Tin tức - Sự kiện

Các tỉnh miền Tây đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, điều trị F0 tại nhà

DNVN - Những ngày qua, số F0 tăng đột biến và xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới, các tỉnh, thành Tây Nam bộ đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 và điều trị F0 tại nhà.

Một số tỉnh miền Tây nới lỏng giãn cách xã hội / Thêm một số tỉnh miền Tây nới lỏng giãn cách xã hội

Sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội, người dân đi lại nhiều đã làm phát sinh các ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát. Một số nguồn lây nhiễm từ người đi khám bệnh và điều trị nội trú tại vùng có dịch về lây nhiễm cho người cùng nhà.

Tài xế đi đến vùng có dịch, bị lây nhiễm hoặc các công ty có lượng công nhân lớn hoạt động không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch gây phát sinh ổ dịch lớn và phức tạp...

Nhiều F0 là người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine

Sáng 22/11, tỉnh Trà Vinh ghi nhận thêm 99 ca nhiễm COVID-19, trong đó 64 ca được phát hiện trong cộng đồng. Theo CDC Trà Vinh, trong 99 ca nhiễm mới có 21 ca nhiễm là người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và 20 ca là người đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19.

Còn tại Đồng Tháp, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 400- 500 ca F0 mới. Trong 24h qua, địa phương này ghi nhận 508 ca nhiễm mới. Có 178 ca cộng đồng tập trung tại huyện Châu Thành, Lấp Vò và Lai Vung. Trong số các ca nhiễm mới, 45 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và 17 người đã tiêm mũi 1.​

Các tỉnh miền Tây đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine.

​Các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Tại Tiền Giang, những ngày qua địa phương này ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới, nhiều ca cộng đồng xuất hiện trong các doanh nghiệp hoặc F1 đang cách ly trở thành F0. Các ca nhiễm mới, các chùm lây nhiễm, xuất hiện ở tất cả 11 huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Y tế, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát. Các chuỗi ca bệnh cơ bản đã được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa và xử lý.

Sở Y tế tỉnh Tiền Giang nhận định các công ty ngoài cụm khu công nghiệp hoạt động trở lại, công nhân đi về hàng ngày, bị nhiễm từ nơi cư trú và lây lan cho các công nhân khác trong công ty, thành các ổ dịch lớn. Công nhân đi làm tại các công ty ở Long An (đi về trong ngày bằng xe đưa rước) bị lây nhiễm và gây ra nhiều ổ dịch lớn ở Tiền Giang.

Phân loại điều trị F0 tại nhà

Ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết địa phương đã triển khai thực hiện việc điều trị F0 tại nhà khoảng một tuần nay. "Ngày mai, tỉnh tiếp nhận thêm 220.000 liều vaccine và đẩy nhanh tốc độ trong tháng 11 đạt 100% người trên 18 tuổi, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19”, ông Kha nói.

Theo CDC Trà Vinh, tỉnh đã tiêm hơn 1 triệu liều vaccine cho người từ đủ 18 tuổi trở lên. Trong đó 623.890 liều mũi 1 (đạt 84,9%) và 384.158 liều mũi 2 (đạt 52,3%). Tỉnh Trà Vinh đã tiêm vaccine cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12, với 42.164 liều tiêm mũi 1 (đạt 97,6%).

Tỉnh Tiền Giang đã và đang duy trì 172 Trạm Y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Tổng số F0 đang điều trị tại nhà hoặc theo dõi tại nơi lưu trú đến ngày 21/11 là 3.939 ca, nhiều nhất là huyện Cái Bè (886 ca), huyện Châu Thành (550 ca) và Cai Lậy (536 ca)…

Tiền Giang cũng đang điều trị tại cơ sở y tế cho 1.499 người. Theo phân tích, trong tổng số 5.441 F0 ở Tiền Giang, có 5.236 (chiếm tỷ lệ 96,23%) bệnh nhân nhẹ và vừa. Các cơ sở điều trị COVID-19 tầng 1 tại Tiền Giang hoạt động với 40,9% công suất, còn 1.741 giường bệnh để thu dung điều trị các trường hợp F0 không triệu chứng.

Tỉnh Tiền Giang đã tiêm gần 2,3 triệu liều vaccine, trong đó hơn 1,3 triệu liều mũi 1 và 948.279 liều mũi 2. Số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 đạt 99,2% và tiêm đủ 2 mũi đạt 75,3%. Tỉnh Tiền Giang đang tập trung tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

​ Học sinh được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

​ Học sinh được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đồng Tháp đang điều trị cho 4.864 ca F0, trong đó 4.619 ca không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong số các F0, có 269 ca điều trị tại nhà, 1.890 ca tại cơ sở thu dung, điều trị, cách ly tuyến huyện và 2.184 ca tại cơ sở điều trị. Ngành Y tế đang phân loại, chuyển vào cơ sở điều trị 494 ca.

Đồng Tháp đã tiêm hơn 1,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 1,1 triệu liều mũi 1 (đạt 90,72% dân số) và 746.901 liều mũi 2 (đạt 60,96% dân số). Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai chương trình thí điểm điều trị thuốc Molnupiravir giai đoạn đầu, kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 ngày thứ 5 đạt trên 68%, tỷ lệ âm tính ngày thứ 14 đạt trên 91%.

TP Cần Thơ đang cách ly điều trị cho 3.174 ca F0 và quản lý, cách ly điều trị tại nhà cho 3.532 ca F0. Ngành Y tế đã tiêm hơn 1,6 triệu liều, trong đó mũi 1 là 914.216 liều và mũi 2 là 718.052 liều.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm