Tin tức - Sự kiện

Lực cản ngành tôm và hóa giải thách thức

Năm 2012, ngành nuôi tôm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 2,25 tỷ USD, tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu về giá trị và có đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,18 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2013 vẫn là năm ngành tôm phải đối mặt với không ít khó khăn vì thế Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát sao hoạt động của ngành thủy sản.
Lực cản từ thị trường Mỹ
 
Liên tục trong nhiều năm Mỹ luôn dẫn đầu về tiêu thụ tôm Việt Nam. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung khác, Mỹ đã xuống vị trí thứ hai về nhập khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2012, mặc dù xuất khẩu tôm sang Mỹ liên tục giảm do nhiều yếu tố nhưng Mỹ vẫn duy trì vị trí thứ hai sau Nhật Bản về nhập khẩu tôm Việt Nam với giá trị cả năm ước đạt khoảng 480 triệu USD, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất tôm của Việt Nam. Năm 2013, Mỹ tiếp tục được xác định là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam. Tuy nhiên ngày 18/1/2013, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức thụ lý đơn của một số doanh nghiệp Mỹ kiện tôm nhập khẩu từ Việt Nam và sáu nước khác (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ecuado) với cáo buộc bán phá giá với lập luận rằng, mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh được Chính phủ trợ cấp nhập khẩu vào Mỹ từ bảy đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành tôm của Mỹ. Theo đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (USITC) cũng đã tiến hành phiên thảo luận công khai với sự tham dự của các doanh nghiệp Mỹ và đại diện của bảy nước có mặt hàng tôm bị kiện.
 
Từ phía đại diện 7 nước  trong đó có Việt Nam cho rằng, cáo buộc nhận trợ cấp của chính phủ để giảm giá xuất khẩu tôm vào Mỹ là thiếu căn cứ. Theo đánh giá của Vasep việc giá thành phẩm tôm nhập khẩu từ 7 nước thấp hơn là do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, quy trình nuôi trồng và đánh bắt đã được chuẩn hóa. Hơn nữa, việc các DN nhập khẩu và chế biến tôm của Hoa Kỳ ngày càng tăng cường nhập khẩu tôm từ bên ngoài còn vì nguồn cung ổn định, chấp nhận được những đơn hàng lớn, dài hạn, đáp ứng được nhiều nhu cầu chế biến khác nhau (như bỏ đầu, bóc vỏ…) nhờ vào lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công rẻ hơn. Thêm vào đó, chất lượng tôm nhập khẩu từ 7 nước đã được kiểm định chặt chẽ, đạt mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất.
 
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết thời hạn ban hành quyết định sơ bộ về mức thuế đối kháng trong vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm “tôm nước ấm đông lạnh” của Việt Nam sẽ được hoãn đến ngày 28/5/2013. Ban đầu DOC dự kiến vào ngày 25/3/2013, sau khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ khẳng định có dấu hiệu ngành sản xuất nội địa Mỹ chịu thiệt hại do hàng hóa nhập khẩu bị cáo buộc có trợ cấp gây ra. Sau đó, DOC lựa chọn hai bị đơn bắt buộc, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Công ty CP Nha Trang Seafoods, bổ sung bốn nội dung mới để điều tra và lùi thời hạn công bố kết quả sơ bộ. Pháp luật Mỹ quy định thời hạn ban hành quyết định sơ bộ có thể được gia hạn tới 130 ngày, kể từ ngày khởi xướng điều tra. Thông thường, quyết định cuối cùng được ban hành không muộn hơn 75 ngày, kể từ ngày có quyết định sơ bộ. Nếu tính từ ngày 28/5/2013 thì quyết định cuối cùng sẽ có vào ngày 11/8/2013.
 
Hóa giải thách thức cho ngành tôm 
 
Năm 2012, ngành nuôi tôm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 2,25 tỷ USD, tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu về giá trị và có đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,18 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2013 vẫn là năm ngành tôm phải đối mặt với không ít khó khăn cả trong nước và trên thị trường tiêu thụ và điển hình nhất ngay từ đầu năm 2013 đã phải đối mặt với vụ kiện từ thị trường Mỹ cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của ngành tôm.
 
Bên cạnh đó, con tôm VN vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại như dịch bệnh làm tôm chết sớm xảy ra ở nhiều vùng nuôi tôm khiến nguồn và giá tôm nguyên liệu bất ổn; Chi phí đầu vào sản xuất tôm tăng 15 - 20%, trong khi tỷ lệ thành công trong sản xuất tôm của Việt Nam chỉ đạt 30 - 40% (còn Thái Lan đạt tới 70%); Rào cản Ethoxyquin từ thị trường nhập khẩu lớn nhất là Nhật Bản khiến đầu ra giảm mạnh… Từ những thách thức này VASEP cũng dự báo, sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2013 có thể đạt 2,4 tỷ USD (tăng khoảng 6,5% so năm 2012) nếu giải quyết được những tồn tại.
 
Để hóa giải những thách thức này Chính phủ thể hiện quyết tâm cao trong việc hạn chế cũng như tìm chất thay thế Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm, Bộ NN&PTNT đang tích cực đàm phám với phía Nhật, yêu cầu xem xét lại vấn đề Ethoxyquin. Song song đó các DN và hộ sản xuất trong nước cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng Ethoxyquin trong tôm nguyên liệu. Những khó khăn về vốn vay cho DN đầu tư nuôi và thu mua nguyên liệu cần được Nhà nước và ngân hàng quan tâm thỏa đáng. Công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm phải được triển khai hiệu quả…
 
Được biết các DN xuất khẩu tôm cũng đã được gỡ nút thắt về lãi suất khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định gia hạn cho DN xuất khẩu thủy sản được vay ngoại tệ đến hết năm 2013. Gia hạn này cũng đã được Chính phủ đưa vào Nghị quyết 01 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Đồng thời, bản thân các DN cũng đã và đang năng động, linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để giữ vững những thị trường truyền thống, đẩy mạnh khai thác thị trường ngách, thị trường mới phù hợp với lợi thế của tôm Việt Nam như về yêu cầu chất lượng, năng lực chế biến; tăng khả năng đáp ứng, hoàn thành các đơn hàng lớn trong thời gian ngắn; tiếp tục tận dụng giá nhân công còn rẻ để nhập khẩu nguyên liệu, đa dạng hóa thành phẩm và thị trường xuất khẩu. Riêng với vụ kiện tôm tại Mỹ, ông Trương Đình Hòe cho biết rất cần Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan cùng phối hợp giải quyết./.
 
Ngày 6/3, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lần đầu tiên trong lịch sử xem xét thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm đông lạnh Việt Nam đã công nhận doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường này trong quyết định sơ bộ của DOC.
 
Theo đó, cả bị đơn bắt buộc và tự nguyện trong đợt xem xét hành chính mức thuế CBPG tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ giai đoạn từ 1/2/2011 đến 31/1/2012 (POR7) đều có mức thuế 0%. Cụ thể, hai bị đơn bắt buộc là Nha Trang Seafoods, Minh Phu Seafood Corp cùng với các công ty khác tham gia xem xét hành chính giai đoạn này đều có mức thế bằng 0% trong quyết định sơ bộ của DOC.
Đây là sự kiện vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ, bởi đây là lần đầu tiên DOC công nhận tất cả doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia không bán phá giá. Điều này góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chưa phục hồi.
 
Theo số liệu hải quan Việt Nam, tháng 1/2013, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt trên 33 triệu USD, tăng trưởng 36,9% so với tháng cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam./.
 
 
 
 
N. M (Theo VEN)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo