Tin tức - Sự kiện

Đồng Tháp định hình không gian phát triển thời kỳ 2021 - 2030 theo cấu trúc “4-3-4”

DNVN - Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Đồng Tháp định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm. Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn.

Dự báo thời tiết ngày 22/2/2024: Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, trời chuyển mưa rét / Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh nâng cấp các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ

Sáng ngày 22/2, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ban tổ chức, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/01/2024. Phạm vi, ranh giới phía Bắc giáp tỉnh Prey Veng - Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ; phía Tây giáp tỉnh An Giang; phía Đông giáp tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.

a

Phó Thủ tướng Chính phủ trao quyết định công bố quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Theo quy hoạch, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Là tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn và phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người. Đồng thời, duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đến năm 2050, Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

 

a

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kỳ vọng quy hoạch tỉnh lần này sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đề ra 4 nhóm mục tiêu về: Kinh tế, Xã hội, Môi trường và Quốc phòng, an ninh, với 18 mục tiêu cụ thể, trong đó, có mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 160 triệu đồng/năm.

Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%; tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu, Đồng Tháp quyết tâm thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển gồm: hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong đó, tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Cao Lãnh trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nông sản cấp vùng.

 

Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng, kết nối với TP Hồ Chí Minh; tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác với Vương quốc Campuchia. Liên kết với các tỉnh Long An, Tiền Giang xây dựng dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành trung tâm dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa, khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch.

Tại buổi công bố quy hoạch tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết,việc triển khai lập quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để định hướng, sắp xếp không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững tỉnh Đồng Tháp trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

a

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm.

Theo Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, quy hoạch tỉnh lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Trên cơ sở đó, quy hoạch tỉnh đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm. Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn.

 

Bên cạnh đó, sẽ nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.

“Để đạt được kết quả theo nhiệm vụ được giao, tỉnh Đồng Tháp rất mong các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ, cùng với chính quyền và nhân dân Đồng Tháp sớm hiện thực hóa tầm nhìn này trong giai đoạn phát triển tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng.

Kỳ vọng tạo xung lực mới

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, việc công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp hôm nay là sự kiện rất quan trọng để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng phát triển của tỉnh Đồng Tháp, cũng như đóng góp và đề xuất kiến nghị, giúp đỡ tỉnh Đồng Tháp phát triển trong tương lai.

Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.

 

Đồng thời, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

“Quy hoạch tỉnh lần này sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột.

Với những tiềm năng, lợi thế của mình, với tư duy, cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua. Cùng với những cam kết đầu tư của các dự án lớn trọng điểm ngày hôm nay, tôi tin tưởng chắc chắn rằng tỉnh Đồng Tháp sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới.

Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh. Đồng Tháp sẽ biến những khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Thủ tướng tin tưởng và cam kết đồng hành cùng địa phương.

z

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư chiến lược.

 

Là một trong những nhà đầu tư chiến lược tại Đồng Tháp, đại diện Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj (Khu công nghiệp Sa Đéc) chia sẻ, “sau gần 5 năm ở Đồng Tháp, tôi đã trở thành một người Đồng Tháp. Tôi thường trao đổi với các nhà đầu tư khác ở Ấn Độ và khuyên họ nên chọn Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp để đầu tư trong tương lai”.

Cũng theo vị đại diện này, công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã khẳng định tỉnh Đồng Tháp là một trong những trung tâm nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và phù hợp với định hướng phát triển của Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, các sản phẩm nông nghiệp tạo chuỗi giá trị bền vững đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra một tương lai tươi sáng và đầy hứa hẹn cho tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ban tổ chức đã công bố danh sách 10 nhà đầu tư chiến lược thuộc 3 nhóm dự án: phát triển khu đô thị mới, thương mại dịch vụ; phát triển hạ tầng khu công nghiệp; cụm công nghiệp; thương mại dịch vụ và logistics; chế biến thủy sản, nông sản công nghệ cao, chuyên sâu.

Các nhà đầu tư tiềm năng này đã nghiên cứu và tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp, thể hiện quyết tâm xây dựng và phát triển Đồng Tháp trở thành một trong những địa phương đi đầu lĩnh vực phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ và bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Thuý Ái
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm