Tin tức - Sự kiện

Giáo sư Đại học Harvard hiến kế phát triển kinh tế Việt Nam

Ông David Dapice - Giáo sư Kinh tế của Đại học Harvard cho rằng, Việt Nam cần tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, thử nghiệm việc cho phép địa sử dụng thuế bất động sản.

Thị trường phân bón hạ nhiệt: Xu hướng có kéo dài? / Thủ tướng: Tháo gỡ các điểm nghẽn về nhân lực và hạ tầng, đưa ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và đột phá

Trong chuyến ghé thăm Đại học Harvard gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự toạ đàm chính sách với các giáo sư trường này về định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21. Thủ tướng cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam không ngừng mở rộng thời gian qua, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và có mạng lưới 15 Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.

Còn về phía các giáo sư Harvard, họ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua và đồng thời hiến kế giúp kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa.

Phóng viên VTV đã liên hệ trực tiếp với ông David Dapice - Giáo sư Kinh tế của Đại học Harvard - người đã nghiên cứu về kinh tế Việt Nam trong 28 năm qua, để trao đổi sâu hơn về những gợi ý này.

Giáo sư Kinh tế David Dapice. Ảnh: VNF

Chào ông, xin ông cho biết đâu là những khía cạnh kinh tế quan trọng mà Việt Nam nên tập trung phát triển trong thời gian tới?

Ông David Dapice: Đầu tiên tôi phải nói là nhờ thu hút tốt nguồn vốn ngoại FDI mà những năm qua, hàng triệu người lao động nông nghiệp đã vào nhà máy. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất, Việt Nam cần tăng sức cạnh tranh để vừa giữ chân vừa tiếp tục thu hút các doanh nghiệp FDI bằng cách tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Đừng chỉ tham gia công đoạn lắp ráp nữa, hãy tiến sâu hơn để có thể cung cấp nguyên liệu, linh kiện cho sản xuất trong nước và phục vụ cả xuất khẩu. Đừng quá quan ngại về việc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc giá rẻ vì thương mại toàn cầu bây giờ chuộng sự ổn định và khả năng khôi phục tốt sau biến cố, không chỉ về giá cả.

Việt Nam tiềm năng trong việc định vị mình là một nơi như vậy. Ví dụ như tôi biết Toyota đã hợp tác với các công ty của Việt Nam để mua những linh kiện cho sản xuất ô tô của họ và gần đây nhất còn có sự chuyển dịch dây chuyền sản xuất Ipad của Apple sang Việt Nam.

Vâng đó là về phía các doanh nghiệp, vậy còn nền kinh tế ở góc độ vĩ mô thì Việt Nam nên lưu ý điều gì thưa ông?

 

Ông David Dapice: Đầu tiên tôi đánh giá việc tham gia những hiệp định thương mại quốc tế là thành công rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức.

Hiện nay 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ. Đối với Trung Quốc, Việt Nam cần giảm phục thuộc nguyên liệu từ đất nước này, để khi đại dịch xảy ra hay biên giới đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Còn đối với Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm nay có thể lên 100 tỷ USD. Thực tế là chính sách tiền tệ của Mỹ hiện nay duy trì một đồng bạc xanh mạnh, điều này có thể tác động đến việc xuất khẩu của các nền kinh tế đang phát triển có mối quan hệ thương mại với Mỹ như Việt Nam.

Vậy còn ở cấp độ địa phương, ông có những khuyến nghị gì không?

Ông David Dapice: Đặc thù của Việt Nam là có nhiều tỉnh ở khu vực xa không có cơ sở hạ tầng thuận lợi, khó để họ tiếp cận và thu hút FDI. Do đó, Chính phủ có thể thử nghiệm cho phép địa sử dụng thuế bất động sản để đầu tư cơ sở hạ tầng mà không dùng ngân sách quốc gia.

 

Các địa phương cũng cần lưu ý minh bạch trong các thông tin về ưu đãi thuế bất động sản nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI.

Xin cảm ơn ông!

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm