Tin tức - Sự kiện

Ký kết CPTPP, mở rộng cửa cho thương mại toàn cầu

(DNVN) - Rạng sáng 9/3 theo giờ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cùng 10 bộ trưởng các nước thành viên đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago, Chile thay thế cho TPP đã mở ra trang mới cho thương mại toàn cầu. Hiệp định (CPTPP) được ký kết, phát tín hiệu về chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.

Toàn cảnh cuộc họp CPTPP toàn cầu.

Theo đó, CPTPP sẽ giảm thuế nhập khẩu tại 11 quốc gia có tổng GDP hơn 10.000 tỷ USD, chiếm hơn 13% toàn cầu. Với gần 500 triệu dân, đây là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. CPTPP sẽ có hiệu lực khi được ít nhất 6 quốc gia thành viên phê chuẩn. Quá trình này dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Châu Á tiên phong trong thương mại toàn cầu

Tại thủ phủ Santiago, đại diện 11 quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản TPP không có Mỹ. 11 nước thành viên còn lại đã ký hiệp định thương mại tự do lớn và quan trọng nhất thế giới cho đến thời điểm này. Hiệp định này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 trong 11 thành viên, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam phê chuẩn.

Phát biểu sau lễ ký kết, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh, hiệp định là tín hiệu mạnh mẽ "chống lại chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ một thế giới đa dạng hóa, đa phương hóa thương mại". Tại lễ ký kết, nhiều người nhấn mạnh CPTPP là hiệp định quan trọng, có thể xây dựng mô hình cho các giao dịch thương mại trong tương lai.

CPTPP ra đời sẽ giúp giảm thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên, vốn chiếm 13% nền kinh tế toàn cầu với GDP đạt 10.000 tỷ USD. Nếu có Mỹ, con số này sẽ là 40%.

 

Tổng thống Chile Michelle Bachelet nhấn mạnh: "Hôm nay, chúng ta có thể tự hào khi hoàn tất quá trình này, gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế rằng mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế là công cụ tốt nhất để tạo nên cơ hội và sự thịnh vượng cho kinh tế".

CPTPP được ký kết trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế nhập khẩu vào thép và nhôm, động thái khiến nhiều quốc gia, tổ chức, quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Cường quốc Hoa Kỳ - quốc gia hàng thập kỷ nay vẫn ủng hộ thương mại tự do đã đi theo hướng ngược lại, như bánh xe trật khỏi đường ray, người  Mỹ chính thức rời khỏi cuộc chơi và phải nhường vị trí lãnh đạo cho châu Á.

Việt Nam thực hiện tốt vị trí người “quản trò”

Dù thiếu vắng nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng CPTPP vẫn giữ những tiêu chuẩn cao và tiến bộ nhất. Trước sự quyết tâm cao độ, sau nhiều lần tiến rồi lui của các nước thành viên, sự ra đi của Washington không phải dấu chấm hết cho CPTPP. 11 quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn nỗ lực làm việc cùng nhau để có được một hiệp định thương mại tiến bộ với những tiêu chuẩn cao nhằm định hình tương lai thương mại toàn cầu. CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực khi được quá bán các quốc gia thành viên phê chuẩn, quá trình có thể kéo dài tới cuối năm.

Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo cho hay: chúng tôi và rất nhiều người hy vọng sẽ thấy CPTPP chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay hoặc không lâu sau đó.

 

Hiệp định TPP bị đẩy đến bờ vực sụp đổ là một cú sốc với Việt Nam - quốc gia được đánh giá hưởng lợi lớn nhất từ hiệp định này. Việt Nam đã kỳ vọng tăng đáng kể xuất khẩu quần áo, giày dép và nông phẩm, thủy hải sản sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện tại, cũng như sang Canada, Mexico và các nước khác trong hiệp định. Dù vậy, giới phân tích cho rằng thỏa thuận mới vẫn có khả năng giúp Việt Nam đẩy cao tốc độ phát triển kinh tế.

Sự ra đi của Mỹ, quốc gia từng đóng vai trò tiên phong với thương mại toàn cầu, đã khiến nhiều người nghĩ tới dấu chấm hết với TPP. Tuy nhiên, nỗ lực không biết mệt mỏi của các nước thành viên, trong đó dẫn đầu là Nhật Bản, đã giúp hồi sinh hiệp định tiêu chuẩn cao nhằm tạo ra các chuẩn mực mới cho thương mại toàn cầu.

Trong vai trò quốc gia chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã rất nỗ lực làm việc cùng Nhật Bản để đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo. Dù còn rất nhiều khác biệt tưởng như không thể giải quyết, các quốc gia vẫn tiếp tục ngồi lại bàn đàm phán. Chính tại Việt Nam, TPP-11 thêm một lần được hồi sinh và chính thức được công bố với tên mới CPTPP.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ: "Chúng tôi có những tranh cãi gay gắt nhưng ở Đà Nẵng lần này, thông qua tính xây dựng của các bên, đàm phán đã thành công. Tôi gửi lời cảm ơn các trưởng đoàn đàm phán vì nỗ lực của họ. TPP có 8.000 trang tài liệu mà chỉ có 20 điều khoản tạm hoãn. CPTPP nỗ lực đảm bảo chất lượng như TPP".

Nên đọc

Toàn cảnh phiên họp ký kết CPTPP

 

Minh Phượng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo