Phân tích

Giá sữa Việt Nam vẫn “một mình một chợ”: Nghịch lý và bất thường

(DNVN) - "Giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sữa chiếm từ 40 đến 45% nên về mặt nguyên lý, khi giá nguyên liệu giảm thì kéo theo chi phí, giá thành phải giảm nhưng đến nay giá sữa vẫn chưa giảm là một nghịch lý mà chưa có lời giải thích phù hợp", chuyên giá kinh tế Ngô Trí Long nói.

Giá sữa vẫn "án binh bất động" bất chấp giá nguyên liệu giảm sâu

Theo Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương), tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới đã giảm mạnh 12-20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường Châu Úc, với biên độ giảm từ 30-35% so với tháng trước do nguồn cung sữa khu vực này dư thừa.

Tuy nhiên, điều mà dư luận đang hết sức quan tâm là thị trường sữa trong nước hầu như không có sự giảm giá nào, đặc biệt là những sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, vốn là mặt hàng được đưa vào danh mục bình ổn giá của Chính phủ

Giá nguyên liệu giảm sâu nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa chịu giảm giá sữa vẫn chây ì
Giá nguyên liệu giảm sâu nhưng các doanh nghiệp vẫn "nằm im".

Theo ghi nhận của PV, tại một số cửa hàng sữa trên quận Cầu Giấy, giá sữa một tháng nay vẫn không hề giảm. Cụ thể, giá sữa Enfamil A+1 Brain Plus 900gr dành cho trẻ từ 0-6 tháng là 525.700 đồng/hộp, sữa Frisolac Gold 1 có giá 443.000 đồng/hộp 900gr. 

Mặt hàng sữa bột dành cho trẻ lớn hơn như Similac New Born IQ 900gr được bán với giá 540.000 đồng/hộp, loại IQ 2 là 505.000 đồng, sữa Nuti IQ nhập khẩu Thụy Sĩ có giá 330.000 đồng, sữa bột Optimum Gold 2 cũng vẫn giữ 370.900 đồng/hộp 900gr, Dielac Alpha Gold Step 4 là 207.900 đồng/hộp. Khảo sát tại một số địa điểm khác cũng cho thấy giá sữa vẫn “án binh bất động".

Theo ước tính, trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia. Cụ thể 1kg sữa thành phẩm ở Việt Nam có giá 16 USD; trong khi Thái Lan là 14 USD/kg; Philippines là 12,9 USD/kg còn Malaysia là 10,9 USD/kg…

Tuy nhiên, mặc dù giá cao nếu so sánh với mức giá tối đa của Bộ Tài chính đề ra, giá bán buôn, bán lẻ tại các đại lý và siêu thị chưa vượt quá mức áp trần của cơ quan quản lý. Vì thế, đây có thể là lý do để các doanh nghiệp vin vào và không chịu giảm giá sữa dù giá nguyên liệu đầu vào có giảm sâu. Ngoài ra, có một điều rất nghịch lý đó là dù sữa nguyên liệu giảm, nhưng sữa nhập khẩu thành phẩm (nguyên hộp) khi kê khai giá nhập khẩu tại Hải quan vẫn không hề giảm, mà giữ ổn định hàng năm nay.

Chính việc thị trường sữa trong nước vẫn “án binh bất động” bất chấp giá nguyên liệu sữa trên thế giới đã mạnh từ mấy tháng trở lại đây đang gây nhiều sự chú ý của dư luận. 

 

Nghịch lý và bất thường

 Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, việc giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm trong khi giá sữa trong nước vẫn không có sự điều chỉnh đang là nghịch lý gây sự không đồng tình với người tiêu dùng.

PGS. TS Ngô Trí Long trả lời PV.
PGS. TS Ngô Trí Long trả lời PV.

Trả lời PV, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, theo số liệu biết được trên các trang mạng, hiện nay giá sữa thế giới có xu hướng giảm rất mạnh, từ đầu năm đến nay thì giá sữa thế giới giảm xuống còn 1 nửa. Trong mấy tháng gần đây giá sữa liên tục giảm, đặc biệt là thị trường Úc giảm nhiều nhất, còn bình thường tại các thị trường khác giảm từ 6-22%.

Theo ông Long, nghịch lý gây sự không đồng tình đối với người tiêu dùng là tại sao đối với giá nguyên liệu đầu vào giảm nhưng giá giữa trong nước vẫn không giảm có nhiều cách lý giải.

 

"Giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sữa chiếm từ 40 đến 45% nên về mặt nguyên lý, khi giá nguyên liệu giảm thì kéo theo chi phí, giá thành phải hạ nhưng đến nay giá sữa vẫn chưa giảm là một nghịch lý mà chưa có lời giải thích phù hợp", ông Long nói.

Trên quan điểm cá nhân, ông Long cũng đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính khi cho rằng, nguyên nhân giá sữa trong nước vẫn "nằm im" là do giá nguyên liệu nhập không thay đổi, hay do tiền lương tăng, tỷ giá, các yếu tố khác tăng nên việc giá sữa không tăng.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc giá sữa vẫn không giảm còn do cơ chế quản lý giá sữa đối với trẻ em dưới 6 tuổi hiện nay mà cụ thể là nguyên tắc áp dụng giá trần của cơ quan quản lý giá. "Đây thực chất là cái neo, mà trong bối cảnh hiện nay cái neo đó chưa thay đổi thì chắc chắn doanh nghiệp kinh doanh sữa không giảm giá bán", vẫn lời ông Long.

Cũng theo vị chuyên gia này, mặt hàng sữa nằm trong danh sách các mặt hàng bình ổn giá nên để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan quản lý giá cần phải thanh tra, kiểm tra giá sữa, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa thuyết minh các chi phí trong cơ cấu giá nếu doanh nghiệp không đáp ứng thì có chế tài xử phạt.

Tuy nhiên, muốn có chế tài xử phạt thì cơ quan quản lý cần phải thanh tra, kiểm tra, có nguồn thông tin tin cậy, chứng minh được việc đó hoàn toàn vi phạm thì mới có khả năng xử lý. “Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan chức năng không có đầy đủ thông tin, đồng thời với neo giá trần thì đây là điều kiện để các hãng sữa không bình ổn. Cho nên thực trạng sữa hiện nay mặc dù trong diện bình ổn giá nhưng thực tế giá luôn luôn bất ổn định, bất bình ổn", ông Long thẳng thắn chia sẻ.

 

Trước ý kiến cho rằng giá sữa trong nước chưa giảm do có độ trễ, T.S Ngô Trí Long cho rằng, muốn biết được giá sữa chưa giảm có có phải do độ trễ hay không phải có số liệu cụ thể chứ không thể vin vào lý do độ trễ, hay các điều kiện này, điều kiện khác. "Cơ quan chức năng phải có năng lực thực sự, có đầy đủ thông tin dữ liệu và có kiểm tra một cách chính xác để có được chứng cứ thuyết phục áp dụng chế tài xử phạt", ông Long nhắc lại.

Cũng theo ông Long, trong bối cảnh tình hình hiện nay mà cho rằng nguyên nhân do độ trễ chỉ là ý kiến chủ quan, không phải khách quan. "Muốn xem xét thật hay không thì bản thân cơ quan chức năng phải có đầy đủ thông tin chuẩn xác, có chứng cứ, đồng thời trên cơ sở đưa ra quy định cho các doanh nghiệp sữa. Lúc đó các doanh nghiệp mới tâm phục, khẩu phục", vị này nói.

Lương, giá điện tăng... cản đường giá sữa giảm

Vài ngày trước, lý giải về việc này, Bộ Tài chính cho biết, giá bán thành phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong nước hiện nay được cung cấp từ hai nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập khẩu thành phẩm. Giá sữa sản xuất trong nước chịu tác động của giá nguyên liệu sữa thế giới, các chi phí đầu vào của sản xuất trong nước (chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, bán hàng, nhân công...); giá sữa nhập khẩu thành phẩm chịu tác động của giá nhập khẩu thành phẩm và các chi phí phân phối sản phẩm.  Ở cả hai nhóm này, chưa có những yếu tố kéo giá bán giảm xuống.

Cụ thể, Bộ Tài chính phân tích, về nguồn nguyên liệu, qua theo dõi, cập nhật thông tin giá (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, báo cáo của Bộ Công Thương), giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, châu Úc cho thấy, giá loại nguyên liệu này tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm, từ tháng 4 đến nay giá loại nguyên liệu tại hai thị trường này có xu hướng giảm khoảng 20%.

 

Tuy nhiên mức giá nguyên liệu giảm nêu trên là mức giá chào bán, trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của các công ty, doanh nghiệp từ tháng 6/2014 đến nay ổn định.

Bộ Tài chính cũng cho biết, nguyên liệu sữa nhập khẩu về Việt Nam của các công ty trong nước gồm rất nhiều loại (Bột Whey, Bột váng sữa, đường lactose, sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem…) được nhập từ trên 25 quốc gia. Các nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam qua số liệu của cơ quan hải quan và thông tin của doanh nghiệp cho thấy nguyên liệu nhập khẩu không chỉ để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các công ty sản xuất các mặt hàng khác của công ty như bánh kẹo, nước hoa quả, sữa cho đối tượng khác như phụ nữ mang bầu, người già… Đối với giá nguyên liệu nhập khẩu dùng trong việc sản xuất sữa, có loại giảm, có loại tăng, xu hướng không rõ ràng.

Bên cạnh đó, trong có cấu giá thành sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, các loại nguyên liệu sữa (chiếm khoảng 40-45% giá bán, trong đó loại sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem trong tùy loại sản phẩm sữa chiếm khoảng 20-25% giá bán).

Ngoài ra, theo cơ quan quản lý giá, giá sữa chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác đã tăng lên như lương tối thiểu đã tăng 14%, tỷ giá tăng 4%, giá điện đã tăng 7,5% và chi phí quảng cáo, khuyến mại tăng do quy định khống chế ở mức 15% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp trước đây đã bị dỡ bỏ cũng khiến giá sữa bị "đội lên".

Cũng theo Bộ Tài chính, các sản phẩm sản xuất trong nước từ nguyên liệu nhập khẩu thời gian vừa qua có thời điểm giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, có thời điểm giảm; giá nhập khẩu sữa thành phẩm để phân phối ổn định từ tháng 6/2014 đến nay và các yếu tố tác động tăng như đã nêu dẫn đến việc giảm giá nguyên liệu thế giới tác động đến giá sữa thành phẩm trong nước là chưa đáng kể. 

 

Mặt khác, trong quá trình thực hiện bình ổn giá, cũng có thời điểm thị  trường hình thành các chi phí đẩy dẫn đến các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá, song cơ quan quản lý giá đã đề nghị doanh nghiệp phải điều tiết chi phí, giữ bình ổn giá. Nhờ vậy, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có được một mặt bằng giá ổn định trong suốt 15 tháng qua, và dự kiến sẽ còn ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo