Tin tức - Sự kiện

Nga-Mỹ đối đầu bằng tên lửa hành trình

Thêm những lời báo động của các chuyên gia quân sự Nga về việc họ sẽ bị Mỹ nhấn chìm bởi hệ thống tên lửa chiến lược

Cảnh báo sức mạnh Mỹ nhằm vào Nga

 
Nhà thiết kế phòng không Nga Pavel Sozinov nói ngày 8/12/2014 tại một hội thảo khoa học ở Moscow về việc nước Nga đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ tấn công ngay trong năm 2015-2016 với một lực lượng khoảng 7.000 tên lửa hành trình.
 
Là nhà thiết kế trưởng của công ty sản xuất hệ thống tên lửa phòng thủ và phòng không- Almaz-Antei, ông nói trong số tên lửa ấy, có 5.000 chiếc sẽ phóng từ tàu ngầm Mỹ.
 
Ông nói thêm: Mỹ đã tái thiết kế 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, để trang bị tên lửa hành trình thay vì tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mỗi chiếc tàu ngầm này có thể trang bị 154 tên lửa hành trình:
 
“Có tiềm năng lớn về một đợt tấn công ồ ạt đầu tiên, điều Nga phải tính đến là xây dựng hệ thống phòng chống tên lửa”, vì Mỹ có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, ông Sozinov nói.
 
Về việc các biện pháp đáp trả và cảnh báo đang được Nga ráo riết xây dựng, nhà thiết kế quân sự này thừa nhận nhanh nhất đến năm 2020, Nga mới có một hệ thống cảnh báo sớm tên lửa liên lục địa và tên lửa chiến thuật hoạt động hiệu quả.
 
 Một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ
 
Nỗi sợ hãi về một cuộc tấn công chớp nhoáng đủ sức hạ gục nước Nga bằng loạt đạn đầu từ nước Mỹ đang ám ảnh những chuyên gia quân sự Nga, thậm chí, các tướng lĩnh kiên cường của quân đội nước này cũng phải thừa nhận nguy cơ.
 
Hôm 28/11/2014, Thượng tướng Leonhid Ivashov, Chủ tịch Trung tâm phân tích địa-chính trị (từ năm 1996 đến 2001- Chủ nhiệm Tổng cục hợp tác quân sự quốc tế Bộ Quốc phòng LB Nga) đã có bài trả lời phỏng vấn trên tờ Bình luận quân sự độc lập.
 
Theo tướng Ivashov, Nga không đủ sức cân bằng hạt nhân chiến lược với Mỹ, và mấu chốt vấn đề ở chỗ, Mỹ có khả năng phòng thủ tên lửa hiện đại và hiệu quả hơn Nga.
 
Ông Ivashov phân tích: "Nga chỉ có thể tấn công lãnh thổ Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo, nhưng Mỹ có thể tấn công Nga không chỉ bằng tên lửa đạn đạo mà còn là những tên lửa có cánh mà Mỹ có trong kho hàng nghìn quả. Và theo tính toán, trong đòn tấn công chớp nhoáng của Mỹ, dù không cần dùng đến vũ khí hạt nhân thì cũng đã có tới 70% phương tiện hạt nhân Nga bị tiêu diệt.
 
Tiếp đến, những hệ thống NMD (phòng thủ tên lửa) của Mỹ đang thể hiện sự hiệu quả căn cứ vào các lần thử nghiệm gần nhất. Trước hết là các tàu chiến có hệ thống Aegis, Mỹ đang có 93 tàu như vậy và chờ sẵn dưới quỹ đạo bay của tên lửa Nga, mỗi một tàu có hàng trăm tên lửa đánh chặn.
 
Còn các thành tố NMD trên mặt đất, nó được bố trí khắp châu Âu, ngay kề cận biên giới của Nga. Mỹ sẽ không chặn được 100% tên lửa Nga, nhưng sẽ là đa số. Trong khi Nga không có hệ thống NMD như vậy."
 
Tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis của Mỹ
 
Nga dốc vốn cho quốc phòng
 
Dù khẳng định Mỹ hoàn toàn có ưu thế trước Nga về vũ khí hạt nhân chiến lược cũng như phòng thủ hạt nhân, nhưng người Nga cũng đang tìm cách cân bằng lực lượng với Mỹ.
 
Quay trở lại với nhà thiết kế phòng không Pavel Sozinov, ông chỉ ra Nga cũng đang theo đuổi một hệ thống phòng không cảnh báo sớm tương tự như hệ thống THAAD (phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) của Mỹ, cùng với "tấm khiên" tên lửa đạn đạo phòng thủ trung bình đặt trên bộ (GMD).
 
Ông Sozinov cũng cho biết Nga đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong nhiên liệu của tên lửa đánh chặn và vỏ ngoài của những vũ khí này với khả năng chịu nhiệt lên tới 3.500 độ C.
 
Ông Sozinov thừa nhận Nga đang hạn chế trong việc phòng thủ các tên lửa có độ cao cao hoặc trung bình. Tuy nhiên họ đang đổ tiền để khắc phục những điểm yếu này.
 
Tuy nhiên, đó chỉ là về tấm khiên phòng thủ. Nga cũng đang theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa sức mạnh hải quân, tập trung vào nòng cốt là lực lượng tàu ngầm nguyên tử, với khả năng mang tên lửa hạt nhân. Theo quan điểm của Bộ Quốc phòng Nga, những tàu ngầm này sẽ cho phép triển khai tấn công một cách hiệu quả và bất ngờ nhất.
 
Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nga
 
Một thực tế để minh chứng cho nỗi e sợ bị tấn công từ Mỹ trong tương lai gần, Nga đang chi tiền kỷ lục cho chính sách quốc phòng của họ vào năm 2015, với số tiền 3,3 ngàn tỷ rúp (tương đương 62 tỷ USD).
 
Moscow cũng khẳng định năm 2015 là năm bản lề trong kế hoạch tái vũ trang có tổng trị giá 375 tỷ USD mà Tổng thống Putin phê chuẩn. Dường như Nga đang muốn hiện đại hóa quân đội của mình, lấp đầy những lỗ hổng thua thiệt một cách nhanh nhất. Và để làm được điều đó, chỉ có cách chi càng nhiều tiền càng tốt.
 
Tuy nhiên, Nga đang đối mặt với nguy cơ khó khăn kinh tế. Bộ Phát triển kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo GDP trong năm 2015 từ mức tăng trưởng 1,2% giảm xuống mức 0,8%. Theo dự báo mới, thu nhập thực tế của người dân Nga năm tới giảm 2%, lương thực tế giảm 3,9%.
 
Ngoài hạ dự báo các chỉ số tăng trưởng kinh tế, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng giảm mạnh tỷ giá trung bình của đồng rub năm 2015, từ 37,7 xuống 49 rub một USD. Trên thực tế, trong năm 2014 đồng rub bị mất giá 40% gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng mạnh đến chi tiêu của người dân.
 
Moscow đang vướng phải một mâu thuẫn rất lớn, đó là tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi ngân sách đang phải eo hẹp và một nền kinh tế không khỏe mạnh. Mỹ cũng đang trong tình trạng tương tự, và họ đã phải cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng, đầu tư một cách khôn ngoan và có chủ đích hơn.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo