Tin tức - Sự kiện

Tiểu đường:Căn bệnh của thế kỷ 21

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một rối loạn chuyển hóa do nhiều nguyên nhân, đặc trưng bởi tăng đường máu mãn tính với các rối loạn về chuyển hóa chất đường, đạm, mỡ, do thiếu hụt bài tiết insulin, do hoạt động của insulin hoặc cả hai. Bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn thế giới.

GiadinhNet -Năm 2000, thế giới có 171 triệu người bệnh; năm 2006, tăng lên 246 triệu người và dự kiến năm 2025, có 380-399 triệu người bị bệnh ĐTĐ. Tổ chức Y tế thế giới nhận định: "Thế kỷ 21 là thế kỷ của các bệnh nội tiết và các rối loạn chuyển hóa, điển hình là bệnh ĐTĐ".
 
Béo phì, lười vận động


Theo bác sĩ Phạm Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ, cả thế giới mỗi năm phải chi từ 232 tỉ đến 430 tỉ USD cho việc điều trị và phòng chống bệnh ĐTĐ. Bệnh ĐTĐ làm giảm tuổi thọ của con người từ 5 - 10 năm.

Tử vong do bệnh ĐTĐ đứng hàng thứ 4 trong tất cả nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 2 trong số các bệnh không lây (tương đương với số người chết vì bệnh HIV/AIDS). Ở Việt Nam, hiện có khoảng 4,8 triệu người mắc ĐTĐ. Trong đó, ĐTĐ tuýp 2 chiếm trên 90%, đặc biệt ĐTĐ ở người trẻ gia tăng, do béo phì, lười vận động. Việt Nam không nằm trong số 10 nước có bệnh ĐTĐ cao nhất nhưng có tỷ lệ gia tăng bệnh ĐTĐ nhanh nhất thế giới. Trong đó, 65% người bệnh không biết mình mắc bệnh. Đến nay, bệnh này chưa có khả năng chữa khỏi và nhiều biến chứng nặng nề. Nhưng nếu được điều trị đúng, tư vấn tốt, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh hoàn toàn.

Các dấu hiệu cảnh báo người mắc bệnh ĐTĐ: Tiểu nhiều, sụt cân nhanh, mệt nhọc, khát nước nhiều. Theo các bác sĩ, chỉ có xét nghiệm máu mới biết có mắc ĐTĐ hay không.

Bệnh ĐTĐ có 2 loại. ĐTĐ tuýp 1: Người trẻ dưới 35 tuổi, phụ thuộc insulin. ĐTĐ tuýp 2: Người trên 35 tuổi, tác dụng tốt với thuốc sulfamid.
 
Cẩn trọng chế độ dinh dưỡng

Theo bác sĩ Phạm Văn Chính, bệnh ĐTĐ phải điều trị trên 3 phương diện: Dinh dưỡng, vận động và dùng thuốc. Trong đó, về dinh dưỡng, bệnh nhân cần tuân thủ các nguyên tắc ăn uống: Ăn đúng giờ 2 bữa chính, các bữa còn lại ăn rau và ngũ cốc. Loại bỏ thức ăn có nhiều mỡ. Không được bỏ bữa, ngay cả khi không muốn ăn. Tạo cảm giác ngon miệng khi ăn; ăn chậm, nhai kỹ. Không ăn nhiều, luôn nhắc nhở mình đang ăn kiêng. Hạn chế món chiên xào, tăng cường các món luộc, nấu chín. Giữ ổn định mức ăn, không tăng lên. Tôn trọng nguyên tắc chế độ ăn: Thức ăn đa dạng đủ thành phần, ăn đủ để có trọng lượng vừa phải, hạn chế chất béo, nhất là mỡ động vật. Cần ăn một lượng chất xơ vừa phải, hạn chế ăn mặn, tránh thức uống có cồn, nên ăn bữa phụ trước khi ngủ. Về vận động, bệnh nhân ĐTĐ vận động thể lực thường xuyên, tránh lối sống tĩnh tại, nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh ĐTĐ thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, bệnh thường được chẩn đoán muộn sau 7-10 năm. Các biến chứng hay gặp là cườm nước, cườm đá, bệnh mạch vành, suy thận, cao huyết áp, liệt dương, viêm khớp… Biến chứng là không thể tránh khỏi nhưng có thể làm giảm nhẹ. Vì thế, quan trọng nhất là phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn tiền ĐTĐ.

Hội ĐTĐ Việt Nam khuyến cáo chẩn đoán sớm ĐTĐ: Người dưới 45 tuổi: Nên kiểm tra thường xuyên khi: Béo phì (BMI trên 25); có bố, mẹ, anh chị em ruột bị ĐTĐ; phụ nữ đẻ con trên 3,5kg; ĐTĐ lúc mang thai nghén; bị tăng huyết áp cao hơn 140/90 mmHg; có rối loạn mỡ máu.
 
Bệnh nhân ĐTĐ đang tăng nhưng hoàn toàn có thể dự phòng được. Những người có nguy cơ mắc bệnh, nếu có chế độ ăn và luyện tập hợp lý, có thể làm giảm 60% nguy cơ. Cụ thể, người dưới 40 tuổi, khám sức khỏe, thử đường máu 1 lần/năm; người trên 40 tuổi, khám sức khỏe, thử đường máu 2 lần/năm. Ngoài ra, cần kiểm soát cân nặng, chống béo phì, không ăn quá lượng thực phẩm cần thiết, tăng cường vận động từ 30-60 phút mỗi ngày.

 

Mai Hương
 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo