Tin tức - Sự kiện

Hàng hết hạn, đồ chơi độc hại: Dân phải chấp nhận vì...nghèo

Ngày 3/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết triển khai công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2013 trên địa bàn Hà Nội, đơn vị này đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Một cơ sở bán bánh trung thu của Kinh Đô

Ngày 30/8, đoàn kiểm tra liên ngành quận Hai Bà Trưng đã kiểm tra 3 cơ sở sản xuất bánh trung thu, nhân bánh, 1 cơ sở kinh doanh bánh trung thu Kinh Đô.

Trong đó, kiểm tra cửa hàng kinh doanh bánh trung thu Kinh Đô thời vụ trên phố Bạch Mai (đối diện nhà 516 Bạch Mai, Q. Hai Bà Trưng), Đoàn kiểm tra phát hiện có 28 thùng hàng (bột ngũ cốc, bánh vừng dừa, bánh Asean có giá trị 2,5 triệu đồng) đã hết hạn sử dụng năm 2010, 2011.

Đoàn kiểm tra xử phạt 1.900.000 đồng. Trong đó 1.500.000 đồng với hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm hết hạn sử dụng và buộc tiêu hủy số hàng hết hạn theo đúng quy định; phạt 400.000 đồng đối với việc kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và yêu cầu chủ cơ sở không được hoạt động khi cơ sở không có đủ các điều kiện theo quy định. 

Giải thích thêm về việc này, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cửa hàng này do ông Đỗ Thành Anh là người được thuê bán hàng tại thời điểm kiểm tra.

"28 thùng hàng hết hạn sử dụng bị thu giữ tại cửa hàng không phải sản phẩm của Kinh Đô mà cửa hàng này chỉ lấy để kê ở các góc lều", ông Hạnh cho biết thêm.

Tuy nhiên, lời giải thích này của ông Hạnh khó mà thuyết phục được dư luận: Tại sao Kinh Đô lại lấy sản phẩm hết hạn không phải của mình để kê trong gian hàng bày bán bánh trung thu Kinh Đô? Thùng hàng này có liên quan gì đến sản phẩm của Kinh Đô hay không?...Câu trả lời này, ông Hạnh lại đẩy sang cho đội quản lý thị trường số 5.

Hơn nữa, trong báo cáo của thanh tra Sở Y tế, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 9 cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu, trong đó có 1 cơ sở dự kiến mời về xử lý vi phạm theo quy định vì lý do vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo, lấy 13 mẫu xét nghiệm bánh trung thu tuy nhiên phải 10 ngày sau mới có kết quả. 

Thông tin này cũng khiến người tiêu dùng không yên tâm, trong khi thị trường bánh trung thu đã được bày bán sôi động từ cả tháng nay, đến nay liên ngành kiểm tra mới tiến hành lấy mẫu kiểm tra.

Không hiểu, 10 ngày mới có kết quả theo như ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội, nói là "không thể sớm hơn vì phải theo quy trình", đến lúc đó bánh trung thu đã bán hết, người dân đều đã mua, đã ăn thì liên ngành sẽ xử lý thế nào? 

Đồ chơi Trung Quốc độc hại, dân phải chấp nhận... vì nghèo

Riêng về thị trường đồ chơi trẻ em, luôn được cảnh báo đồ chơi Trung Quốc tràn lan thị trường có chất độc hại gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em, ông Lộc khuyên người dân không nên hoang mang.

Theo lý giải của ông Lộc là vì "Việt Nam đang ở cạnh một người hàng xóm quá mạnh là Trung Quốc, mặt hàng của họ chủ yếu tập trung sản xuất để xuất khẩu, trong khi dân trí, trình độ của mình thấp thì việc kiểm soát, quản lý được hết là rất khó".

Việc này dường như mâu thuẫn với chức năng và nhiệm vụ của Chi cục quản lý thị trường. Vì theo lý, để đồ chơi Trung Quốc có độc gây hại cho trẻ em xuất hiện trên thị trường là trách nhiệm của cơ quan này, thì ông Lộc lại đổ trách nhiệm này sang cho người dân.

Và theo lý giải của ông Lộc, vì dân mình nghèo, dân trí thấp thì hàng độc hại, kém chất lượng của Trung Quốc cứ tuồn sang là mình phải dùng. Nếu vậy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý thị trường ở đâu? Chi Cục quản lý thị trường đã làm gì để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng?

Trả lời câu hỏi này, ông Lộc cho rằng, "tốt nhất người tiêu dùng nên cẩn thận hơn, nên phát huy hết khả năng của người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm thông minh hơn".

Ông Lộc còn cho biết, hàng năm, Chi cục quản lý luôn triển khai nhiều chuyên đề kiểm tra mặt hàng này, nhiều kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng rất khó quản lý vì đồ chơi trẻ em đa số được đưa vào thị trường Việt Nam dưới hình thức hàng lậu.

Trong khi đó, thông tin mới đây được ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) cho biết, từ kết quả các đợt thanh tra, đồ chơi cho trẻ em có xuất xứ Trung Quốc luôn gây lo ngại cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm nguy cơ ngộ độc rất cao.

Đối diện với Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A, phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) là dãy cửa hàng bán đồ chơi trẻ em. Hàng chục sản phẩm với màu sắc rực rỡ được bày bán như túi đồ bếp, xe cát đồ chơi, máy tính đồ chơi, robot trái cây, ngựa bập bênh…Trên hầu hết các sản phẩm này đều dán mác xuất xứ Trung Quốc.

Ông Dũng cho biết, năm 2012, trong số 109 cơ sở sản xuất, phân phối, bán hàng đồ chơi trẻ em tại 11 tỉnh thành được kiểm tra, có 25 cơ sở bị xử phạt.

“Ước tính, 24% số cơ sở, 22% số mẫu đồ chơi trẻ em được thanh tra, kiểm tra về chất lượng có vi phạm”, ông Dũng nói.

Năm 2012, kết quả kiểm tra của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam với sản phẩm thú nhún có nguồn gốc Trung Quốc cho thấy hàm lượng chất phthalates (có khả năng gây dậy thì sớm, vô sinh và ung thư) cao gấp 5-9 lần tiêu chuẩn hiện hành.

Kết quả kiểm nghiệm mới đây của Viện Hóa học Việt Nam chỉ ra sản phẩm đèn lồng Trung Quốc có chứa chất cadmi độc không kém chì, thủy ngân. Các nhà sản xuất thường dùng cadmi làm vật liệu mạ đánh bóng khi sản xuất đồ chơi phủ sơn, đồ trang sức trẻ em.

Hóa chất vốn được sử dụng trong sản xuất sơn, phẩm màu công nghiệp, làm điện cực pin này, khi ngấm vào cơ thể trẻ sẽ làm chậm phát triển xương, còi xương. Nhiều công trình nghiên cứu của thế giới còn chỉ ra cadmi là yếu tố gây ung thư tiền liệt tuyến, phổi, vú.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo