Chính sách

Cải cách môi trường kinh doanh: Thực hiện gói hỗ trợ cũng cần cải cách

DNVN - Khuyến nghị để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP 2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng hoạt động cải cách không chỉ dừng lại ở môi trường kinh doanh mà phải cải cách cả cách thức thực hiện gói hỗ trợ.

Nghị quyết 02 - Phải quyết liệt để đạt mục tiêu / DN xi măng hưởng lợi từ Nghị quyết 02 của Chính phủ

Mở cửa một cách dứt khoát, không đứt gãy chính sách

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mỗi năm chúng ta đều có một nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh gọi là Nghị quyết 02. Đây là nghị quyết bổ sung cho Nghị quyết 01 về điều hành phát triển kinh tế xã hội, thể hiện Chính phủ luôn coi trọng cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Cải cách môi trường kinh doanh chính là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên liên tục. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có năm đạt được nhiều kết quả, có năm thì ít kết quả.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW. (Ảnh: Hà Anh).

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến giữa năm 2019, việc cải thiện môi trường kinh doanh đã thể hiện rõ nét hơn. Chính phủ thường xuyên chỉ đạo trực tiếp hoạt động cải cách này dựa trên cơ sở Chính phủ đề ra chính sách và doanh nghiệp kiến nghị.

Tuy nhiên, giai đoạn giữa năm 2019 đến năm 2021 cải cách chùng lại, một phần do COVID-19 nhưng phần nhiều cũng là do quy luật thông thường, vào mỗi cuối nhiệm kỳ, hoạt động của các bộ ngành tập trung nhiều hơn cho đại hội.

“Năm nay, Nghị quyết 02 có dấu ấn quan trọng thể hiện Chính phủ vẫn đặt nhiệm vụ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tại thời điểm này, nhiệm vụ này càng quan trọng hơn, quan trọng hàng đầu với việc thúc đẩy phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng sau COVID-19”.

Ông Cung nhấn mạnh qua đại dịch, doanh nghiệp bị tác động hết sức nặng nề, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp đang cần một môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, tự do, xóa bỏ rào cản để phục hồi.

Nghị quyết 02 nếu được thực thi tốt sẽ mang lại niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó, góp phần vào quá trình phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng như chúng ta mong muốn. Nghị quyết 02 xét về ý nghĩa kinh tế và chính trị là hết sức quan trọng nên việc tổ chức thực hiện còn quan trọng hơn nhiều.

“Dấu ấn COVID-19 chưa thể xóa đi trong một vài năm, sẽ vẫn tiếp tục tạo tác động tới nền kinh tế. Điều quan trọng, Chính phủ và các bộ ngành phải đưa ra một thông điệp hết sức rõ ràng rằng chúng ta sẽ mở cửa và mở cửa một cách dứt khoát, không có đứt gãy vể chính sách, không có sự khác biệt giữa các điạ phương trong việc chống dịch. Chống dịch và mở cửa nền kinh tế phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Thực hiện các gói hỗ trợ cũng cần cải cách

Theo TS Nguyễn Đình Cung, tại thời điểm hiện nay nên có giải pháp có thể ngắn hạn, giải pháp nhỏ nhưng có thể giải quyết được ngay vấn đề của doanh nghiệp.

Ông Cung nêu ví dụ, nếu cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị về rào cản họ đang vướng mắc, những quy định gây khó khăn cho họ thì Chính phủ nên tập hợp và giải quyết một số vấn đề trong một vài tháng để tạo niềm tin của Chính phủ trong việc chứng tỏ Chính phủ đang thực sự đồng hành với doanh nghiệp.

Điều này đối với cải cách và phát triển là hết sức quan trọng. Những kết quả trước mắt sẽ tạo ra dấu ấn, tạo sức lan tỏa, niềm tin rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thực hiện các gói hỗ trợ cũng cần cải cáchmới có tác dụng với doanh nghiệp.

Ông Cung cho rằng, trong nhiệm kỳ này của Chính phủ, ngoài cải cách môi trường kinh doanh thì đầu tư công sẽ là một cứu cánh. Hiện nay, Chính phủ đang đầu tư nhiều vào đầu tư công, điều này là hợp lý. Nhưng phải cân đối, ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh. Hai giải pháp này kết hợp sẽ tạo cú huých cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, môi trường kinh doanh tự do, an toàn, thông thoáng hơn sẽ mở ra cơ hội cho họ, quan trọng hơn nhiều so với gói hỗ trợ.

“Điều đó không có nghĩa gói hỗ trợ không có tác dụng. Nhưng chỉ khi doanh nghiệp có thể kinh doanh thì lúc đó các gói hỗ trợ mới có ý nghĩa. Thực hiện các gói hỗ trợ cũng cần phải cải cách cách thực hiện. Nếu chúng ta vẫn tiến hành thực hiện hỗ trợ theo quy trình, thủ tục thì tôi tin doanh nghiệp không mong chờ gói hỗ trợ đó vì tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Đây là vấn đề rất đáng chú ý, không chỉ cải cách môi trường kinh doanh mà còn cải cách cả thủ tục, cách thức thực hiện gói hỗ trợ”, ông Cung khuyến nghị.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm