Bộ Công Thương chỉ thị đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện các hoạt động, bao gồm: rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, tuyên truyền, phổ biến, đào tạo nâng cao năng lực, xây dựng cơ chế phối hợp, tăng cường công tác thanh kiểm tra, đẩy mạnh các công cụ tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng…
Đối với các Cục, Vụ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, Chỉ thị nêu trên quy định các đơn vị tăng cường thực thi các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương bố trí cán bộ, phân công rõ đơn vị thực hiện chức năng, bố trí kinh phí, xây dựng đường dây nóng, xây dựng bộ phận hòa giải, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới và các tổ chức xã hội, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tăng cường thực hiện vai trò, chức năng của tổ chức đại diện cho người tiêu dùng cũng khuyến khích sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Theo Bộ Công thương, sau hơn 4 năm thực thi Luật, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nỗ lực đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hiện tại, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế; nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo