Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Không đánh đổi môi trường trong phát triển kinh tế

DNVN - Ngày 16/3, UBND tỉnh Quảng Nam dự kiến tổ chức công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã xác định không đánh đổi môi trường trong phát triển kinh tế.

Quảng Nam đặt mục tiêu thành phố trực thuộc trung ương vào 2050 / Đà Nẵng: Nhiều dự án dùng ngân sách thành phố thi công chậm tiến độ

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 xác định tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh qua mô hình cấu trúc: hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc họp báo về hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc họp báo về hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Cụ thể, “hai vùng” bao gồm vùng Đông và vùng Tây. Trong đó, vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Đây là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh (Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn).

Vùng Tây gồm các huyện miền núi. Đây là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia, với Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới.

“Hai cụm động lực” gồm cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP Đà Nẵng. Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh.

Trong đó, sáp nhập huyện Núi Thành với TP Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

“Ba hành lang phát triển” gồm hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh; hành lang dọc QL 14B và QL 14E nối lên QL 14D đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, cấu trúc nêu trên trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm sự phát triển cân bằng về mặt kinh tế - xã hội giữa vùng đông và vùng tây. Mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai.

Đáng chú ý, ông Lê Trí Thanh cho biết, để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển của quy hoạch, Quảng Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh dựa trên 4 trụ cột chính là du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics và nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm…

Tuy nhiên, Quảng Nam không vội vàng lấp đầy các diện tích kêu gọi thu hút đầu tư bằng những dự án nhỏ lẻ, không đánh giá kỹ năng lực của nhà đầu tư dẫn đến lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí nguồn lực về đất đai mà không đem lại những giá trị mà tỉnh mong muốn.

“Quan điểm của tỉnh là cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, tâm huyết để thực hiện các dự án theo quy hoạch. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam xác định rõ không đánh đổi môi trường trong phát triển kinh tế. Những dự án tác động xấu đến môi trường tự nhiên, đến văn hoá, đời sống của nhân dân, đến sự phát triển bền vững thì chúng tôi không tiếp nhận”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm