Tin tức - Sự kiện

Người lao động tự do ở Cần Thơ vui mừng chờ đón gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ

DNVN - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân và đặc biệt là người lao động tự do ở Cần Thơ. Trước khó khăn đó, họ mong chờ nhanh chóng nhận được gói hỗ trợ lần 2 từ Chính phủ.

Gói 26.000 tỷ đồng, ai được hỗ trợ, hỗ trợ bao nhiêu? / Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2%, dù Covid-19 diễn biến phức tạp

Lay lắt kiếm sống trong mùa dịch

14 năm chạy xe ôm trước cổng bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, ông Trần Văn Dũng (57 tuổi) chưa bao giờ phải trải qua thời điểm khó khăn đến như thế. Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến miếng cơm manh áo của gia đình ông. Nếu như lúc dịch bệnh chưa bùng phát, mỗi ngày ông Dũng kiếm vào được khoảng 200.000 đồng, nhưng thời điểm này thu nhập của ông chưa đến 100.000 đồng. “Bệnh nhân bây giờ ít ai đi xe ôm, chủ yếu là người thân chở. Tại vì dịch bệnh nên họ ngại tiếp xúc với cánh tài xế như chúng tôi”, ông Dũng buồn bã cho hay.

Từ lúc dịch bệnh bùng phát, những tài xế xe ôm phải khổ sở vì không có khách, họ mong muốn sớm nhận.

Từ lúc dịch bệnh bùng phát, những tài xế xe ôm phải khổ sở vì không có khách, họ mong muốn sớm nhận được gói hỗ trợ từ Nhà nước - Ảnh: Kim Cương

Ông Dũng có vợ và 3 con. Người vợ đã cao tuổi nên chỉ có thể ở nhà nấu nướng, giặt giũ, 2 người con trai làm thợ hồ nhưng vài tháng gần đây công việc cũng bị đình trệ vì dịch bệnh. Người con gái đã có gia đình riêng nhưng do cuộc sống cũng cơ cực nên không thể phụ giúp bố mẹ. Vì cuộc sống của gia đình, ông Dũng không được nghỉ ngơi ngày nào. Người tài xế già tâm sự: “Dù biết ế ẩm, có ngày được một cuốc, ngày được hai cuốc, còn có ngày đậu từ sáng tới chiều vẫn không có cuốc nào nhưng cũng phải ra ngồi chờ, vì nếu tôi ở nhà thì cả gia đình phải đói”.

Không chỉ những tài xế chạy xe ôm bị ảnh hưởng mà những người bán vé số dạo cũng rơi vào đường cùng vì Covid-19. Trên tay cầm xấp vé số rảo bước giữa trưa nắng, cô Huỳnh Ngọc Huệ (46 tuổi) tâm sự: “ Dịch bệnh nên ít ai ra đường, số lượng vé số hiện tôi lấy từ đại lý về giảm đi 1 nửa. Nếu lúc trước mỗi ngày tôi bán được 200 tờ thì giờ chỉ còn khoảng 100 tờ. Đã vậy, nhiều hôm bán còn ế lại nữa, cũng nhờ bên đại lý cho trả lại nếu không thì phải “ôm” rồi”.

Nỗi nhọc nhằn đang đè nặng lên đôi vai yếu ớt của cô Huệ, bởi hàng ngày cả gia đình 3 người chỉ sống lay lắt dựa vào những đồng tiền ít ỏi từ công việc bán vé số của cô. Người phụ nữ này cho biết, từ Hậu Giang theo chồng về Cần Thơ lập nghiệp. Chồng cô trước buôn bán giày dép ở chợ Tân An nhưng cách đây 3 năm biến cố ập đến làm ông bị liệt nửa người. Hàng ngày ông chỉ có thể nằm một chỗ chờ vợ về và người con trai 23 tuổi còn đi học cũng đang mắc bệnh phải điều trị mỗi tháng.

Mong muốn sớm nhận được gói hỗ trợ

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế của người dân, ngày 1/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP đưa ra 12 chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng kinh phí 26.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm đối tượng lao động tự do được chuyển cho địa phương tự rà soát, bố trí nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/ người/ lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày. Khi nhận được thông tin về gói hỗ trợ trên, nhiều người lao động nghèo vui mừng và mong muốn sớm nhận được tiền để vượt qua thời điểm khó khăn.

Cùng xếp hàng chờ rước khách tại bệnh viện với ông Dũng, ông Trần Văn Tư (65 tuổi) cho biết, thu nhập hàng ngày của ông cũng bị giảm bớt trầm trọng trong mùa dịch bệnh này. Khi được biết Chính phủ sẽ hỗ trợ tiền cho người lao động tự do, ông Tư hào hứng cho hay: “Thời điểm này những người lao động như chúng tôi phải khó khăn hơn lúc trước rất nhiều, gói hỗ trợ này của Chính phủ đưa ra rất đúng lúc. Tôi mong muốn năm nay sẽ giảm bớt những thủ tục rắc rối để bà con chúng tôi nhanh chóng được hỗ trợ”

Mặc dù cũng là một lao động tự do, hàng ngày rong ruổi bán từng tờ vé số nhưng vì rời quê theo chồng đến Cần Thơ ở trọ gần 30 năm nay và không có hộ khẩu tại địa phương đang sống nên đợt hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vào năm trước gia đình cô Huệ không được xét hỗ trợ. “Đợt dịch lần trước chính quyền địa phương cũng tới nhà tôi để ghi danh sách, nhưng tra ra gia đình tôi không có hộ khẩu ở đây nên cũng bị gạch bỏ tên. Dù cũng buồn nhưng quy định là vậy thì phải chịu”, cô Huệ chia sẻ.

Những phiên chợ 0 đồng đầy nghĩa tình giúp đỡ cho bà con nghèo - Ảnh: Kim Cương

Những phiên chợ 0 đồng đầy nghĩa tình giúp đỡ cho bà con nghèo - Ảnh: Kim Cương

Đồng cảm với nỗi khó khăn của người lao động nghèo trong mùa dịch bệnh, nhiều nhiều tấm lòng hảo tâm và chính quyền địa phương ở Cần Thơ đã mở ra nhiều hình thức giúp đỡ người dân nghèo như: những suất cơm tình thương miễn phí, những phiên chợ 0 đồng. Tuy giá trị vật chất không nhiều, nhưng những phần quà này cũng phần nào giúp đỡ được những người nghèo, những cảnh đời khốn khó vượt dịch bệnh trước lúc chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân.

Quán cơm 0 đồng được mở ra giúp đỡ khó khăn trước mắt cho bà con nghèo -Ảnh:Kim Cương

Quán cơm 0 đồng được mở ra giúp đỡ khó khăn trước mắt cho bà con nghèo -Ảnh:Kim Cương

Qua gần 10 ngày hoạt động, nhận thấy khó khăn trong việc xếp hàng giãn cách của người dân, đến nay Quán cơm 0 đồng (Hải sản Bình Ba, Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã tạm dừng hoạt động phát cơm tại chỗ. Quán cơm sẽ chuyển sang hình thức chia thành nhiều địa điểm phát cơm nhỏ khác nhau, bên cạnh đó còn có những suất quà được gửi đến những hộ gia đình thật sự khó khăn.

Anh Đỗ Thành Huấn chủ Quán cơm 0 đồng cũng bày tỏ mong muốn đối với chính sách hỗ trợ của Chính phủ: “Hiện tại chương trình phát cơm này chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của người dân nghèo, cho nên Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ hiện tại thì rất tốt cho người lao động nghèo. Và hy vọng bà con sớm nhận được khoản tiền đó, sẽ đỡ khổ cho bà con hơn”.

Kim Cương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm