Thị trường

Tiêu dùng trong tuần (từ 4-10/7/2022): Giá thịt heo tiếp tục tăng mạnh

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, mít Thái giảm mạnh; trong khi giá nhiều mặt hàng rau củ quả, thịt heo, hải sản... đồng loạt leo thang.

Lo ngại chuyện chỉ mới "nghe nói" tăng lương là giá nhiều mặt hàng đã tăng / Giải thích nghịch lý thị trường lao động tăng nhưng doanh nghiệp kêu thiếu công nhân

Tiêu dùng trong tuần (từ 4-10/7/2022): Giá thịt heo tiếp tục tăng mạnh

Giá vàng, mít Thái giảm mạnh; trong khi giá nhiều mặt hàng rau củ quả, thịt heo, hải sản... đồng loạt leo thang. Ảnh minh họa

Giá vàng giảm mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.742 USD/ounce, tăng nhẹ hơn 2 USD/ounce so với chốt phiên trước.

Giá vàng trên thị trường thế trong 2 phiên cuối tuần gần như đi ngang, sau khi rơi về vùng giá đáy của 8 tháng trước.

Tuần qua thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh của giá vàng thế giới, bởi giá dầu và khí đốt đã giảm mạnh trên dưới 9%. Cùng với đó, dự báo nền kinh tế Mỹ có thể giảm tăng trưởng GDP quý 2/2022 là 2,1%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua cũng tăng so với dự báo và so với tuần trước, ở mức 235.000 đơn. Đây là mức thất nghiệp cao nhất trong vòng 6 tháng qua tại Mỹ.

Giá dầu giảm mạnh, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng và GDP dự báo giảm đã khiến giới đầu tư lo ngại về một nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái sớm trong năm 2022 chứ không phải 2023 như dự báo trước đó.

 

Trong khi đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố Biên bản cuộc họp tháng 6 và đưa ra quan điểm vẫn thắt chặt tiền tệ, ưu tiên chống lạm phát. Dự kiến, Fed sẽ cắt giảm từ 0,5-0,75% lãi suất trong kỳ họp cuối tháng 7 này.

Quan điểm "diều hâu" của Fed đã khiến thị trường càng lo ngại nền kinh tế Mỹ nhanh chóng rơi vào suy thoái, dẫn đến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Do đó, giới đầu cơ vàng bán tháo để chuyển sang nắm giữ tiền, đẩy đồng USD tăng cao.

Tính chung tuần qua, giá vàng thế giới đã giảm mạnh 66 USD/ounce so với giá mở cửa tuần. So với giá chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng thế giới đã giảm 70 USD/ounce. Hiện, thị trường đang chờ đợi thêm các thông tin kinh tế quý II/2022 và cuộc họp của Fed vào cuối tháng 7.

Trong nước, giá vàng SJC sáng nay đi khác với thị trường thế giới. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68 – 68,6 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68 – 68,62 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giữ giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. So với mở cửa phiên sáng qua, giá vàng SJC tại các thị trường trên đều đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

 

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67,9 – 68,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với mở cửa phiên sáng qua, giá vàng SJC tại Doji đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 67,9 – 68,55 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với mở cửa phiên sáng qua, giá vàng SJC tại Phú Quý đều đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 650.000 đồng/lượng.

Tính chung, trong tuần giá vàng SJC tại thị trường tự do chỉ giảm 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Doji giảm 250.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Phú Quý giảm 250.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Khi thị trường thế giới lao dốc, nhưng SJC lại giảm không đáng kể đã khiến giá vàng SJC đã kéo giãn chênh lệch với giá vàng thế giới lên 20 triệu đồng/lượng.

Nhiều loạt thực phẩm đồng loạt tăng giá

 

Những ngày gần đây, tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, giá nhiều mặt hàng rau củ quả tăng từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Trong đó, bắp cải tăng từ 17.000 đồng/kg lên khoảng 20.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 20.000 đồng/kg lên khoảng 27.000 đồng/kg. Các loại rau như rau muống có giá 25.000 - 30.000 đồng/mớ; rau khoai lang, mồng tơi, rau dền, rau ngót có giá dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/mớ.

Một số loại rau khác như xà lách có giá khoảng 60.000 đồng/kg; đậu cove có giá 30.000 đồng/kg; cải bắp, bí đỏ có giá từ 20.000 đồng/kg; hành lá 40.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngọt có giá từ 10.000 đồng/mớ.

Không chỉ vậy các mặt hàng thịt, trứng, dầu, hàng khô cũng tăng. Theo đó, mỗi chục trứng gà, vịt tăng giao động 5.000 - 10.000 đồng tùy thời điểm. Dầu ăn Simply cũng tăng 15.000 đồng, lên mức 79.000 đồng/chai 1 lít; nước mắm Nam Ngư tăng 5.000 đồng, lên mức 44.000 đồng/chai 750ml...

Cô Hương, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Dịch Vọng cho biết: “Giá mỗi kg thịt ba chỉ dao động 150.000 - 180.000 đồng. Các phần thịt như chân giò, sườn cốt lết, đùi cũng từ 100.000 - 130.000 đồng. Giá tương đối cao nên người dân đi chợ cũng đắn đo, chi tiêu dè dặt. Vì vậy mà lượng khách mua thịt của tôi cũng giảm đáng kể“.

Theo nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh, giá rau củ đã tăng cao gần một tháng nay do ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Bên cạnh đó, thời tiết nắng gắt cũng là nguyên nhân khiến giá rau xanh “tăng nhiệt.”

 

“Nguồn hàng của tôi chủ yếu nhập từ Đà Lạt. Giá xăng, dầu tăng cao nên cước vận chuyển cũng tăng theo, vì vậy giá rau tôi nhập từ các đầu mối cũng bị đội lên. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến rau xanh dễ bị khô héo, hư hỏng và khó bảo quản hơn,” chị Quý, tiểu thương tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Giá rau xanh leo thang tiếp tục gây thêm khó khăn cho người tiêu dùng Thủ đô, trong bối cảnh người người nhà nhà đang phải chật vật đối phó với “cơn bão giá” hiện nay.

Bị ảnh hưởng bởi bão giá, chị Nguyễn Thị Hoa (30 tuổi) đã thay đổi thói quen hàng ngày để thích nghi với thời buổi giá cả leo thang. Chị cho biết: “Gia đình 4 người, 2 trẻ nhỏ, vợ chồng làm nhân viên văn phòng bình thường mỗi tháng thu nhập khoảng 15 triệu. Trừ các khoản tiền cố định hàng tháng, số tiền xăng xe, sinh hoạt của cả gia đình hàng tháng không đổi. Tôi phải cân đối mọi thứ để mức sống của gia đình vẫn được đảm bảo.

Hiện tại giá cả mặt hàng nào cũng tăng mạnh. Tôi thường lên thực đơn hàng tuần và đi chợ 1 lần/tuần. Thịt heo đắt thì tôi chuyển hướng sang ăn gà, cá. Những loại rau củ đắt gần gấp đôi so với trước đây như su hào, súp lơ,...tôi loại hẳn ra khỏi thực đơn và sử dụng những loại rau giá cả hợp lý. Đồng thời tôi cũng cắt giảm các bữa cải thiện như hải sản, tôm, cua,...”

Theo chị Hoa, để mức sống vẫn được đảm bảo, chị cũng cắt giảm chi phí ăn ngoài hàng, ít tụ tập cafe bạn bè, mua sắm,... “Giá cả leo thang nên vợ chồng tôi cũng tiết kiệm hơn hẳn nên hầu như bữa nào cũng ăn cơm ở nhà kể cả bữa trưa. Chính bữa trưa là bữa tốn khá nhiều chi phí. Bởi vì khi ăn ở cơ quan có đồng nghiệp nên hay ăn thêm cái nọ, cái kia rất tốn kém. Ví dụ như bữa trưa hôm qua tính ra chỉ mất 50.000 đồng cả hai vợ chồng: 35.000 đồng thịt gà và 15.000 đồng rau củ."

 

Giá hải sản tăng gấp đôi

Tại chợ hải sản (Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng), dù mặt hàng hải sản vẫn rất dồi dào nhưng giá bán nhiều loại tăng cao so với trước. Đáng chú ý, có loại tăng gấp đôi.

Chị Diệp, một người bán hàng tại đây cho biết, hiện sò mía từ 80.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/kg, tôm thẻ từ 220.000 tăng lên 250.000 đồng/kg, ốc hương tăng từ 170.000 lên 220.000 đồng; Các mặt hàng như ghẹ, chíp chíp, sò huyết…cũng tăng giá khoảng 20.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện giá ghẹ xanh loại 6-7 con/kg ở mức 350.000 - 400.000 đồng/kg.

Đặc biệt là cá mú tăng giá chóng mặt, tăng liên tục từ 220.000 lên 330.000 đồng/kg. Ngao tím tăng giá gấp đôi từ 50.000 lên 90.000 - 100.000 đồng/kg.

“Cá mú đắt quá nên chúng tôi không dám nhập nhiều về để bán. Mỗi con cá lời vài chục nghìn nhưng chẳng may cá chết thì mất vốn”, chị Diệp nói thêm.

 

Theo các tiểu thương, giá hải sản tăng do nhiều nguyên nhân. Từ sau đợt 30/4, du lịch sôi động, nhộn nhịp, giá một số loại hải sản tăng do sức mua tăng, các nhà hàng, khách sạn tăng mua. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí mỗi chuyến đi biển của ngư dân tăng, nhiều người không chịu nổi phải cho tàu nằm bờ dẫn đến việc giá bị đẩy lên cao. Ngoài ra, một số loại xuất khẩu sang Trung Quốc nên trong nước khan hàng khiến giá cũng nhảy múa theo.

Đà Nẵng hiện có hơn 1.200 tàu thường xuyên hoạt động khai thác trên biển, trong đó, có 600 tàu đánh bắt xa bờ. Giá xăng dầu tăng cao khiến chủ thuyền gặp nhiều khó khăn. Nhiều tàu thuyền phải nằm bờ và ngư dân phải tính toán để đảm bảo những chuyến đi biển hiệu quả.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-50%, đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê...làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, trong đó hướng đến ngư dân. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ ngành, địa phương liên quan có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản để rà soát, cân đối, bố trí ngân sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Hình thức hỗ trợ được Bộ Công Thương đề xuất là hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu 2022 đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng để khuyến khích ngư dân khôi phục hoạt động vươn khơi, bám biển, thực hiện đến hết năm.

 

Mít Thái rớt giá thê thảm

Cả tháng nay, người trồng mít Thái ở miền Tây đứng ngồi không yên vì mít đến kỳ thu hoạch nhưng chẳng thấy thương lái đến thu mua, buộc lòng nhiều nhà vườn phải ném mít xuống ao cho cá ăn. Thậm chí, nhiều hộ còn bỏ phế luôn việc chăm sóc vườn mít hoặc đốn hạ cây để chuyển sang trồng loại nông sản khác.

"Tôi thuê 3 công đất để trồng mít Thái được gần 2 năm. Giờ giá mít rớt thê thảm, tôi đành bỏ luôn vườn mít, trả lại đất cho chủ chứ tiếp tục tốn phân bón và nhân công chăm sóc thì càng lỗ" - một nông dân ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ than vãn.

Ông Võ Văn Tước (ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết giá mít Thái năm nay giảm khá mạnh so với những năm trước. "Khoảng 2-3 năm trước, giá mít Thái luôn dao động ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg, thấp nhất cũng chỉ 25.000 đồng/kg. Thấy vậy, tôi chuyển 2 ha trồng khoai lang sang trồng mít Thái. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, giá mít tụt khá sâu, chỉ còn 2.000 đồng/kg và hiện nay là 8.000 đồng/kg" - ông Tước buồn bã nói.

Theo một thương lái chuyên đi thu mua nông sản ở các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ, giá mít Thái giảm mạnh do loại trái này chủ yếu xuất sang Trung Quốc nhưng hiện thị trường này giảm sản lượng nhập khẩu. Khoảng vài tháng nay, sản lượng mà một số đối tác Trung Quốc lấy hàng chỉ bằng ¼ so với năm 2014. Từ đó, khiến thương lái và chủ vựa cũng hạn chế mua vào.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm