Tin tức - Sự kiện

Hải quan tiếp tục đơn giản, tự động hóa quy trình nghiệp vụ

Trong bối cảnh kinh tế, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, năm 2024, ngành Hải quan tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế.

Làng nghề bánh tráng 'chạy' đơn hàng Tết / Đa dạng hải sản khô phục vụ Tết Giáp Thìn


Năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) là 375.000 tỷ đồng. Dự toán 2024 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; giá dầu thô 70$/thùng.

Cơ cấu dự toán thu ngân sách giao cho Tổng cục Hải quan năm 2024 gồm: Thuế xuất khẩu 8.200 tỷ đồng; thuế nhập khẩu 47.500 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt 38.000 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường 1.200 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng 279.400 tỷ đồng, thu khác 700 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Thọ:Hải quan nỗ lực đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Thọ, ngay từ đầu năm 2024, ngành Hải quan đã ban hành kế hoạch, chỉ thị về thu ngân sách để phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu được giao năm 2024 với phương châm tạo thuận lợi thương mại tối đa, tạo thuận lợi thương mại là cốt lõi; triển khai các dự án công nghệ thông tin về chuyển đổi số hải quan.

Năm 2024, ngành Hải quan tiếp tục tạo thuận lợi thương mại; thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu 24/7, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Đồng thời, ngành Hải quan đã làm tốt vai trò cơ quan thường trực Một cửa quốc gia; cải cách hành chính, cải cách quản lý hàng nhập khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm tra...

“Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế. Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về Hải quan trong tình hình mới, thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, kết nối với các đối tác thương mại của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Trong năm nay, ngành Hải quan tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô mình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm.

 

Năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu nộp NSNN của ngành Hải quan.Theo bà Lê Như Quỳnh - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, trong khi đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine, xung đột Hamas - Israel tiếp tục căng thăng, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chỉ tiêu mua sắm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục biến động.

Từ những yếu tố trên, dẫn đến tổng trị giá xuất nhập khẩu trong năm giảm 8,2%, tương ứng giảm 55,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước giảm hơn 20 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… đạt trị giá 64,3 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế, giảm 16,7%, làm giảm thu ngân sách khoảng 32.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

 

Nhóm xăng dầu nhập khẩu tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 1,4% về trị giá, làm giảm thu khoảng 2.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tác động ưu đãi về thuế suất nhập khẩu xăng từ thị trường ASEAN là 5%, dầu DO và dầu FO là 0%, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ ASEAN thay vì nhập khẩu từ Hàn Quốc với mức thuế suất xăng là 8%.

Nhóm dầu thô nhập khẩu đạt 9,8 triệu tấn, trị giá 6,3 tỷ USD, tăng 7% về lượng nhưng giảm 12% về trị giá do giá dầu thô giảm 19,4% so với năm 2022, làm giảm thu 2.300 tỷ đồng. Nhóm ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 110.771 chiếc, trị giá 2,6 tỷ USD, giảm 26,8% về lượng và giảm 22,8% về trị giá, làm giảm thu khoảng 4.700 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Những năm qua, cải cách hành chính đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan Hải quan. Trong đó, việc nỗ lực đơn giản, tự động hóa quy trình nghiệp vụ hải quan đã và đang thu được những thành tựu đáng chú ý, khi số lượng tờ khai xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 22% nhưng nguồn nhân lực của cơ quan Hải quan mỗi năm lại giảm từ 1,5 - 1,7%. Mặc dù vậy, các thủ tục hải quan của doanh nghiệp vẫn được tiến hành thuận lợi, liên tục và nhanh chóng nhờ ứng dụng các công nghệ số.

Đặc biệt, ngành Hải quan đã áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra, giám sát hàng hóa như sử dụng máy soi container, giám sát trực tuyến, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát tự động đối với hàng hóa XNK vận chuyển bằng container…

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không chỉ dừng lại bằng việc cải cách các thủ tục hành chính, cơ quan Hải quan còn chủ động trao đổi, nắm bắt tâm tư của doanh nghiệp, từ đó báo cáo Bộ Tài chính và trao đổi với các cơ quan liên quan nhằm giải quyết, tháo gỡ nhanh vướng mắc cho doanh nghiệp.

 

“Với những giải pháp, hành động thiết thực, cụ thể mà cơ quan Hải quan đã và đang triển khai thực hiện để lại ấn tượng tốt đẹp và được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao”, ông Phạm Tấn Công cho biết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm