Thị trường

Lãnh đạo các nước nói gì về TPP?

(DNVN) - Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được đồng thuận về hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, lãnh đạo nhiều nước đồng loạt lên tiếng hoan nghênh sự ra đời của hiệp định thương mại tự do có quy mô thuộc hàng lớn nhất thế giới.

Theo thông cáo báo chí mới nhất được phát ra từ Bộ Công Thương tối ngày 5/10, các nhà đàm phán đến từ 12 nước đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định TPP – thỏa thuận thương mại bao trùm 40% nền kinh tế thế giới.

Với những kết quả đàm phán đã đạt được, Hiệp định TPP sẽ là hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định.

Bộ trưởng Thương mại 12 nước cuối cùng đã đạt được thỏa thuận lịch sử đối với TPP. Ảnh: Reuters.

Tin tức từ Báo Vietnam+, sau khi TPP được hoàn tất, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã có bài phát biểu trấn an quan ngại của các ngành công nghiệp trong nước về những tác động ban đầu của việc tham gia TPP, đồng thời khẳng định hiệp định này mang lại lợi ích tốt nhất chokinh tế Canada. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn và đảng đối lập ở Canada cũng hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận lịch sử này.

Ông khẳng định mọi lĩnh vực và địa phương của Canada đều được hưởng lợi từ việc tham gia TPP và đảng Bảo thủ (CPC) của ông sẽ đẩy mạnh thực thi thỏa thuận này nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch đảng Tự do (LIB) đối lập Justin Trudeau - đối thủ nặng ký của ông Harper trong chiến dịch tranh cử hiện nay, cùng Phòng Thương mại Canada, Hội đồng Giám đốc điều hành Canada và nhiều tập đoàn lớn tại nước này cũng bày tỏ ủng hộ việc các bộ trưởng đạt được thỏa thuận lịch sử TPP. 

Theo Giám đốc điều hành của Tập đoàn Blackberry John Chen, TPP “sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại và cho phép các doanh nghiệp Canada cạnh tranh thuần túy dựa trên chất lượng sản phẩm và dịch vụ.”

Theo quy định trong TPP, trong 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Canada sẽ phải mở cửa thị trường sữa, trứng, thịt gà, bò, lợn, cừu, hải sản, gỗ xẻ và hàng công nghiệp cho các nước trong TPP. 

 

Ngoài ra, trong cùng thời gian trên, Canada cũng sẽ phải dỡ bỏ mức thuế 6,1% đối với các ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong TPP và giảm quy định về tỷ lệ xuất xứ sản phẩm từ 62,5% xuống còn 45% đối với ôtô sản xuất nguyên chiếc trong nước và 40% đối với các mặt hàng phụ tùng ôtô.

Để trấn an quan ngại của ngành sản xuất trong nước sẽ chịu tác động mạnh trong thời gian đầu thực hiện TPP, Thủ tướng Harper cam kết sẽ bồi thường 4,3 tỷ đôla Canada (tương đương 3,3 tỷ USD) cho những nông dân bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, bình luận về sự kiện này, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Guajardo Villarreal cho rằng TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho nền kinh tế thứ 2 Mỹ Latinh trong lĩnh vực sản xuất liên quan tới 6 thị trường châu Á-Thái Bình Dương (gồm Australia, Brunei, Malasia, New Zealand, Singapore và Việt Nam), khu vực hiện được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong vòng 25 năm tới.

Phóng viên TTXVN tại Mexico City dẫn lời Bộ trưởng Villareal nhận định TPP đi đến hồi kết tốt đẹp nhờ có ý thức chính trị, lập trường và sự linh hoạt của các bên tham gia đàm phán và đây là hiệp định rộng rãi, chuẩn mực và tham vọng nhất từ trước tới nay, đồng thời TPP cũng là mô hình đàm phán cho các hiệp định thương mại về sau này, đưa Mexico vào vị trí tiên phong trên lĩnh vực này.

Bộ trưởng Villareal cho rằng trong tiến trình đàm phán TPP, Mexico đã đạt được sự cân bằng phù hợp giữa lợi ích quốc gia và các lĩnh vực được coi là nhậy cảm như chế tạo xe hơi-và phụ tùng, công nghiệp dệt may và các sản phẩm nông nghiệp như gạo, thịt các loại và sữa.
Bên cạnh đó, TPP sẽ củng cố quá trình hội nhập các dây chuyền sản xuất của Mexico, Mỹ và Canada, góp phần đưa khu vực này có tính cạnh tranh cao nhất thế giới.

 

Với TPP, Mexico củng cố sự thâm nhập của mình vào thị trường Chile và Peru, hai đối tác thương mại ưu tiên của Mexico tại Mỹ Latinh, và phát triển sâu rộng hơn mối quan hệ với thị trường Nhật Bản.

Con số của Bộ Kinh tế Mexico cho thấy 11 quốc gia tham gia TPP chiếm tới 72% giá trị trao đổi thương mại của Mexico và cung cấp tới 55% tổng số vốn đầu tưtrực tiếp nước ngoài (FDI) vào quốc gia Bắc Trung Mỹ.

Ngay sau khi nhận được tin hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại thành phố Atlanta, Mỹ, tối 5/10, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto đã chúc mừng và hoan nghênh sự kiện quan trọng này, coi đây là một hiệp định tiên tiến, qua đó Mexico củng cố tiến trình hội nhập với thế giới.

Trên tài khoản Twitter @EPN cá nhân, Tổng thống Peña Nieto nhấn mạnh TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư lớn hơn và đem lại nhiều việc làm tốt hơn cho người dân Mexico.

Trong một thông cáo liên quan, Phủ Tổng thống Mexico nhận định, việc hoàn tất đàm phán TPP là kết quả của một quá trình đàm phán gian nan, vất vả, qua đó Mexico đã đạt được sự cân bằng giữa lợi ích và các lĩnh vực nhạy cảm như chế tạoô tô và phụ tùng, công nghiệp dệt-may và nông sản như gạo, thị và sữa.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động và Phòng ngừa Xã hội Mexico (STPS) Alfonso Navarrete Prida cho rằng TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Mexico, giúp GDP tăng trưởng cao hơn và tạo thêm nhiều việc làm tốt hơn một khi luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Mexico nhiều hơn.

Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz đã đánh giá cao việc 12 quốc gia thành viên đã đạt được sự đồng thuận về TPP. Theo đó, Ngoại trưởng Muñoz khẳng định tầm quan trọng của TPP và chúc mừng những nỗ lực bảo vệ quyền lợi quốc gia của đại diện nước này trong quá trình đàm phán, đồng thời nhấn mạnh Chile sẽ được hưởng lợi với thỏa thuận nói trên.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố biển Valparaíso, cách thủ đô Santiago hơn 100 km về phía Bắc, Ngoại trưởng Muñoz cho rằng với TPP, Chile được quyền tiếp cận với thị trường của 11 quốc gia thành viên khác, trong đó có những thị trường rất lớn. Ông đánh giá TPP là thỏa thuận thương mại mang tầm vóc thế giới, vượt những gì mà Vòng đàm phán Doha cho tới giờ chưa đạt được. 

Ngoài việc được quyền tiếp cận tốt hơn với hàng hóa, Chile sẽ được tiếp cận với chuỗi giá trị toàn cầu, mua sắm chính phủ và nhiều loại hình dịch vụ mà trong các thỏa thuận thương mại song phương với mỗi quốc gia thành viên TPP chưa từng đạt được. 

Ông cũng cho biết thỏa thuận này sẽ cần được Quốc hội thông qua và vấn đề các sản phẩm sinh học và dược phẩm của Chile sẽ là một trong những vấn đề gai góc.

 

TPP có 12 nước tham gia đàm phán, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Theo quy định, sau khi được ký kết, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực. Nếu trở thành hiện thực, TPP sẽ là khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Theo tin tức từ Báo Chính phủ, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá thỏa thuận mà các nước vừa đạt được phản ánh những giá trị của nước Mỹ và đặt người lao động Mỹ lên tuyến đầu. Theo ông, TPP sẽ cho phép Mỹ xuất khẩu nhiều sản phẩm sản xuất tại Mỹ ra toàn thế giới. 

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ giúp tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thúc đẩy sáng tạo trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cùng ngày cũng ra tuyên bố bảo vệ TPP, gọi đây là một thỏa thuận toàn diện, cân bằng, sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn sống và giảm đói nghèo.Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này. Ông cho biết, đoàn đàm phán của Nhật Bản do Bộ trưởng Chính sách Tài chính và kinh tế Akira Amari dẫn đầu đã giành được một số nhượng bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn là vấn đề nhạy cảm của nước này trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. 

 

“Chúng tôi đã giành được sự nhượng bộ đối với những yêu cầu loại bỏ thuế quan cho sản phẩm gạo, thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm từ sữa. Đây là kết quả của 2 năm đàm phán khó khăn. Đây là một thành quả lớn không chỉ đối với Nhật Bản mà cho tương lai của cả châu Á-Thái Bình Dương nói chung”.

V. HẢI (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo