Tin tức - Sự kiện

Sản xuất thép: Lo ngại thiếu nguồn quặng sắt

Ngành thép đang đối mặt với không ít khó khăn bởi nhiều dự án xây dựng chậm và phải dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu, trong khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào luôn tăng cao, nhưng giá bán lại không tăng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tính tới tháng 1/2013, cả nước có 14 lò cao, với tổng công suất 3.829 ngàn tấn gang/năm. Vì nhiều lý do, một số lò chưa đi vào sản xuất. Năm 2012, lượng gang trong nước sản xuất chỉ đạt trên 0,5% triệu tấn, thậm chí đã xảy ra trường hợp có lò ngưng sản xuất vì thiếu quặng.
 
Ông Vũ Bá Ổn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) - cho biết, hiện nay, số quặng sắt đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất thép trong nước đang rất thiếu. Điển hình, VnSteel có 2 đơn vị có lò cao là: Công ty CP gang thép Thái Nguyên, giai đoạn I có sản lượng bình quân 210.000 tấn/năm, nhưng nhu cầu lại cần khoảng 400.000 tấn quặng sắt/năm.
 
Cùng với đó, dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II dự kiến đầu năm 2014 đi vào hoạt động, với công suất 500.000 tấn quặng sắt/năm, nhu cầu nội bộ khoảng 900.000 tấn/năm, do đó, còn thiếu tới gần 50% phải mua ngoài.
 
Chưa kể, Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung (Lào Cai) đang xây dựng nhà máy gang thép ở giai đoạn cuối. Lò cao giai đoạn I có công suất 500.000 tấn quặng sắt/năm, dự kiến cuối năm 2013 đi vào hoạt động, nhu cầu khoảng 900.000 tấn/năm, trong đó chiếm tới 70% (630.000 tấn) là quặng sắt limonite từ mỏ Quý Xa và 30% (270.000 tấn) là quặng sắt magnetite phải thu mua từ các nguồn khác.
 
Được biết, tổng nhu cầu quặng sắt của VnSteel năm 2014 khi các nhà máy trên đi vào hoạt động là 2,2 triệu tấn/năm. Trong đó, nội bộ là 1.380.000 tấn, mua ngoài là 820.000 tấn, nên nhu cầu quặng sắt còn thiếu trầm trọng.
 
Ngoài ra, các đơn vị ngoài hệ thống tổng công ty như Hòa Phát, lò cao số 1 là 350m3 đang hoạt động, lò cao số 2 có dung tích 450m3, dự kiến cuối năm 2013 đi vào hoạt động. Nhu cầu quặng sắt của đơn vị này ước tính khoảng 1,5 triệu tấn/năm, cùng với một số công ty khác đã và đang xây dựng lò cao.
 
Để đảm bảo phục vụ cho các nhà máy sản xuất trong nước, hạn chế tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg và Bộ Công Thương ban hành Thông tư 08-2008/TT-BCT về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
 
Ông Vũ Bá Ổn cho rằng, Chỉ thị 02 của Chính phủ và Thông tư 08 của Bộ Công Thương đưa ra rất đúng. Theo ông Ổn, hiện có 2 nguyên nhân ảnh hưởng tới khả năng sản xuất trong nước: Một là, tình trạng xuất khẩu lậu các nguồn tài nguyên khoáng sản (trong đó có quặng sắt); hai la, một số các doanh nghiệp khai thác quặng sắt vẫn đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu. Vì vậy, các cơ quan nhà nước và địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tình trạng xuất khẩu lậu.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo