Tin tức - Sự kiện

Những câu hỏi đặt ra khi thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở Đà Nẵng

DNVN - Sau khi Doanh nghiệp Việt Nam đưa tin Đà Nẵng cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn TP, đã có nhiều bạn đọc đề nghị cho biết mức giá cho thuê xe đạp, việc quản lý xe và bảo đảm an toàn cho người sử dụng sẽ thực hiện như thế nào?

Vietjet Air công bố mở đường bay trực tiếp đưa khách Ấn Độ đến Đà Nẵng từ tháng 10 / Đà Nẵng: Du lịch Golf là sản phẩm trọng điểm thu hút du khách Hàn Quốc

Theo Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Sở GTVT Đà Nẵng), trong 12 tháng thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng (kể từ ngày đưa xe vào thí điểm), giá thuê xe do Công ty CP Tập đoàn Trí Nam đề xuất là vé lượt 5 nghìn đồng/30 phút và vé ngày 50 nghìn đồng/ngày (áp dụng với tất cả người dân có hộ khẩu Đà Nẵng). Mức phí dịch vụ đối với khách du lịch tới Đà Nẵng sử dụng xe đạp công cộng là vé lượt 10 nghìn đồng/30 phút và vé ngày 100 nghìn đồng/ngày.

Xe đạp là phương tiện tham gia giao thông bình thường và chấp hành Luật Giao thông đường bộ như các loại phương tiện khác để đảm bảo an toàn

Xe đạp là phương tiện tham gia giao thông và phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ như các loại phương tiện khác để bảo đảm an toàn.

Xe đạp có gắn hệ thống khóa thông minh không thể tách rời với xe và được hỗ trợ tính năng GPS, đóng/mở khóa xe bằng cách sử dụng ứng dụng TNGO trên điện thoại thông minh để quét mã QRCode in trên khóa. Người dùng cài đặt ứng dụng TNGO về điện thoại rồi đăng ký và đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại, có thể thanh toán qua các ví điện tử Momo, Zalo, Viettel, VTCPay.

Trong quá trình di chuyển, người dùng có thể khóa xe tạm thời và mở lại khi có nhu cầu đi café, mua sắm. Khi hoàn tất chuyến đi, người dùng có thể trả xe tại trạm bất kỳ. Thông qua giám sát phần mềm trung tâm, đội điều phối theo dõi lộ trình di chuyển của xe và nhận cảnh báo trên hệ thống khi có vi phạm như chạy quá thời gian, không trả xe về trạm, không khóa xe sau khi sử dụng, trộm cắp xe...

Đối với một số ý kiến quan ngại về an toàn cho người đi xe đạp trong bối cảnh giao thông “hỗn hợp” hiện nay, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đà Nẵng Hồ Nguyễn Quốc Cường cho biết, một số nước có làn riêng khoảng 80cm sát vỉa hè dành cho xe đạp, nhưng thực ra ở họ không có “văn hóa mặt tiền” như Việt Nam hiện giờ. Hơn nữa, qua tìm hiểu thực tế các nước có quy định này thì việc dành làn đường riêng cho xe đạp ít hiệu quả, cuối cùng xe đạp cũng đi vào làn đường chung với các phương tiện khác.

“Theo Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam, xe đạp được xác định là phương tiện tham gia giao thông bình thường. Để bảo đảm an toàn, tất cả các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đều phải chấp hành theo Luật Giao thông, chứ chưa có quy định riêng cho xe đạp. Hiện người dân vẫn đi lại, tập thể dục bằng xe đạp bình thường”, ông Hồ Nguyễn Quốc Cường nói.

Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường cũng cho biết, các đơn vị hữu quan của Sở GTVT Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Trí Nam và UBND các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ đang tiếp tục khảo sát 68 vị trí dự kiến lắp đặt thí điểm trạm dịch vụ xe đạp công cộng. Các vị trí nằm chung quanh các khu vực như Trung tâm Hành chính TP, Bệnh viện Đà Nẵng, sân bay Đà Nẵng, Công viên APEC, chợ Cồn, chợ Hàn, dọc hai bờ sông Hàn, tuyến đường ven biển, khu vực có nhiều trường đại học, siêu thị, điểm tham quan du lịch…

Việc khảo sát sẽ kết thúc vào ngày 19/8. Sau đó các đơn vị hữu quan sẽ hoàn thiện phương án, báo cáo Sở GTVT Đà Nẵng trình UBND TP xem xét, quyết định cho phép triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng. Sau 1 năm, Sở GTVT Đà Nẵng sẽ tổng kết, đánh giá, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định nhân rộng nếu mô hình này đạt được thành công, góp phần hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới một hệ thống giao thông xanh bền vững.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm