Tin tức - Sự kiện

Miền Tây: Số ca mắc COVID-19 trong trường học tăng nhanh

DNVN - Số ca mắc COVID-19 trong trường học tăng nhanh, nhất là từ khi trường học tổ chức dạy và học trực tiếp trở lại. Ngành chức năng ở các tỉnh miền Tây đang tập trung theo dõi, tổ chức triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong trường học.

Lên “nóc nhà” miền Tây nghe chuyện ly kỳ về chúa sơn lâm / “Hổ thân thiện” thu hút khách du lịch tại miền Tây

Thông tin từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Cà Mau, trong ngày 7/3, tỉnh này ghi nhận 2.534 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 trường hợp về từ ngoài tỉnh và 2.528 ca ghi nhận trong tỉnh. Đáng chú ý là trong số hơn 2.500 mắc mới trong ngày có đến 712 học sinh và giáo viên.

H1: Lớp mầm non ở tỉnh miền Tây được tổ chức học trực tiếp.

Lớp mầm non ở tỉnh miền Tây được tổ chức học trực tiếp.

Còn tại tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Định - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre (CDC Bến Tre) cho biết: “Trong ngày 7/3, toàn tỉnh ghi nhận 504 ca mắc COVID-19, trong đó, liên quan đến cơ sở giáo dục là 183 ca. Số ca mắc trong trường học có chiều hướng tăng nhưng hầu hết là ca bệnh nhẹ, không có triệu chứng và ngành y tế đang kiểm soát tốt”.

Tại tỉnh Trà Vinh, theo thống kê từ ngày 27/12/2021 đến tháng 3/3/2022, tỉnh này ghi nhận 165 trường hợp học sinh mắc COVID-19. Theo đó, tỉnh yêu cầu ngành y tế tập trung xử lý, nâng cao trách nhiệm của công tác y tế tại cơ sở, tập trung hỗ trợ điều trị; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại các trường học.

Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, số ca mắc COVID-19 trong trường học cũng có dấu hiệu gia tăng trong những ngày gần đây.

H2: Ngành Y tế và giáo dục các địa phương tăng cường kiểm tra, phòng chống dịch trong trường học.

Ngành Y tế và giáo dục các địa phương tăng cường kiểm tra, phòng chống dịch trong trường học.

Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nguyên nhân của sự gia tăng nhanh số ca mắc COVID-19 những ngày gần đây là do sự chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân, còn xem nhẹ công tác phòng, chống dịch; cùng với đó là các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân dần trở lại bình thường, đặc biệt là từ khi “mở cửa trường học trực tiếp” trở lại thì số giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng cao.

Tuy đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với sự xuất hiện của F0 trong trường học cũng như nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh cũng đã chuẩn bị tâm lý nhưng trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, số lượng học sinh mắc COVID-19 trong trường học ngày một tăng, nhất là nhóm học sinh cấp mẫu giáo và tiểu học.

Đây là nhóm đối tượng chưa được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19, quyết định cho các em đến trường học trực tiếp cần được xem xét và cân nhắc thật cẩn trọng, cần có sự thống nhất giữa ngành Y tế - ngành Giáo dục và phụ huynh học sinh.

Để tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần thường xuyên nắm bắt các chủ trương, chính sách về phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; tích cực thực hiện các công tác phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và góp phần lan tỏa đến cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế bị lây nhiễm các loại bệnh dịch khác. Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu người dân không hoang mang, cũng không được chủ quan lơ là, chủ động ứng phó với tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn. Theo đó, trước tình hình dịch có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là trong giáo viên, học sinh khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu Sở Y tế tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT, Sở VH-TT&DL cập nhật, bổ sung kịp thời các hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch trong nhà trường… đồng thời cũng yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi khi được Bộ Y tế cấp vaccine….

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm