Thị trường lúa gạo trong nước vẫn ảm đạm
Theo Bộ NN&PTNT, tháng 9/2015, thị trường lúa gạo trong nước có xu hướng tăng trong 10 ngày đầu tháng do giá phụ phẩm tăng, song đã giảm trở lại trong những ngày gần đây bất chấp thông tin Việt Nam được Phi-lip-pin mời tham gia đấu thầu nhập khẩu gạo.
Khác với những lần trước, ngay khi có thông tin Phi-lip-pin đấu thầu nhập khẩu gạo có sự tham gia của Việt Nam, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã lập tức tăng 100 đ/kg. Tuy nhiên, thông tin lần này không cải thiện được giá lúa gạo tại ĐBSCL.
Bởi lẽ, giá gạo thế giới đang xuống thấp khiến giá gạo của Việt Nam cũng đã giảm khá nhiều, gạo 5% tấm hiện chỉ còn khoảng 330 USD/tấn, trong khi đó lượng gạo trong kho của doanh nghiệp còn nhiều do xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay mới chỉ đạt gần 4 triệu tấn. Nhìn chung, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, ảm đạm.
Theo Hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL trong tháng 9/2015 như sau: tại An Giang, lúa IR50404 tăng nhẹ 50 đ/kg từ 4.300 đ/kg lên 4.350 đ/kg (lúa tươi) vào đầu tháng, sau đó giảm xuống còn 4.150 đ/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa hè thu tăng từ 4.400 đ/kg lên 4.600 đ/kg và hiện giảm còn 4.500 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa đông xuân giống IR50404 tăng từ 4.900 đ/kg lên 5.100 đ/kg, và giảm còn 4.800 đ/kg.
Bộ NN&PTNT đánh giá, nhìn chung trong 9 tháng, thị trường lúa gạo trong nước tương đối trầm lắng. Hoạt động xuất khẩu chậm chạp, lượng tồn kho tại các doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều khiến giá lúa hầu như không biến động.
Đầu tháng 8 và tháng 9, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL có tăng nhẹ do giá cám gạo tăng, song đã giảm trở lại do xuất khẩu gạo trì trệ. Tính từ đầu năm cho đến nay, giá lúa tại An Giang đã giảm khoảng 450 đ/kg, tại Vĩnh Long giảm khoảng 400đ/kg, tại Bạc Liêu giảm khoảng 400 – 600 đ/kg, tại Kiên Giang giảm khoảng 200 – 300 đ/kg.
End of content
Không có tin nào tiếp theo