Tin tức - Sự kiện

Cà phê đặc sản Lâm Đồng bị bọ xít muỗi tấn công

DNVN – Nguyên nhân là do trời âm u, có mưa rải rác, một số diện tích cà phê sau thu hoạch bắt đầu ra chồi non, nên bọ xít muỗi sinh sôi phát triển mạnh.

Lâm Đồng: Ủi đất, "đụng" trúng kho đạn cối / Lâm Đồng: Chém người kinh hoàng trong quán cà phê, 6 người bị thương

Ngày 23/2, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết, từ đầu năm đến nay, có khoảng 1.600ha cà phê đặc sản Arabica bị bọ xít muỗi tấn công; trong đó, có 418ha bị nhiễm nặng, tỷ lệ thiệt hại 20 - 45% và tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Lạc Dương.

Bọ xít muỗi (Ảnh: TL)

Bọ xít muỗi (Ảnh: TL)

Theo ngành chức năng, nguyên nhân do thời tiết có mưa rải rác, trời âm u, một số diện tích cà phê sau thu hoạch bắt đầu ra chồi non, nên bọ xít muỗi sinh sôi phát triển rất mạnh. Trong khi đó, người nông dân đang tập trung thu hoạch cà phê nên chưa chủ động phòng trừ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân chủ động trong phòng tránh, sử dụng các biện pháp diệt trừ sâu bệnh phù hợp, hiệu quả, thân thiện với môi trường, để tránh lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại.

Được biết, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 175.000ha trồng cà phê; trong đó, có khoảng 13.000ha trồng cà phê đặc sản Arabica (còn gọi là cà phê chè), tập trung ở TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương.

Trong đó, “Cà phê Arabica Langbiang” (Lạc Dương) và “Cà phê Arabica Cầu Đất” (Đà Lạt) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu độc quyền trong các năm 2015 và 2017.

 

Bọ xít muỗi có thân hình thon dài, râu dài quá thân mình, có một chùy nhỏ đặc trưng trên lưng và giữa các loài có màu sắc khác nhau.

Bọ xít muỗi gây hại bằng cách dùng kim chích vào mô thực vật non như lá, hoa, bông, trái non để hút dịch, do trong dịch nước bọt có chất độc, khiến vết chích có đốm đen, lá biến dạng, cong queo, bông khô, rụng, trái vết chích gây các vết sẹo, lõm làm trái giảm giá trị thương phẩm...

Ngoài việc gây hại trực tiếp, vết chích còn tạo điều kiện để nấm bệnh xâm nhập nên thiệt hại càng nặng và gây nhầm lẫn khi nhận diện và phòng trị.


VIÊN HỮU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm