Tin tức - Sự kiện

Nga mổ xẻ tình hữu nghị kiểu Trung Quốc

Ngày 16/05/2014, A.Khramchikhin, PGĐ Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga đã có bài viết trên báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga)

 Bài viết về mối quan hệ Nga-Trung liên quan những sự kiện mới xảy ra gần đây tại Crimea và Ukraine.

Cuộc khủng hoảng Crimea là phép thử cho mối quan hệ Nga – Trung
 
Lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Ukraine- Crimea đã trở thành một nhân tố quan trọng của nền chính trị thế giới và của cả cuộc chiến tranh thông tin khốc liệt nhất được tiến hành cuộc khủng hoảng này.
 
Trong cuộc chiến tranh thông tin đó, một số kẻ vận động hành lang thân Trung Quốc tại Nga rất sốt sắng chứng minh là trong vấn đề này Bắc Kinh ủng hộ Moscow.
 
Dẫn chứng được đưa ra là câu chuyện về việc vị đại diện Trung Quốc tại Hội đồng bảo an LHQ khi bỏ phiếu về “nghị quyết Crimea” đã bỏ phiếu trắng, không những thế còn mỉm cười.
 
Chỉ không hiểu tại sao “bỏ phiếu trắng” lại được coi là tương đương với “ủng hộ” và tại sao chúng ta lại phải mủi lòng trước nụ cười của nhà ngoại giao Trung Quốc. Có lẽ là các nhà vận động hành lang này đang luyện lập cách thực hiện đơn đặt hàng của Bắc Kinh.
 
Thời điểm hiện tại Bắc Kinh các loại vũ khí hiện đại của Nga chủ yếu là với số lượng nhỏ, sao chép công nghệ, cải tiến và nhân bản những “sản phẩm của mình”. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga.
 
Còn nếu đi thẳng vào thực chất của vấn đề, thì Bắc Kinh đang ở trong một tình huống cực kỳ không đơn giản.
 
Hoàn toàn rõ ràng là đối với Bắc Kinh, những cái gì đã xảy ra ở Kiev (lật đổ chính quyền hợp pháp bằng bạo lực), lẫn những gì đã xảy ra ở Crimea (Quốc gia Ukraine mất một phần lãnh thổ) đều không thể chấp nhận được. Trong trường hợp thứ nhất (ở Kiev) Trung Quốc cáo buộc Phương Tây, còn trong trường hợp thứ hai – buộc tội Nga.
 
Không những thế, những hệ lụy của cuộc khủng hoảng hiện nay đang tạo ra mối đe dọa nguy hiểm đối với các lợi ích của Trung Quốc ở Ukraine và đặc biệt là tại Crimea.
 
Dẫn chứng thực tế: đó là việc thực hiện dự án cảng nước sâu ở phía tây Crimea. Những diễn biến tình hình tại Crimea cũng giáng một đòn chí tử vào dự án “Con đường tơ lụa mới” và khả năng vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine (về Trung Quốc).
 
Dự án “Con đường tơ lụa mới” hiện nay là một trong những dự án địa - chính trị quan trọng nhất của Bắc Kinh và nó mang tính chất chống Nga công khai đến mức mà một số nhà “lobby” thân Trung Quốc tại Nga như đã đề cập tới ở trên cũng không thể phủ nhận.
 
Dự án này (“Con đường tơ lụa mới”) nhằm tới mục dích “giết chết” hoàn toàn và vĩnh viễn Transsib (tuyến giao thông xuyên Xibiri của Nga -ND) và “Con đường Phương Bắc” (tuyến hàng hải nối Châu Á với Châu Âu trên biển Bắc Băng Dương phía Bắc Nga -ND).
 
Trong khuôn khổ dự án này, Trung Quốc sẽ xây dựng tuyến đường sắt qua Trung Á có khổ đường ray và bánh xe tương thích với tiêu chuẩn Châu Âu. Cảng nước sâu ở khu vực Evpatory (Crimea) được xem là đầu mối quan trọng nhất của “Con đường tơ lụa mới”.
 
Để có thể tiếp tục dự án xây dựng cảng nói trên, Trung Quốc cần phải chính thức công nhận một thực tế là Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, - trong khi đây sẽ là một vấn đề cực kỳ khó nuốt đối với Bắc Kinh.
 
Có lẽ, Bắc Kinh ít nhất cũng buộc phải hoãn dự án thuê 3 triệu hectar đất trồng trọt của Ukraine, mà một phần trong số đó cũng nằm trên bán đảo Crimea. Thực ra, Kiev (dưới thời Yanukovich) luôn tìm cách bác bỏ là đã có một dự án như vậy, nhưng Bắc Kinh lại hoàn toàn không phủ định sự tồn tại của dự án này.
 
Điểm nhấn rất quan trọng của dự án này là ở chỗ bên thuê từ phía Trung Quốc là Quân đoàn xây dựng – công nghiệp Tân Cương, - tức là một thành phần đặc biệt của PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc – kiểu như một số tổng công ty xây dựng quốc phòng Việt Nam – ND) (đấy là kiểu kết hợp của các tiểu đoàn xây dựng và Bộ đội Bộ nội vụ - A,Khramchikhin).
 
Chính quân đoàn này được quyền sử dụng 5% lãnh thổ Ukraine với quy chế như là lãnh thổ Trung Quốc ở hải ngoại, đồng thời có thể thuê thêm một số diện tích mới.
 
Liên quan đến vấn đề này, trên mạng Internet của Nga đã xuất hiện một lập luận cho rằng: đối với Moscow, mục tiêu quan trong bậc nhất của việc sát nhập Crimea là làm phá sản tất cả các dự án trên của Trung Quốc.
 
Kiểu nước đôi của Trung Quốc
 
Trong các tuyên bố công khai, Trung Quốc không lên án bên nào xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine- Crimea. Thay vào đó, Bắc Kinh thường đưa ra các tuyên bố “kiến tạo hòa bình” điển hình của mình – những tuyên bố này có thể giải thích như thế nào cũng được và đối với phía nào cũng được.
 
Ví dụ, liên quan đến tình hình ở Ukraine, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố là Trung Quốc luôn luôn theo đuổi lập trường “công bằng và khách quan”. Bắc Kinh cũng đưa ra các khuyến nghị của mình về vấn đề này, kêu gọi thành lập trong thời gian sớm nhất có thể một cơ chế điều phối quốc tế đồng thời “đề nghị” tất cả các bên liên quan không tiến hành bất kỳ một hành động nào có thể làm tình hình thêm xấu đi.
 
“Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực mang tính xây dựng từ phía cộng đồng quốc tế để làm giảm căng thẳng và hoan nghênh mọi sáng kiến có thể giúp tìm ra giải pháp chính trị cho vấn đề nói trên” – Ông Tập Cận Bình tuyên bố.
 
Với tinh thần đó, Trung Quốc đã bỏ phiếu Nghị quyết về vấn đề Crimea của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 15/3 và một nghị quyết tương tự của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ngày 27/3: trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đều bỏ phiếu trắng và như vậy nước này đã không ủng hộ ai, cả Nga lẫn Phương Tây.
 
Cách giải thích cho rằng bằng việc bỏ phiếu như vậy Trung Quốc đã ủng hộ Nga - vô lý đến mức ngớ ngẩn và mâu thuẫn với một tư duy lành mạnh. Nếu ủng hộ Nga- phải bỏ phiếu chống lại các nghị quyết trên. Đã có 10 nước bỏ phiếu chống ngày 27/3 và trong số đó không có Trung Quốc.
 
Như vậy, ở tầm các tuyên bố công khai của giới lãnh đạo Trung Quốc thì lập trường của Bắc Kinh cực kỳ quanh co – thực chất là lảng tránh vấn đề. Nhưng để tìm hiểu quan điểm thực sự (của giới lãnh đạo Trung Quốc), có thể tìm nguồn từ tờ báo tiếng Anh “Global Times”.
 
Về mặt chính thức, tờ báo này không phải là cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng chính chức năng của nó là truyền tải đến người đọc quốc tế quan điểm thực sự của Bắc Kinh về các vấn đề mà giới lãnh đạo nước này không muốn công bố một cách chính thức.
 
Và đây là các quan điểm đó: không lâu sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, “Global Times” cho đăng một bài báo với nội dung được trích dẫn sau đây:
 
“Việc ủng hộ vô điều kiện cuộc xâm lược quân sự của Nga tại Ukraine không đáp ứng được lòng tin vào nguyên tắc đối ngoại đã được thời gian thử thách của Trung Quốc là không can thiệp và đồng thời (sự ủng hộ đó) còn tạo cớ để các cường quốc nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến tình hình tại các khu vực phía Tây (Trung Quốc) như Tân Cương và Tây Tạng, - nơi đang tồn tại sự căng thẳng sắc tộc và các phong trào ly khai.
 
Việc Trung Quốc ủng hộ tách Crimea ra khỏi Ukraine thông qua trưng cầu dân ý sẽ là đạo đức giả vì chính Trung Quốc đã áp dụng luật cấm các khu vực lãnh thổ ly khai ra khỏi Trung Quốc từ năm 2005.
 
Luật này cho phép sử dụng lực lượng quân sự chống lại Đài Loan trong trường hợp khu vực lãnh thổ này tuyên bố độc lập trước Trung Quốc thông qua trưng cầu dân ý hoặc các quy trình thủ tục khác”.
 
Như vậy đã rõ, Bắc Kinh có một lập trường chống Nga công khai. Tuy nhiên chỉ sau một vài ngày cũng tờ “Global Times” này lại cho đăng một bài báo khác – không những thế, đây là bài của Ban biên tập với tiêu đề “Ủng hộ nước Nga – phù hợp với lợi ích của Trung Quốc”.
 
Bản chất của bài báo là: “vấn đề Ukraine từ lâu đã không còn là vấn đề nội bộ của một nước nào đó…. Hiện nay chỉ có Nga và Trung Quốc mới thực sự tạo ra vùng đệm chiến lược cho nhau để phục hưng các quốc gia chúng ta (Nga và Trung Quốc).
 
Nếu nước Nga do V.Putin lãnh đạo bị sụp đổ trước sức ép của Phương Tây, thì điều đó sẽ là một đòn cực kỳ mạnh giáng vào các lợi ích chiến lược của chúng ta (Trung Quốc)” (hết trích dẫn).
 
Nếu sức mạnh được thể hiện rõ
 
Dĩ nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc không thể thay đổi lập trường quan điểm của mình chỉ trong vòng mấy ngày đêm. Nhưng Trung Quốc rõ ràng là sợ đối đầu trực tiếp với Nga.
 
Nếu tình thế này diễn ra, ngay lập tức cái gọi là “đối tác chiên lược” giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ bị sụp đổ hoàn toàn, và buộc Trung Quốc phải “một mình đối mặt” với Phương Tây.
 
Ngoài ra, Moscow trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy nước này sở hữu một lực lượng vũ trang mạnh, hiện đại và sẵn sàng sử dụng lực lượng đó, bất chấp nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
 
Hơn nữa, nếu xét từ góc độ nghệ thuật quân sự thì chiến dịch “Crimea” của Lực lượng vũ trang Nga có thể coi là một “tuyệt phẩm”. Không nghi ngờ gì nữa, thực tế đã gây một “ấn tượng” cực kỳ mạnh đối với Bắc Kinh. Hơn ai hết, giới lãnh đạo Trung Quốc là những người hiểu và tôn sung giá trị của sức mạnh.
 
Nếu xét từ góc độ đó (sức mạnh quân sự của Nga) thì xung đột với nước Nga là điều không thể chấp nhận được đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Và cuối cùng, giới lãnh đạo Trung Quốc không thể không nhận thấy việc Nga đã phớt lờ quan điểm của Phương Tây, còn Phương Tây thì đã không áp dụng một biện pháp thực sự nào để chống lại Nga, kể cả quân sự lẫn kinh tế.
 
Cái được gọi là các biện pháp cấm vận thực sự chỉ là những trò hề, còn “các biện pháp đáp trả của NATO” - đơn giản chỉ là một thủ pháp lố bịch nào đó. Trong trường hợp này, Nga đã thể hiện sức mạnh và đã thắng.
 
Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là sự phát triển tiếp theo của tình hình, mà cụ thể là Moscow có thể rút ra những kết luận cần thiết gì từ những sự kiện vừa diễn ra. Kết luận quan trọng nhất là phải tiếp tục thể hiện sức mạnh đối với Bắc Kinh, chứ tuyệt đối không được nhượng bộ.
 
Đấy là chưa nói tới việc không hề có bất kỳ một lý do gì, dù là nhỏ nhất để nhượng bộ Bắc Kinh. Chúng ta không có cơ sở nào để “khen thưởng” Trung Quốc - Bắc Kinh đã không hề giúp gì cho chúng ta.
 
Cụ thể, đã có một sai lầm hết sức ngu ngốc là bán cho Trung Quốc máy bay tiêm kích Su-35S, đấy là chưa nói đến hệ thống tên lửa phòng không S-400. Cần phải một lần và mãi mãi chấm dứt việc bán các loại vũ khí mới nhất cho đối phương tiềm năng này (Trung Quốc).
 
Nếu như trong những năm 90 thế kỷ XX điều đó còn có thể biện minh được vì cần tiền để duy trì các tổ hợp công nghiệp quốc phòng lúc đó đang không có các đơn đặt hàng trong nước (hơn nữa lúc ấy Trung Quốc mua các chủng loại vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự với số lượng lớn với tổng giá trị hợp đồng đáng kể), thì ngày nay, lý do đó không còn tồn tại nữa.
 
Hiện các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã không đủ công suất để thực hiện các đơn đặt hàng từ trong nước. Ngoài ra, chúng ta (Nga) còn có đủ số lượng các khách hàng nước ngoài mua vũ khí và không phải là đối thủ tiềm tàng của chúng ta. Thêm nữa, hiện nay Trung Quốc chỉ mua một lượng tối thiểu vũ khí và khi tài với mục đích duy nhất – ăn cắp công nghệ.
 
Chính thời điểm này là thích hợp nhất để thay đổi tính chất mối quan hệ với Trung Quốc – các mối quan hệ này đến bây giờ hoàn toàn chỉ có lợi cho riêng Trung Quốc. Không những chấm dứt việc bán vũ khí mà còn không được nhượng bộ Trung Quốc trong cả các lĩnh vực chính trị và kinh tế.
 
Moscow trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine- Crinea đã cư xử với NATO một cách rất xứng đáng , - không sợ “con hổ giấy” này. Trung Quốc – không phải là “con hổ giấy” xét trên nhiều phương diện.
 
Nhưng hiện thời, sức mạnh của Trung Quốc cũng chỉ có giới hạn. Và việc sát nhập Crimea không nên trở thành tiền lệ cho Trung Quốc (Trung Quốc không cần có tiền lệ, nước này hành động căn cứ vào khả năng của mình), mà ngược lại – là lời cảnh cáo đối với Trung Quốc trong những tham vọng đối với các khu vực lãnh thổ phía đông của Nga. Trung Quốc cần phải biết xử sự có chừng mực.
 
Vẫn có thể tiếp tục rêu rao những lời có cánh cũ kiểu như “đối tác chiến lược”, nhưng trên thực tế phải tiến hành một chính sách cực kỳ cứng rắn và thực dụng đối với Trung Quốc.
 
Nếu Moscow quyết định là cần phải nhượng bộ Bắc Kinh một cái gì đó thì trong tương lai rất gần, mọi lợi ích từ “chiến thắng Crimea” sẽ biến thành một vấn đề cực kỳ lớn trên một hướng khác của nước Nga (hướng Đông-ND).
 
Sẽ là một sai lầm chết người nếu coi Trung Quốc là đối trọng thực sự đối với Phương Tây. Trung Quốc – là mối đe dọa chủ yếu của chúng ta (Nga), và Phương Tây không có liên quan đến thực tế này. Giải quyết mọi vấn đề với Trung Quốc cần phải cực kỳ nhanh và quyết đoán, nếu không sau sẽ rất khó để gỡ lại.
 
Vài lời nói thêm
 
- Hải quân Trung Quốc và Nga đang tiến hành tập trận chung.
 
- Ngày 20/5 tới, Tổng thống Nga V.Putin sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo