Tin tức - Sự kiện

Nắm bắt cơ hội để sớm phục hồi ngành du lịch

DNVN – Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, du lịch Việt Nam thời gian tới cần xây dựng, triển khai theo lộ trình phù hợp, các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội nhằm sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch.

Đồng Tháp và Kiên Giang xây dựng kế hoạch đón khách du lịch / 90.000 tỷ đồng phát triển du lịch Thừa Thiên Huế

Tại Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam- Phục hồi và phát triển” diễn ra tại Nghệ An vào sáng 25/12, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại Việt Nam, ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau 30 năm đổi mới, ngành du lịch đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng.

“Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng. Đến thời điểm này, mặc dù dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, các hoạt động du lịch bắt đầu được khôi phục. Tuy nhiên, con đường khôi phục lại ngành du lịch vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Đại biểu tham dự hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển”.

Đại biểu tham dự hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam- Phục hồi và phát triển”.

"Dựa vào thực trạng du lịch của Việt Nam và thế giới dưới tác động của COVID-19 và những tham luận của các đại biểu tại hội thảo, Ban tổ chức sẽ có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ để có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch gắn với Chương trình phục hồi và phá triển kinh tế - xã hội", ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết thêm.

Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến ngành du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có.

 

Trong 4 đợt bùng phát dịch COVID-19, các hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kì bùng phát dịch và hoạt động vẫn còn cầm chừng. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào khủng hoảng, 90-95% số doanh nghiệp dừng hoạt động.

"Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

Năm 2021, với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh/thành phố trong cả nước đình trệ nhiều tháng, chúng ta vẫn chưa thể mở cửa đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 11 tháng của năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 34,75 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 167.700 tỷ đồng, giảm 40,1% so với cùng kỳ năm 2020", ông Việt cho biết.

Bối cảnh trên, theo Thứ trưởng, đặt ra yêu cầu xây dựng, triển khai theo lộ trình phù hợp, các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội nhằm sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch.

 

Chương trình Hành động về phục hồi, phát triển du lịch đã được ban hành, trong đó trọng tâm là thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch; điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp nhằm tận dụng tốt cơ hội khôi phục, phát triển du lịch nhanh, bền vững, nâng cao năng lực nội tại của ngành.

"Du lịch đang đứng trước những thách thức có tính lịch sử trong tiến trình phát triển của mình. Nếu có được các cơ chế, chính sách đủ sức đột phá, quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, có thể biến nguy thành cơ, tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19, ngành du lịch sẽ có cơ hội giải quyết căn cơ các vấn đề lâu nay nảy sinh trong quá trình phát triển, đem lại những thay đổi căn bản, toàn diện, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm