Tin tức - Sự kiện

Tăng cường quan hệ kinh tế giữa EU và Việt Nam

Chiều 7/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam”. Ngài Karel De Gucht – Cao ủy Thương mại của Ủy ban châu Âu là diễn giả chính của buổi toạ đàm.
Tại buổi tọa đàm, ngài Karel De Gucht đánh giá, Việt Nam thu hút ngày càng nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ đứng thứ 2 sau Singapore trong khu vực ASEAN. Nguồn đầu tư này đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế (hơn một nửa mặt hàng xuất khẩu đang được sản xuất bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài).
 
Ngài Karel De Gucht nhấn mạnh, nền tảng cho mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam là hiệp định đối tác và hợp tác vừa được ký kết trong năm 2012. Hiệp định đó đặt nền móng cho sự hợp tác sâu hơn trong mối quan hệ kinh tế, phát triển và đối thoại chính trị. Một bước phát triển tiếp theo mà hai bên đã cùng làm việc từ tháng 7/2012 là đàm phán một hiệp định thương mại tự do thế kỷ 21 toàn diện. Nếu thành công, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam tiến lên trên con đường mở cửa với nhiều cách khác nhau.
 
Đề cập đến việc giải quyết những thách thức đang đặt ra trong mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, ngài Karel De Gucht cho biết, quan hệ thương mại của hai bên đạt giá trị 18 tỷ Euro/năm nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng thương mại của EU. Điều này có nghĩa rằng hiện tại, hai bên mới chỉ chạm đến bề mặt bên trên của mối quan hệ. Do đó, điều cần thiết là một mối quan hệ lâu dài. Để làm được điều này, trước tiên, hai bên cần xóa bỏ những thuế quan trong hầu hết các mặt hàng, mang đến cho các công ty của hai bên sự tiếp cận thị trường mới đồng thời tăng tính cạnh tranh tại thị trường trong nước. Điều quan trọng hơn là quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam sẽ vượt xa khỏi vấn đề thuế quan để đầu tư trực tiếp nước ngoài, mua sắm chính phủ, thương mại nguyên liệu thô… và xây dựng một khung thể chế hiệu quả hơn phù hợp với những yêu cầu kinh tế thực tiễn. Đó là lý do vì sao EU đã chuẩn bị để đưa ra chương trình Viện trợ Thương mại song song với hiệp định để giúp quá trình tháo gỡ những nút thắt khó khăn và cải thiện kết cấu hạ tầng trong phạm vi rộng lớn. Toàn bộ viện trợ phát triển của châu Âu cho Việt Nam hiện nay vào khoảng hơn 750 triệu Euro/năm. Một phần đáng kể của quỹ hỗ trợ trong tương lai cũng sẽ dành cho việc giúp thực hiện những thỏa thuận mà hai bên đạt được.
 
Về những định hướng lớn của Liên minh châu Âu trong quan hệ kinh tế và thương mại với Việt Nam, ngài Karel De Gucht khẳng định: Hiệp định thương mại không chỉ mang tính mở cửa cho Việt Nam, nó cũng là một phần trong hướng đi của châu Âu trong việc sử dụng đầu tư và thương mại quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng trong nội khối. Đây không chỉ là hiệp định duy nhất mà châu Âu đang theo đuổi bởi Liên minh châu Âu đang xây dựng một mạng lưới rộng lớn các hiệp định tương tự đang đàm phán với  ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản và các đối tác khác. Hiện tại, hai bên cần theo dõi chặt chẽ tiến trình đàm phán của châu Âu với các đối tác ASEAN. Đó chính là mối quan tâm của cả hai bên để thúc đẩy hội nhập khu vực và những chuỗi giá trị khu vực. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đảm bảo rằng tất các các hiệp định song phương EU - ASEAN là tương thích và liên kết chặt chẽ./.
 
 
 
 
Nhật Minh (Theo ĐCSVN)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo