Kinh tế số

Lần đầu Việt Nam có gian hàng Quốc gia trên sàn thương mại điện tử quốc tế

DNVN - Chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com” vừa được công bố hôm 30/11 vừa qua, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử quốc tế. Việc bước chân ra một sân chơi lớn của thế giới, doanh nghiệp Việt cần coi chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất.

Nông dân livestream bán cam Hà Giang và Cao Phong tại vườn / Lập hệ sinh thái xúc tiến thương mại số cho doanh nghiệp

Vừa qua, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) đã công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com”. Với việc mở gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD của Trung Quốc, lần đầu tiên có gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam trên sàn thương mại điện tử quốc tế.

Sự kiện đã nhận được sự chú ý lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường khi xuất hiện biến chủng mới Omicron.
Xung quanh sự kiện này, Doanh nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) - đơn vị trong năm qua đã chủ trì nhiều chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) cho doanh nghiệp Việt.
Với chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com” - Sản phẩm hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế và Tập đoàn JD cùng các đối tác vận hành tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt có thêm kênh phân phối hàng hóa mới sang thị trường Trung Quốc. Ông có thể chia sẻ một chút về điểm đặc biệt của kênh bán hàng này?
Ông Bùi Huy Hoàng:JD.com là một trong số sàn thương mại điện tử nổi tiếng có quy mô lớn và uy tín nhất tại Trung Quốc với doanh thu gần 31,6 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2021, tăng 39% so với cùng kỳ. Sàn TMĐT này có mô hình đa dạng, từ cửa hàng tiện lợi, siêu thị tới nền tảng TMĐT.
Nguồn hàng hoá trên sàn TMĐT của JD được cung cấp từ các công ty sản xuất của Trung Quốc và nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới, được bán và phân phối trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc tới tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, JD có hệ thống logistics, hàng chục nghìn kho bãi trải rộng trên khắp các tỉnh, thành của Trung Quốc và được đánh giá là hệ thống logistics lớn nhất, hiện đại nhất ở Trung Quốc hiện nay.

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số)
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ động triển khai hợp tác với Tập đoàn JD để tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên Sàn thương mại điện tử JD với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá thông qua TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Trung Quốc. Mô hình này đã được nhiều quốc gia triển khai trong những năm qua.
Dự kiến, gian hàng chính thức sẽ sớm được ra mắt chính thức trên trang này trong thời gian tới. Việc xây dựng Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn JD sẽ là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu. Gian hàng này sẽ phân phối sản phẩm của doanh nghiệp Việt trực tiếp tới tay người tiêu dùng Trung Quốc, không qua nhập khẩu trung gian. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phân phối sang thị trường Trung Quốc một cách đồng bộ, bài bản và có quy mô.
Khi tham gia vào chương trình Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, chi phí quảng cáo, chi phí truyền thông, chi phí logistics... Đặc biệt thuế tổng hợp áp riêng cho thương mại điện tử thấp hơn thuế VAT thông thường.
Theo đó, nguồn lực của doanh nghiệp Việt sẽ được tăng cường, trong khi rủi ro được giảm thiểu khi tham gia sân chơi lớn của thế giới.
Với chương trình này, các doanh nghiệp có thêm kênh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.
Là kênh phân phối hàng hóa tiềm năng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có những hỗ trợ gì để DN có thể lên sàn JD một cách hiệu quả?
Ông Bùi Huy Hoàng:Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vừa là đơn vị quản lý ngành về TMĐT của Bộ Công Thương, nhưng đồng thời cũng là đơn vị phát triển thị trường và định hướng thị trường cho DN Việt Nam về lĩnh vực TMĐT. Việc tổ chức gian hàng Việt đầu tiên trên sàn TMĐT nước ngoài là sản phẩm của sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với nhiều Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cùng các đối tác đồng hành.
Có thể nói, xây dựng chương trình này khá tốn kém nguồn lực, nên một DN đơn lẻ không thể làm được. Ở đây cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng khi quảng bá cho sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp với các đối tác trong chương trình như Vinanutrifood, ViettelPost, VPBank hay VISA để đồng hành cùng DN Việt Nam phát triển hàng hóa tại thị trường Trung Quốc. Với chương trình này, VPBank có thể tài trợ đến 100% nguồn vốn ứng trước hàng hóa cho DN để DN không bị đọng vốn trong quá trình sản xuất. Vinanutrifood hỗ trợ khâu vận hành. ViettelPost hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, khai báo hải quan, logistics từ Việt Nam sang Trung Quốc. Và đặc biệt chính sàn JD sẽ trực tiếp phối hợp với Cục tổ chức chương trình quảng bá hàng Việt tại thị trường tỷ dân này.
Vậy khi đưa hàng lên sàn JD, điều các DN Việt Nam cần lưu ý là gì, thưa ông?
Ông Bùi Huy Hoàng:TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các DN nhỏ, DN địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng TMĐT. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức bởi TMĐT xuyên biên giới là sự kết hợp giữa thương mại quốc tế với TMĐT.
Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. Đây cũng chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia đưa hàng lên sàn JD.
Theo ông Bùi Huy Hoàng, hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu là yếu tố quan trọng nhất khi DN làm TMĐT xuyên biên giới.

Khi tham gia đưa hàng lên JD, một trong những lưu ý quan trọng nhất mà DN cần nhớ là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu và cả tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Đội ngũ pháp chế của JD sẽ hỗ trợ để DN Việt biết sản phẩm có phù hợp, có đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu hay không. Điều tôi muốn nhấn mạnh với các DN rằng chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất và DN phải xác định đây là ưu tiên số 1.
Thứ hai, DN phải có đủ năng lực vận hành TMĐT, tức là đủ nguồn lực về tài chính và con người để có thể hiểu biết quy định về pháp luật cũng như quy định của sàn TMĐT, cách thức vận hành sàn TMĐT như thế nào một cách phù hợp nhất. Về vấn đề này, Vinanutrifood và ViettelPost sẽ đồng hành cùng để hỗ trợ các DN Việt phát triển sản phẩm trên gian hàng Việt Nam tại sàn JD.
Với việc tham gia đưa hàng lên sàn JD, ông đánh giá như thế nào về bài toán cạnh tranh hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á tại thị trường Trung Quốc?
Ông Bùi Huy Hoàng:Bài toán cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á tại thị trường Trung Quốc là rất quan trọng. Do đó, việc lựa chọn hàng hóa phù hợp là điều DN cần lưu tâm. Thứ nhất, hàng hóa phải đạt hiệu quả tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Thứ hai hàng hóa phải có tính cạnh tranh, tính tiêu biểu của Việt Nam.
Trên thực tế, khi hợp tác với JD, chúng tôi phải có đội ngũ làm thị trường. Vinanutrifood là đơn vị làm về siêu thị nên những đánh giá về mặt thương mại rất tốt. Ngoài ra, JD có hệ thống sử dụng công nghệ AI, công nghệ hiện đại để đánh giá sản phẩm phù hợp với những đối tượng như thế nào, tiêu thụ ở những địa bàn nào? Điều này đòi hỏi có sự tư vấn từ phía đối tác để từng sản phẩm được đánh giá tính hiệu quả nhằm tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
Cũng cần nói thêm rằng, trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy chất lượng hàng Việt rất tốt. Tuy nhiên, bao bì sản phẩm, hiểu biết về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tại địa bàn nước nhập khẩu còn khá hạn chế.
Việc chúng ta thiết kế bao bì như thế nào, có những câu chuyện đằng sau như thế nào thực sự quan trọng để không chỉ bán sản phẩm mà còn quảng bá văn hóa tiêu dùng Việt Nam tới thị trường nước ngoài. Khi đó người tiêu dùng cảm nhận câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm Việt, sản phẩm sẽ có giá trị hơn rất nhiều khi chúng ta chỉ bán một sản phẩm hàng hoá đơn thuần.
Đây là lần đầu tiên gian hàng quốc gia Việt Nam được "xuất ngoại". Trong tương lai, Cục TMĐT và KTS có kế hoạch đưa hàng Việt lên sàn TMĐT của các nước khác hay không?
Ông Bùi Huy Hoàng:Trên các sàn TMĐT quốc tế lớn hiện nay, gian hàng quốc gia Việt Nam chưa xuất hiện. Việc chúng ta xây dựng gian hàng quốc gia trên sàn JD là bước khởi đầu tốt để xây dựng các gian hàng quốc gia trên các sàn TMĐT lớn ở quốc tế.
Mỗi thị trường có quy định khác nhau về TMĐT, về nhập khẩu hàng hóa hay có những chính sách khác nhau về tiêu thụ hàng hóa trên TMĐT. Do vậy, mỗi thị trường ứng dụng TMĐT sẽ có cách thức tổ chức khác nhau. Chẳng hạn, có thị trường sẽ sử dụng nền tảng của đối tác, có thị trường sẽ sử dụng nền tảng do chính chúng ta xây dựng. Với mỗi thị trường, chúng tôi sẽ lựa chọn phương thức phù hợp để làm thế nào tổ chức được không gian hàng Việt trên không gian TMĐT quốc tế một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyệt Minh (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm