lưng hổ” rồi thì chỉ còn cách nghĩ xem sẽ “phi” như thế nào trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Đây sẽ là bài toán đầy thách thức với những người vạch ra kế hoạch đăng cai Asiad 18. Tôi xin góp ý ba việc: 1. Xin Chính phủ xây dựng ngay một chương trình quốc gia để đào tạo lực lượng vận động viên cho Asiad. Nếu làm ngay thì may chăng có thể sẽ kịp để có một lứa vận động viên cho đại hội; 2. Phân chia từng giai đoạn xây dựng, sửa sang cơ sở vật chất cho Asiad vì những công trình hiện nay không đủ tiêu chuẩn để tổ chức đại hội; 3. Chuẩn bị đội ngũ con người tổ chức đại hội, đủ tầm tham mưu cho Chính phủ xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội. Nhân lực của Tổng cục Thể dục Thể thao hiện nay rất yếu kém, không đủ năng lực để tổ chức Asiad 18”.

* Ông Hà Quang Dự (nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao): “Trước kia tôi đã nói không nên đăng cai Asiad 18 bằng mọi giá nhưng giờ đã được đăng cai rồi thì Việt Nam phải làm hết khả năng của mình để tổ chức đại hội thành công. Thiết nghĩ ngoài việc đầu tư của Nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng các công trình thể thao phục vụ Asiad để giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất lúc này đối với ngành thể thao lại nằm ở khâu chuẩn bị con người - các vận động viên tham gia thi đấu tại Asiad 2019. Nếu ngay lập tức bắt tay vào tuyển chọn, đầu tư thì hi vọng năm 2019 chúng ta mới có lực lượng vận động viên tốt khi trở thành chủ nhà của Asiad”.


Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo