Tin tức - Sự kiện

Tờ bạc Cụ Hồ in ở rừng U Minh

Đem so với ngành công nghiệp in tiền hiện nay, những tờ giấy bạc Cụ Hồ in ở rừng U Minh cách đây tròn 60 năm mới thấy công nghệ in tiền trong thời kháng chiến quá ư lạc hậu. Tuy vậy những tờ bạc Cụ Hồ thời ấy lại mang trên mình một sứ mệnh lịch sử hết sức đặc biệt.

Những tờ giấy bạc Cụ Hồ in ở rừng U Minh (Chụp lại ở tàng thư của Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh)

Giấy bạc Cụ Hồ là cách gọi nôm na của người dân Việt Nam đối với đồng tiền tài chính của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, công việc kiến quốc, tổ chức sản xuất, lưu thông tiền tệ, buôn bán trở nên bức bách đối với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và để gây dựng nhà nước non trẻ, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh (số 102/SL ngày 1/11/1947) cho phép in giấy bạc Việt Nam tại Nam bộ và công việc in tiền này kéo dài đến thời điểm ký kết Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954).

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước nhà độc lập nhưng tiền tệ vẫn phải sử dụng đồng tiền Ðông Dương do thực dân Pháp phát hành, vì thế việc in giấy bạc Cụ Hồ thể hiện chủ quyền độc lập đã được thực hiện. Từ năm 1946 - 1952, việc in và phát hành giấy bạc Cụ Hồ ở miền Bắc và miền Trung khá thuận lợi, riêng Nam bộ khó khăn hơn do xa Trung ương và chiến tranh đang thời lan rộng.

 

Năm 1948, Chính phủ chỉ thị cho Cơ quan Ấn loát Trung ương đưa 4 đồng chí: Hồ Văn Thế, Hoàng Phương, Nguyễn Ðình Tâm và Nguyễn Ðình Thư từ Việt Bắc; hai đồng chí Nguyễn Thực và Tống Lợi ở Ấn loát Tài chính Trung bộ từ Hà Tĩnh cùng với công nhân mang theo 500 khuôn mẫu vào Nam để tổ chức in tiền.

 

Ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ được lập tại chiến khu bưng biền Ðồng Tháp Mười do phái viên Chính phủ tại Nam bộ là kỹ sư Ngô Tấn Nhơn- Bộ trưởng Bộ Canh nông thời đó - trực tiếp làm Trưởng ban, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh làm Phó ban và các đồng chí Kha Vạng Cân, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (đại biểu Quốc hội khóa I), Lê Văn Lưỡng (nguyên Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Nam bộ), Hồ Văn Thế (nguyên phái viên của Bộ Tài chính) làm ủy viên.

 

Để an toàn trước mắt địch, Ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ đổi tên là “Ban Trồng tỉa số 10” đóng tại rừng tràm Cái Bèo, chiến khu Ðồng Tháp Mười. Ðầu năm 1949, “Ban Trồng tỉa số 10” lập thêm phân ban mới tại Gò Bún, kinh Dương Văn Dương thuộc chiến khu Ðồng Tháp Mười.

 

Việc in giấy bạc Cụ Hồ giữa rừng tràm gặp vô vàn khó khăn. Ngoài bất lợi về sông nước, từ năm 1949, địch mở rộng đánh phá sâu vào nhiều nơi của vùng căn cứ Ðồng Tháp Mười để “tìm diệt cộng sản”. Ðể không bị lộ, cơ sở in tiền phải liên tục di chuyển, từ rừng U Minh Thượng đến U Minh Hạ và lập thêm Phân ban B, chuyển máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu xuống đến Cà Mau.

 

Phân ban B tại Cà Mau là tập hợp nhiều đơn vị in tiền ở Nam bộ tổ chức in tiền bằng máy in offset nhập mới từ Nhật, quá cảnh qua Thái Lan rồi chuyển về rừng U Minh. Ông Huỳnh Tấn Thơi - một công nhân từng tham gia in giấy bạc Cụ Hồ thuộc Phân ban B hiện ngụ quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) nhớ lại, tiền giấy muốn sáng trong phải dùng bằng nước sạch nhưng rừng U Minh chỉ toàn nước nâu do phèn, nhờ nước phèn này mà giấy bạc Cụ Hồ khi in ra có ngôi sao hình chìm màu nâu tự nhiên trông rất đặc biệt và địch khó làm giả.

 

Các loại giấy bạc Cụ Hồ mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng cho đến 100 đồng được in ra với số lượng lớn. Lúc đầu cơ sở in tiền trong rừng U Minh chỉ in mệnh giá nhỏ 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng để giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hóa và một phần nhỏ nhu cầu tài chính cho kháng chiến bằng máy typô với giấy học sinh mua ở Sài Gòn. Khi nhu cầu của cuộc kháng chiến cao hơn đã tổ chức in tiền bằng máy offset bằng giấy làm từ vỏ cây đay để cho ra tờ giấy bạc 10 đồng, 50 đồng, 100 đồng.

 

Để có được những tờ giấy bạc Cụ Hồ lưu hành ở miền Nam thời ấy, cán bộ, công nhân viên toàn ngành Ấn loát đặc biệt Nam bộ quân số từ 100 rồi lên 200 người, lúc cao điểm có hơn 400 người ngày đêm làm việc, không quản gian khổ nắng mưa và bom đạn của quân thù.

 

Đầu năm 1954, Nam bộ chủ trương in và phát hành loại giấy bạc 200 đồng và 500 đồng, đến giữa năm này tờ bạc 200 đồng đã in xong chưa kịp phát hành thì cuộc kháng chiến chống Pháp của quân ta thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, riêng tờ bạc 500 đồng đang còn trên bản vẽ.

Ảnh: Ngọc Quang

 

Những tờ giấy bạc Cụ Hồ in ở rừng U Minh đã kết thúc vai trò lịch sử và trở thành một phần của lịch sử vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Dưới làn đạn bom giữa mênh mông sông nước 60 năm về trước, những người làm nên tờ giấy bạc Cụ Hồ ấy quả là kỳ vĩ và lịch sử của đồng tiền Việt Nam mãi lưu công lao của họ.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó Phân ban B (Ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ), năm 1949, khu vực U Minh tỉnh Cà Mau liên tục địch ném bom, dùng xe lội nước càn quét các cơ sở cách mạng.

 

Năm 1950 đến 1952, toàn bộ Phân ban B từ rừng U Minh chuyển sâu xuống rừng đước Năm Căn, sau đó bị lộ lại chuyển ngược về lại sông Cái Tàu rừng U Minh và liên tục di chuyển giữa rừng đước với rừng tràm trong làn bom đạn ngày đêm không ngớt. Hàng nghìn tấn thiết bị, vật tư của cơ sở in chủ yếu vận chuyển bằng ghe xuồng, cứ ngày nghỉ đêm di chuyển, những người tham sống trong lằn ranh sống chết mong manh.

 

Địch bắn phá, ta chia nhỏ cơ sở in tiền ra làm nhiều nơi, Phân ban D là một phần của Phân ban B mọc lên ở vùng Tân Đức, Đầm Dơi, do đồng chí Nguyễn Thực làm Trưởng Phân ban. Đồng chí Nguyễn Thực - nguyên cán bộ lãnh đạo của cơ quan Ấn loát Tài chính Trung bộ được cử vào Nam tổ chức chỉ đạo in tiền. Ngày 30/10/1953, đồng chí đã hy sinh tại huyện Cái Nước, Cà Mau nhưng những tờ giấy bạc Cụ Hồ vẫn tiếp tục ra đời để phục vụ kháng chiến.

 

In giấy bạc Cụ Hồ ở rừng U Minh vất vả trong việc làm sao cho tờ tiền in ra không bị lỗi, nhòe do máy rung lắc trên nền đất sình lầy, nhưng vất vả hơn là chuyện ăn ngủ, sinh hoạt thường ngày. Ở rừng U Minh muỗi, đỉa, rắn, rết nhiều vô kể. Tối đến, mỗi người được cấp một cái nóp để đêm chui vào ngủ, chị em phụ nữ ưu tiên hơn được cấp một chiếc chõng tre để nằm. Nhiều đêm đang ngủ nước lên ngập ướt người, rắn, rết chui vào nóp sống chung với người.

 

Bây giờ, giấy bạc Cụ Hồ không còn được lưu thông nhưng vẫn luôn trong tâm trí của mỗi người con, dân đất Việt, bởi giá trị lịch sử không  thể xóa nhòa.

Theo Báo Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo