Tin tức - Sự kiện

Cục Đăng kiểm Việt Nam vô cảm với tính mạng tài xế taxi?

DNVN-Sau vụ tài xế hãng taxi Linh Anh tử vong do bị hành khách cứa cổ và đây không phải là trường hợp duy nhất tài xế taxi bị hành khách tấn công, đe dọa tính mạng, dư luận cũng như nhiều tài xế taxi đặt câu hỏi, vì sao lại không lắp khung bảo vệ tài xế như nhiều nước đã làm. Trong khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam lại dứt khoát: Không khuyến khích.

Nghỉ 8 ngày giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5: Công chức nghỉ gần 1/3 thời gian làm việc trong năm / Người dân Quảng Bình giao nộp cá thể khỉ mặt đỏ quý hiếm

Trên mạng xã hội cũng như truyền thông đăng tải hình ảnh một chiếc xe taxi ở Hà Nội, tài xế đã lắp khoang bảo vệ, ngăn cách tài xế với hành khách. Việc làm này được dư luận ủng hộ, vì thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tài xế bị hành khách tấn công, cướp của, tính mạng tài xế bị đe dọa, có tài xế đã tử vong.

Ảnh: AutoPro.

Ảnh: AutoPro.

Tuy nhiên, dư luận bàng hoàng khi hay tin Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bày tỏ quan điểm không khuyến khích với việc tài xế taxi lắp khoang bảo vệ.

Xin đừng so sánh với Mỹ

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, một số nước trên Thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… trước đây đã có quy định xe taxi phải lắp đặt vách ngăn giữa người lái và hành khách để bảo vệ người lái.

Tuy nhiên hiện nay, do sự phát triển về công nghệ, cùng với tình hình an ninh, trật tự tại các quốc gia được tốt lên nên các quy định này tại Mỹ đã được bãi bỏ và thay thế bằng hệ thống camera lắp đặt trong xe. Hệ thống này có thể truyền hình ảnh trực tiếp về máy chủ, hoặc ghi vào thẻ nhớ có đầu ghi được dấu bí mật.

Còn tại Trung Quốc, Hàn Quốc,... việc lắp đặt này còn được áp dụng tại một số vùng cụ thể, theo nhu cầu của lái xe chứ không mang tính đồng bộ, bắt buộc.

 

Tại Việt Nam, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Đăng Kiểm Việt Nam ủng hộ việc có các biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hơn nữa an ninh, an toàn cho lái xe và hành khách đi trên xe taxi.

Xe ô tô ngay từ khi thiết kế đã được nhà sản xuất tính toán đảm bảo tối ưu tính tiện nghi và an toàn cho người lái, hành khách trên xe, phù hợp với mục đích và nhu cầu sử dụng.

Việc lắp thêm vách ngăn sẽ dẫn tới thay đổi kết cấu, bố trí trong khoang lái của xe. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận hành, quan sát của lái xe và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho lái xe và hành khách ngồi trên xe. Hoặc ảnh hưởng tới khả năng thoát hiểm trong những tình huống khẩn cấp như tai nạn, cháy nổ, ngập nước….

Tùy theo các tình huống cụ thể khi tham gia giao thông, có thể chính các kết cấu của vách ngăn lắp thêm trên xe là tác nhân gây nguy hiểm cho lái xe và hành khách ngồi trên xe.

Vì vậy, việc lắp đặt vách ngăn cần đảm bảo gây ảnh hưởng thấp nhất đối với khả năng vận hành của xe, an toàn của lái xe và hành khách ngồi trên xe khi xảy ra tai nạn và thoát hiểm khẩn cấp. Cùng đó, đảm bảo các quy định hiện hành về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

 

Cần thì sửa thông tư

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, việc lắp đặt thêm vách ngăn nói riêng, cải tạo xe cơ giới nói chung đã được quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chủ xe, lái xe có thể chủ động thực hiện bất cứ khi nào.

Nhưng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lái xe và chủ xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đơn giản hóa thủ tục quy định về cải tạo, lắp đặt vách ngăn.

Việc lắp đặt thêm vách ngăn chỉ là một phương án bị động cho việc bảo vệ bản thân lái xe khi xảy ra những tình huống xấu. Tuy nhiên vách ngăn này cũng có thể ảnh hưởng nhiều tới tính năng kỹ thuật, khả năng vận hành, thoát hiểm của xe và lái xe như đã nêu ở trên. Do đó, không khuyến khích các lái xe lắp thêm vách ngăn.

Trong quá trình vận chuyển hành khách, để đảm bảo an toàn khuyến cáo các lái xe: trước khi có ý định lắp đặt thêm khoang chắn bảo vệ chủ phương tiện có thể liên hệ trực tiếp đến các Trung tâm đăng kiểm để được hướng dẫn cụ thể.

 

Đồng thời, nâng cao cảnh giác trong quá trình vận khách, không vận chuyển những hành khách có biểu hiện bất thường, vận chuyển khách đến các địa điểm vắng, nhất là trong những khoảng thời gian muộn về đêm. Ngoài ra, nên chủ động phòng ngừa, lựa chọn hành khách trong quá trình vận chuyển để giảm thiểu các nguy cơ gây mất an toàn cho bản thân.

Trả lời của Cục Đăng kiểm VN làm dậy sóng dư luận khi cho rằng, xe ô tô ngay từ khi thiết kế đã được nhà sản xuất tính toán đảm bảo tối ưu tính tiện nghi và an toàn cho người lái, hành khách trên xe, phù hợp với mục đích và nhu cầu sử dụng.

Xin được hỏi Cục Đăng kiểm, với thiết kế ô tô hiện nay thì việc đảm bảo an toàn cho cả hành khách và lái xe? Vậy tại sao tài xế taxi vẫn bị "cứa cổ" và tấn công từ đằng sau?

Với những lý lẽ của Cục Đăng kiểm, dư luận cho rằng, có lẽ cán bộ Cục Đăng kiểm chưa từng ngồi trên xe bao giờ mới có những phát biểu mang tính lý thuyết và thiếu thực tế: "Vách ngăn này cũng có thể ảnh hưởng nhiều tới tính năng kỹ thuật, khả năng vận hành, thoát hiểm của xe và lái xe..."

Xin Cục Đăng kiểm Việt Nam đừng thờ ơ với tính mạng tài xế taxi như vậy.

 

Với chức năng của mình, lẽ ra Cục Đăng kiểm Việt Nam phải kiến nghị Bộ GTVT đưa vào quy định bắt buộc các hãng taxi phải lắp khoang bảo vệ, đảm bảo an toàn cho tài xế và cả hành khách.

Nếu có thêm lái xe taxi bị thiệt mạng vì không có khoang bảo vệ, lúc đó Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhận trách nhiệm thuộc về mình?

Huyền Lê
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm