Tin tức - Sự kiện

Hải Dương: Trên 6.000 doanh nghiệp tồn tại và phát triển

(DNHN) Đến tháng 10/2012, toàn tỉnh có 6033 doanh nghiệp trong nước (gồm doanh nghiệp Trung ương và doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương). Các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 40 nghìn tỷ đồng.

Nhà máy sứ Hải Dương ra đời cùng với 13 nhà máy: Cao Xá Lá, Phích nước Rạng Đông, Giấy… xây dựng trong kế hoạch của Nhà nước 1958 - 1960. Đây là trung tâm công nghiệp sứ đầu tiên có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, chuyên sản xuất sứ dân dụng, sứ cách điện, sứ thông tin, sứ vệ sinh. Mặt hàng sứ dân dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu.

Trước năm 1960 ở Việt Nam chưa có đồ sứ mang nhãn mác Việt Nam, mà phổ biến đồ sành, đồ gốm đã được biết đến ở thị trường nước ngoài như một "đặc sản". Đó là gốm Chu Đậu (Nam Sách), gốm Bát Tràng (Hà Nội) ...

Nhà máy sứ Hải Dương khởi công xây dựng ngày 1/6/1960, ông Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng nhà máy. Từ quá khứ hào hùng của ngày đầu xây dựng, từ những sản phẩm đầu tiên trở thành kỷ vật lịch sử. Nhà máy sứ Hải Dương tự vươn lên đồng thời vật lộn với thị trường đầy biến động, cạnh tranh gay gắt thử thách khắc nghiệt, vươn lên để tồn tại đứng vững suốt 40 năm (1960 - 2000). Sau đó đến nay sứ Hải Dương bị "đo ván" trước mặt hàng sứ Giang Tây (Trung Quốc) nên nhà máy không phát triển được, công nhân di tản, hơn 500 người không có việc làm. Đó là chuyện Công ty sứ Hải Dương trước cơn lốc thị trường đến nay vẫn khó vực dậy như trước. Cùng với nhà máy sứ, tỉnh Hải Dương còn xây dựng một số nhà máy có uy tín trong thời bao cấp 1960 - 1986 như nhà máy: Cơ khí Hữu Nghị, Nhà máy đá mài, Xí nghiệp may, Nhà máy chế tạo bơm … tất cả các nhà máy đều xây dựng ngay trong lòng thành phố nhỏ bé Hải Dương. Các nhà máy đó đã thu hút nhiều con em đến làm việc, trong đó có nhiều người là con em nông dân được ra thành thị làm công nhân quả là hạnh phúc.

Các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng trong thời kỳ bao cấp không còn độc quyền. Thay vào đó hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, công ty TNHH, công ty cổ phần liên tiếp ra đời. Thành phố Hải Dương không còn đủ đất để xây dựng nên các doanh nghiệp, công ty phát triển ra ngoại vi thành phố và các huyện có điều kiện mặt bằng, tài nguyên, giao thông thuận lợi như huyện: Kinh Môn, Chí Linh, Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc … mỗi huyện hiện nay có từ 100 - 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đến tháng 10/2012, toàn tỉnh có 6033 doanh nghiệp trong nước (gồm doanh nghiệp Trung ương và doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương). Các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 40 nghìn tỷ đồng: 234 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 5,6 tỷ USD. 6033 doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho trên 290 nghìn lao động là con số đáng kể và thuyết phục, đóng góp trên 6 nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Đây là nguồn ngân sách hàng đầu để phát triển địa phương, an sinh xã hội. Hiệu quả các doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương ngày càng nâng cao cả về chất và về lượng, giữ vững trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: quyền sử dụng đất để phát triển, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, giải quyết tồn đọng hàng hoá sản xuất ra …

 

 

 

Nghề da giày làng Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc

 Làng nghề truyền thống nhưng chưa thành lập được doanh nghiệp do thiếu vốn…

 

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Công thương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tập trung cải cách thủ tục hành chính, xoá bỏ những thủ tục không cần thiết, nhất là thủ tục thuế, hải quan … Đặc biệt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng. Coi đây là yếu tố sống còn trong tồn tại, phát triển hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh phối hợp tổ chức toạ đàm với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Những biện pháp trợ giúp của UBND tỉnh, các sở, ngành đã giúp doanh nghiệp tỉnh Hải Dương tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc như: hàng tồn kho giảm hẳn, các quy định bất cập xoá bỏ, tiền thuế được giảm.

 

 

 

Ông Đoàn Văn Nghệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương

 

Ông Đoàn Văn Nghệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương là một trong người đầu tàu cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới ra đời, vốn ít, cạnh tranh còn thiếu kinh nghiệm. Ông Đoàn Văn Nghệ nguyên là Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Hải Dương nhiều năm ông đã từng trải và quá nhiều kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, nên trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì việc ông Nghệ tham gia nhận trách nhiệm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương đã được đông đảo các doanh nghiệp tin tưởng.

Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2012, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho nhiều doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua. Đặc biệt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh lắng nghe nguyện vọng và ý kiến đề đạt chính đáng để cho doanh nghiệp phát triển như ý kiến của Giám đốc gốm Chu Đậu Nguyễn Văn Lưu (Nam Sách), Giám đốc Công ty TNHH bánh đậu xanh Gia Bảo (TP.Hải Dương) … Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tỏ ý tin tưởng các nhà doanh nghiệp, các doanh nhân Hải Dương phát huy thành tích, giữ vững thương hiệu của mình trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đồng chí mong muốn tỉnh Hải Dương sớm xuất hiện nhiều nhà doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh, khu vực và toàn quốc như nhà máy sứ Hải Dương thập kỷ 60, 70 và 80 thế kỷ trước.

 

 

Quang Minh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo