Tin tức - Sự kiện

Chuyển đổi ngành logistics theo hướng xanh và bền vững

DNVN - Tại hội nghị của Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15/7, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để mở rộng, phát triển ngành logistics và chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững.

Đội Pháp vô địch Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 / Đà Nẵng: Doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức không gian ánh sáng với 500.000 đèn LED

Thông điệp kết nối

Đây là lần đầu tiên hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) diễn ra tại Việt Nam, với sự tham dự của Chủ tịch AFFA Alvin Chua cùng lãnh đạo các doanh nghiệp logistics, giao nhận vận tải hàng đầu khu vực ASEAN và châu Á tập trung bàn bạc về những thách thức, xu hướng mới cũng như yêu cầu phát triển bền vững trong khu vực.

hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15/7.

Hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15/7.

Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA, đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị), trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm hiện nay, ngành logistics các nước ASEAN đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên vẫn có những triển vọng đến cuối năm nay tình hình sẽ được cải thiện nhờ sự thúc đẩy chuyển đổi số và nỗ lực phát triển bền vững.

“Ngày 13/7 vừa qua đã diễn ra sự kiện kết nối B2B One One giữa khoảng 100 thành viên VLA và Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA). Vì vậy, VLA với tư cách là đơn vị đăng cai muốn gửi đến hội nghị thông điệp về kết nối Việt Nam, kết nối Đà Nẵng, kết nối VLA, kết nối những cơ hội và ước mơ của châu Á - Thái Bình Dương”, ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.

Ông Edwin Chee - Giám đốc điều hành SLP Việt Nam nhận định, Việt Nam có vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển nổi bật ở châu Á. Tận dụng lợi thế này, Việt Nam có tiềm năng to lớn có thể giảm đáng kể chi phí logistics cho các doanh nghiệp. Từ đó, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư FDI và các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) toàn cầu.

Ông cũng nhấn mạnh việc thành lập cảng trung chuyển mới có thể tăng cường khả năng kết nối của Việt Nam với các thị trường quốc tế, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thuận lợi hơn, giảm thời gian vận chuyển và nâng cao hiệu quả tổng thể của chuỗi cung ứng. Những lợi ích này mở rộng cho cả doanh nghiệp địa phương và nhà cung cấp 3PL toàn cầu, cho phép họ cung cấp các dịch vụ hợp lý và tiết kiệm chi phí hơn.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại hội nghị.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại hội nghị.

Ngành logistics cần bắt kịp và thích ứng với những xu thế toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Hằng nêu rõ, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành logistics. Hội nghị lần này được tổ chức đúng thời điểm, tạo cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp logistics, giao nhận vận tải ASEAN và châu Á cùng trao đổi về các giải pháp phát triển ngành logistics trong khu vực nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay.

Bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh vào ba từ khóa: phục hồi, cơ hội và chuyển đổi. Về phục hồi, ngành logistics toàn cầu đang bước vào giai đoạn phục hồi, vượt qua muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, xung đột và tình hình kinh tế thế giới ảm đạm.

Nhờ nỗ lực lớn của các hiệp hội và doanh nghiệp, ngành logistics đã hạn chế được tác động tiêu cực và dần dần phục hồi, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 4% năm 2023 và 3% năm 2024. Hội nghị lần này của AFFA cũng tập trung thảo luận các biện pháp để đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành logistics trong thời gian tới.

Về cơ hội, ngành logistics đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển quan trọng. Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 70% cho tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và các đại biểu tham dự hội nghị.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và các đại biểu tham dự hội nghị.

“Điều này hứa hẹn những tiềm năng to lớn cho ngành logistics ASEAN để tạo bứt phá trong thời gian tới. Kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận các cơ hội hợp tác giữa các nước ASEAN để tận dụng tối đa những tiềm năng và phát triển đột phá”, bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh.

Về chuyển đổi, bà Nguyễn Minh Hằng nêu rõ, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, ngành logistics cần phải bắt kịp và thích ứng với những xu thế toàn cầu và hướng tới phát triển xanh, bền vững. Đó là lý do tại sao các nước ASEAN cần tìm cách xanh hóa, số hóa, tự động hóa để chuyển đổi ngành logistics và quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng trong khu vực.

Theo bà Hằng, tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14 - 16%. Trong Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

“Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để mở rộng và phát triển ngành logistics trên phạm vi toàn cầu và chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững hơn”, bà Hằng nhấn mạnh.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm