Tin tức - Sự kiện

Tiến sĩ miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Würzburg bàn về dịch Covid-19 ở Đức và châu Âu

DNVN - Chuyên gia Lê Ngọc Sơn - Mạng lưới Chuyên gia Xử lý Khủng hoảng từ CHLB Đức (BCS - Berlin Crisis Solutions) đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Lê Đức Dũng – Tiến sĩ dịch tễ học Bệnh viện Đại học Würzburg, bang Bayern, CHLB Đức về dịch bệnh Covid-19 ở Đức và châu Âu.

Sau "lệnh đóng cửa", Highlands Coffee và nhiều quán cà phê ở TP.HCM vẫn tấp nập khách / TP.HCM xử phạt đến 30 triệu đồng hành vi vi phạm phòng, chống dịch COVID-19

Cuộc trò chuyện trực tuyến giữa chuyên gia Lê Ngọc Sớn và chuyên gia Lê Đức Dũng.

Cuộc trò chuyện trực tuyến giữa chuyên gia Lê Ngọc Sơn và chuyên gia Lê Đức Dũng.

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn: Thưa anh Dũng, trong phát biểu của bà Merkel – Thủ tướng nước Đức đã nói về sự nguy hiểm của bệnh dịch Covid-19 và hướng dẫn người dân phải làm gì thì bà có nói: “Đây là một thách thức lớn nhất của nước Đức từ sau thế chiến thứ 2”. Thông điệp này nên được hiểu như thế nào thưa anh?

Tiến sĩ miễn dịch học Lê Đức Dũng: Theo tôi hiểu, từ sau Thế chiến thứ 2 đến giờ, nước Đức chưa bao giờ trải qua một cuộc khủng hoảng. Covid-19 là đại dịch lan rộng trên toàn quốc. Tất cả cơ quan, bộ phận, người dân đều phải chuẩn bị tinh thần và Chính phủ phải tính toán đến việc phải hạn chế mọi người đi lại. Nói chung là từ sau Thế chiến thứ 2 đến giờ nước Đức cũng như châu Âu chưa trải qua đợt dịch bệnh nào nguy hiểm và lan rộng như vậy. Nên nước Đức phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với đại dịch lớn nhất từ sau Thế chiến thứ 2 đến giờ.

Rõ ràng thách thức chúng ta đang đối diện rất lớn. Về chuyên ngành nghiên cứu của anh thì tôi muốn hỏi: Tại sao hầu hết các vi khuẩn nguy hiểm trong thời gian gần đây, như là dịch SARS và các loại dịch khác hầu như đến từ châu Á hoặc là các nước thế giới thứ 3?

Những bệnh dịch thời gian gần đây là do virus. Nó không có 1 tế bào nhất định mà chỉ có vật chất di chuyển là DNA hoặc RNA. Virus nguy hiểm hơn vi khuẩn vì virus không được ổn định như vi khuẩn nên nó phải biến đổi liên tục để tồn tại. Đây là 1 cơ chế tiến hóa của nó. Vì sự biến đổi nhanh của virus nên nó mới tạo ra sự nguy hiểm. Mà các virus nguy hiểm thường là các virus có bộ vật chất di chuyền là RNA. Virus nguy hiểm có 2 loại: DNA virus và RNA virus. DNA virus thì nó chắc chắn hơn, ít biến đổi hơn còn RNA virus gống bệnh AIDS hoặc virus cho bệnh SARS, bệnh MERS hay virus năm nay là virus Vũ Hán thì là RNA virus, nó thường biến đổi liên tục.

Bên cạnh đó, cũng có sự tác hợp của những virus khác nhau để tạo ra chủng mới khiến cơ thể chúng ta không thích nghi kịp. Có thể năm nay, cơ thể chúng ta tạo ra 1 kháng thể để đối phó với 1 loại virus nào đấy, nhưng sang năm lại có virus mới thì cơ thể chúng ta không thể tạo ra kháng thể liên tục để chống kịp. Vì thế, virus đấy thường gây bệnh mới. Đối với virus Vũ Hán năm nay người ta nghiên cứu thì bộ gen của nó là kết hợp giữa 2 loại virus khác nhau. Theo tôi đó là sự kết hợp giữa virus của loài dơi và virus của loài tê tê.

Còn tại sao nó đến từ các nước thế giới thứ 3 thì tôi nghĩ có thể là có sự liên quan việc tiêu thụ động vật hoang dã. Trung Quốc, Việt Nam hay các nước khác thường sử dụng động vật hoang dã làm thức ăn như dơi, tê tê. Hoặc khi môi trường thay đổi, không gian sống của nó bị thu hẹp thì hệ miễn dịch của nó bị yếu đi và có thể khi đó nó sẽ bị bệnh và lúc đó virus trong cơ thể nó sẽ lan ra cộng đồng.

Đối chiếu với 1 câu chuyện hiện tại mọi người đang thắc mắc là “virus này từ phòng thí nghiệm ra hoặc do 1 loại vũ khí chiến tranh”. Theo như anh nói là anh không ủng hộ giả thuyết này đúng không ạ?

Tôi có đọc bài báo, họ khẳng định virus này đến từ tự nhiên chứ không phải do tổng hợp từ phòng thí nghiệm. Như đã nhắc đến thì virus này hình thành bởi sự kết hợp của 2 loại virus khác nhau. Vì trong Corona virus có nhiều phân loại nên có thể có kết hợp giữa 2 virus khác nhau và tạo ra 1 loại virus mới nguy hiểm hơn, dễ lan truyền hơn. Hiện nay chưa có 1 nước nào phát minh ra vắc xin để điều trị nó. Là 1 nhà khoa học, tôi sẽ phát biểu theo chứng cứ khoa học đó là virus tự nhiên.

Có vẻ hiện nay nước Đức giống như con ếch ngồi trong nồi nước và chờ nước nóng lên mặc dù biết rằng có củi đã đốt từ tháng Giêng. Đã có rất nhiều nước cảnh cáo nhưng Đức cùng 1 số nước châu Âu khá bình chân như vại. Đến bây giờ, chúng ta thấy mọi người đã thấm thía được hậu quả của nó. Theo anh, anh giải thích như nào về biện pháp phản ứng lại dịch bệnh của Đức?

Trong môi trường làm việc của tôi thì thường các nhà khoa học là bác sĩ hoặc các nghiên cứu sinh. Khi làm việc và tiếp xúc với họ, tôi biết bệnh dịch bắt đầu xảy ra vào tháng 1 và tháng 2 ở châu Á. Người Đức họ vẫn rất bình thường, họ nghĩ rằng đây chỉ là cảm cúm bình thường và họ bảo tỉ lệ tử vong chỉ hơi cao 1 chút. Vì ở bên châu Âu, mùa đông nào cũng có dịch cảm cúm và hầu như ai cũng bị mắc. Người ta bị mắc cảm cúm nhiều quá nên đến một lúc nào đấy người ta bị lì. Người Đức cũng rất chủ quan, họ bảo đây là bệnh bình thường. Hoặc có thể do điểm xảy ra virus nó quá xa so với châu Âu (khoảng cách từ châu Á đến đây là 8.000 – 10.000 km). Nên họ nghĩ để nó lây được sang đây là rất lâu, phải trải qua các nước châu Á. Nhưng họ không ngờ nó bùng phát ở phía Bắc, Italia nhanh như vậy. Mọi người đã suy nghĩ lại, họ bắt đầu lo lắng và thực hiện nghiêm túc chỉ dẫn của Chính phủ để kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh. Trong 1-2 tháng đầu ở đây quá bình thường, mọi người rất bình thản. Có lẽ có 1 phần do cũng lâu rồi ở châu Âu chưa xảy ra dịch bệnh. Ở châu Á người ta đã có kinh nghiệm cách ly và chữa trị từ năm 2003 với đại dịch SARS.

Trong nghiên cứu về xử lý khủng hoảng của ngành chúng tôi thì có một hướng nghiên cứu đang khá hot là người ta nghiên cứu văn hóa có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả xử lý của cuộc khủng hoảng? Tôi nghĩ không ví dụ nào sinh động hơn nước Đức và các nước châu Âu phản ứng lại dịch bệnh. Khi người ta không có kinh nghiệm trải nghiệm trong các loại dịch bệnh thì người ta sẽ dễ chủ quan hơn. Văn hóa chủ quan đôi khi khiến 1 dân tộc, tổ chức chở nên điêu đứng. Quay trở lại câu chuyện dịch tễ học, vì sao Covid-19 tấn công vào Ý rồi sang một số nước khác, số người chết ở Ý rất nhiều nhưng tỉ lệ tử vong ở Việt Nam hầu như không có. Liệu có phải chủng người châu Á có hệ miễn dịch tốt hơn chủng người châu Âu không?

Tôi cũng rất khó trả lời câu hỏi này vì nó tùy thuộc vào từng cá nhân rất nhiều. Nhưng tôi trả lời chung là sao Italia chết nhiều như vậy thì đó có thể là mức độ quá tải của hệ thống y tế. Italia là nước châu Âu phát triển nhưng nếu so sánh hệ thống y tế với các nước ở Trung Âu và Bắc Âu khác thì nó có khoảng cách rất xa. Nếu chúng ta tiếp xúc với các bác sĩ, y tá của Italia thì họ sẽ kể cho mình biết thực trạng của hệ thống, tất nhiên so với các nước ở thế giới thứ 3 thì chúng ta rất phát triển, nhưng so với châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản thì cũng không thể so được. Vì Italia có hệ thống y tế khá kém so với châu Âu. Một yếu tố nữa là ở Italia có rất nhiều người già và bệnh dịch này ảnh hưởng rất lớn đến người lớn tuổi, nhóm người này có tỉ lệ tử vong rất cao.

Ở Bắc Italia có không khí lạnh và khô, đó cũng là điều kiện tuyệt với cho sự phát triển và lây lan của virus. Văn hóa của Italia khi gặp nhau thường là ôm, hôn, bắt tay gần gũi, đó cũng là yếu tố tạo ra sự lây lan. Có thể ban đầu họ chưa biết sự nguy hiểm của nó, Chính phủ chưa có thông báo phải giữ khoảng cách nên người ta vẫn rất bình thường. Khi đó sẽ lây lan với tốc độ rất cao. Có rất nhiều yếu tố ở Bắc Italia nữa. Lượng người Trung Quốc sống ở đấy rất nhiều so với các vùng khác. Bắc Italia cũng là vùng kinh tế mạnh nhất. Ta có thể xem bản đồ, vùng nào kinh tế càng phát triển thì sự lây lan của Covid-19 rất nhanh, có thể đó là sự giao thương, vùng nào kinh tế càng phát triển thì sự giao thương rất lớn, càng hoạt động và giao tiếp lớn thì nó có thể tạo ra sự lây lan của Covid-19 nhanh hơn.

Nhắc đến Ý tôi thấy câu chuyện về mặt từ ngữ, từ “cảm cúm” trong tiếng Anh cũng bắt nguồn từ tiếng Ý là ”influenza”. Anh có thể giải thích cụ thể hơn cho mọi người biết nó liên quan như nào không?

Từ “cảm cúm” như tôi đã viết trên Facebook, từ ”influenza” chúng ta hay nói có bắt nguồn từ tiếng Ý có ý nghĩa là sự ảnh hưởng của mùa lạnh. Khi nghiên cứu người ta thấy khi cảm cúm bắt nguồn từ Tây Ban Nha và phía Bắc Italia sau đó nó lan ra Đông Âu và Bắc Âu. Vì vậy những vùng đấy đến mùa xuân và đông luôn có dịch cảm cúm rất lớn. Điều kiện khí hậu, địa lý của Italia và Tây Ban Nha rất thuận lợi cho sự phát triển của virus gây cảm cúm.

Khi tôi quan sát người Ý, có 1 đặc trưng mà thực ra tôi không thích lắm đó là so với người châu Âu, đặc biệt là người Đức thì người Ý nói khá nhiều và to, tụm ba tụm bảy để nói chuyện. Ý cũng ấm hơn các nước ở Bắc Âu. Nơi đây được coi là đất nước của hội hè, họp, festival, điều này khiến dịch bệnh ngày càng nguy hiểm hơn.

Đặc điểm của các nước Nam Âu là người ta nói nhanh, nhiều và ngôn ngữ cơ thể cũng hoạt động nhiều như vậy cơ hội lây lan virus càng nhiều. Một phần nữa là giai đoạn đầu của virus ở Bắc Italia, Chính phủ nước này đã phản ứng hơi chậm. Virus đã lan ra khắp nơi rồi nhưng ở Milan vẫn có các lễ hội, các buổi trình diễn thời trang,… Cho đến khi mất kiểm soát người ta mới bắt đầu hạn chế người đi ra ở đấy.

Một trong những sự lúng túng tôi nghĩ là thiếu chiến lược quản lý dịch bệnh đã khiến cho không chỉ Ý mà các nước như Pháp, Đức và Anh cũng chao đảo và thấy khá lung túng trong các phản ứng với tình hình dịch bệnh. Chúng ta đã nghe mọi người bàn đến câu chuyện miễn dịch cộng đồng. Tôi nghĩ nên là miễn dịch nhóm người thì mới sát nghĩa của nó hơn. Khi áp dụng miễn dịch cộng đồng này đã gây tranh cãi. Theo anh, lý do vì sao người ta muốn áp dụng miễn dịch cộng đồng và lợi, hại của chính sách này là gì?

Tôi cũng không hiểu biết nhiều lắm về vấn đề này nhưng miễn dịch cộng đồng là người ta để dịch bệnh lây nhiễm tự nhiên đến khoảng 70–80% số lượng người ở trong vùng nào đấy. Lúc đấy, những người bị nhiễm mà tồn tại được thì người ta sẽ có hệ miễn dịch hoặc kháng thể để giúp tiêu diệt virus ấy. Khi đến 1 lượng nào đấy virus sẽ bị chậm quá trình phát triển hoặc không thể lây lan được nữa.

Nhưng tôi nghĩ chính sách đấy chỉ nên áp dụng cho những loại dịch bệnh ít nguy hiểm. Nếu là Covid năm nay thì nó sẽ tạo một lượng lớn người nhiễm bệnh. Có thể tỉ lệ chết thấp nhưng tỉ lệ người bị mắc ở mức độ cao, người ta phải nhập viện điều trị thì mới có cơ hội sống sót. Khi tỉ lệ điều trị quá cao thì hệ thống y tế sẽ quá tải. Virus Covid năm nay nó lây nhiễm làm cho một số người rất đông phải nhập viện. Nếu mình áp dụng miễn dịch cộng đồng thì có thể gây nguy hiểm cho hệ thống y tế vì lúc đó hệ thống y tế quá tải, người chết tăng lên rất nhiều, Không chỉ người nhiễm Corona bị chết mà những người bị ung thư, bị các bệnh khác cũng phải chết vì không được chăm sóc đầy đủ. Như vậy tình hình ngày càng diễn biến trầm trọng. Miễn dịch cộng đồng cũng là một cách giải quyết rất hay nếu như không kiểm soát được nữa thì bắt buộc người ta sẽ áp dụng chính sách này.

Nhưng để áp dụng còn phải tùy thuộc vào thực trạng ở các điểm nào. Ví dụ, như Anh hay các nước khác, ban đầu người bệnh mới nhiễm ta còn có thể kiểm soát được. Ví dụ, số lượng người nhiễm là 10.000 – 15.000 thì còn có thể kiểm soát được để hạn chế số người tử vong. Nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế như nào. Việc này ta phải so sánh những số liệu cụ thể để biết mức độ thiệt hại của người và kinh tế và thời điểm áp dụng như nào.

Liên quan đến các tranh luận giữa việc áp dụng miễn dịch cộng đồng hay kiểm soát nghiêm ngặt như các nước châu Á (Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc). Dường như châu Âu bối rối và tự dẫm vào các mâu thuẫn của chính mình. Ví dụ: Khi tôi tranh luận với 1 giáo sư của Anh, điểm đầu của dịch Covid-19 ở tại Anh, họ đã định áp dụng miễn dịch cộng đồng chứ không cách ly như châu Á. Ông giáo sư nói nọ rất coi trọng dân chủ và nhân quyền. Vậy ông nghĩ các nước đang áp dụng cách ly triệt để họ không tôn trọng nhân quyền. Nhưng nhân quyền ở đâu khi số lượng người già chết rất nhiều và đặc biệt những người cao tuổi có bệnh nền thì sẽ phải chết. Ai bảo vệ nhân quyền cho những người này? Họ là người, họ có quyền được sống. Biện pháp nào cũng có giá của nó. Mình chỉ có thể giảm thiểu nó ở mức thấp nhất chứ không thể nói tôi muốn dân chủ hay nhân quyền.

Trong những lúc tình hình ảnh hưởng đến cả dân tộc, đất nước thì rõ ràng cần những quyết sách đủ nhạy bén. Có thể có 1 số tự do các nhân bị hạn chế. Hiện ở Đức đang áp dụng cách này mặc dù Đức không cấm tự do đi lại. Nhưng thật sự tôi nghĩ không có phương pháp nào tốt hơn phương pháp này. Theo tôi mọi thứ nên suy nghĩ một cách tương đối và trong cuộc khủng hoảng thì nên biết không có giải pháp nào là đúng hay sai dựa trên sự hợp lý. Tình huống sinh mạng con người thì không thể nào đúng với sai được.

Trong Hiến pháp Đức có ghi việc đi lại của mọi người là quyền cơ bản, không ai có thể xâm phạm. Nhưng ở trong trường hợp cần thiết thì cũng cần có chính sách. Dịch bệnh Covid-19 là trường hợp khẩn cấp thì người ta nên có chính sách hạn chế quyền đấy lại. Đức cũng có một bang đã ra lệnh hạn chế quyền đi lại thì trong nội bộ các Đảng của bang cũng đã có tranh cãi. Đảng cầm quyền ra lệnh từ tối thứ 6 là hạn chế đi lại nhưng có một số đảng phản đối. Riêng về chính trị cũng có tranh cãi nhưng phải tùy thuộc vào tình hình của mỗi bang, mỗi nước để có một chính sách hợp lý nhất. Tôi cũng ủng hộ, giai đoạn bây giờ là thời điểm quyết liệt để phòng chống dịch bệnh. Vì vậy có lệnh hạn chế hoặc phong tỏa thì cũng rất hợp lý.

Theo anh dự đoán thì trong thời gian tới ở Đức tình hình dịch bệnh sẽ diễn ra như nào?

Theo tôi nghĩ nếu trong thời gian tới 1-2 tuần tới cả nước Đức sẽ có lệnh hạn chế đi lại hay phong tỏa thì có lẽ có thể giảm tốc độ lây lan xuống. Hôm trước tôi đọc báo thì chỉ sau một ngày hạn chế đi lại ở một số bang ở phía Nam, tỉ lệ lây lan ở Đức đã có xu hướng giảm dần. Hy vọng trong thời gian tới, nhiều bang khác áp dụng chính sách này thì có thể giảm bớt tỉ lệ lây lan. Vì bây giờ không ai biết thời tiết có ảnh hưởng tới sự lây lan đó không. Hy vọng trong tuần tới nhiệt độ ấm lên cũng là một yếu tố để làm giảm tốc độ lây lan của virus vì virus khi ra ngoài cơ thể thì nó tồn tại cũng phụ thuộc rất nhiều yếu tố môi trường.

Nhiệt độ cao thì virus có thể sẽ chết rất nhanh. Bình thường 5–10 độ C nó có thể tồn tại 3 tiếng trên bề mặt kim loại hoặc nhựa. Nhưng với nhiệt độ 20–30 độ C nó có thể chết trong vòng 15 -20 phút. Khi nó chết nhanh thì khả năng lây nhiễm của nó giảm bớt đi. Tôi quan sát những nước có khí hậu ấm, tốc độ lây nhiễm của nó so với các xứ lạnh có vẻ thấp hơn. Tất nhiên có nhiều yếu tố nhưng nhiệt độ có thể có vai trò quan trọng trong tốc độ lây lan của virus.

Có thực tế là thời gian qua rất nhiều bà con người Việt tại châu Âu, đặc biệt là các em sinh viên sang du học thì khá là lo lắng về tình trạng dịch bệnh ở châu Âu và các em ồ ạt kéo về Việt Nam. Quan điểm của anh về tình trạng này như nào?

Theo tôi, các bạn sinh viên hoặc những người đi làm bên này không nên về Việt Nam vào lúc này. Yếu tố thứ nhất: nó sẽ tạo thêm gánh nặng cho Việt Nam. Khi bạn di chuyển nhiều thì nguy cơ lây nhiễm của bạn cao hơn. Khi bạn bị mắc bệnh, về Việt Nam lại phải cách ly. Như vậy sẽ tốn nhiều nhân lực và tiền của hơn. Nhưng nếu các bạn ở nguyên bên này thì khả năng bạn bị nhiễm sẽ thấp và y tế bên này họ cũng còn có thể điều trị cho bạn được.

Hiện nay ở Đức, khả năng chữa trị của các bệnh viện rất tốt, chưa ở mức quá tải vì tôi làm trong Bệnh viện Đại học Würzburg (bang Bayern) hàng ngày vẫn cập nhật thông tin về tình hình điều trị dịch bệnh, số người, số giường, số phòng. Tôi đang ở vùng có số lượng người nhiễm khá cao nhưng tình hình ở trong bệnh viện vẫn rất ổn, mọi người vẫn được điều trị rất tốt. Tôi nghĩ việc các bạn di chuyển không thể làm giảm khả năng lây nhiễm. Việc này nó đã tạo thành một phong trào. Vì vậy bạn đang ở đâu hãy ở yên chỗ đó. Đức tuy số người nhiễm tăng nhưng vẫn kiểm soát được.

Tôi thấy trong cơn hoảng loạn thì hiệu ứng sợ đấy làm cho con người hành xử không được lý trí cho lắm. Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ lên máy bay đông người như vậy mà còn trong tình huống nguy cơ dịch bệnh rất cao. Theo anh, người Việt ở Đức nên làm gì trong các tình huống đấy. Có một giả định đặt ra: Nếu có dịch bệnh xảy ra trên quy mô lớn thì người ta sẽ ưu tiên người Đức trước sau mới là người ngoại quốc. Anh có nhận định như nào?

Thông tin này hoàn toàn không chính xác. Tất cả bệnh viện họ điều trị không dựa theo sắc tộc. Cứ ai có bệnh là được điều trị. Nhưng các bệnh viện sẽ ưu tiên trường hợp nào cần thiết trước. Ví dụ, trong trường hợp rất nhiều người đi khám bệnh, những bệnh tật khác chưa cần thiết phải làm giải phẫu hay chữa trị gấp thì bệnh viện sẽ lùi trường hợp này lại vô thời hạn và ưu tiên những trường hợp cần thiết và cấp cứu đầu tiên. Tất cả bệnh viện đều áp dụng chính sách này để chuẩn bị chống đại dịch.

Còn những người ở trên nước Đức này, bất kỳ bạn có bảo hiểm y tế hay không, khi bạn đã bị bệnh nặng thì bệnh viện sẽ ưu tiên điều trị cho bạn trước. Đây là điều bắt buộc. Trừ những người sinh sống bất hợp pháp, hầu hết người Đức, du học tại Đức hay bạn đang làm việc tại đây đều có bảo hiểm y tế và lúc đó bạn đều được chữa trị như nhau. Nhất là trong dịch bệnh Corona thì những người dương tính càng phải điều trị đặc biệt. Nếu không họ lây lan ra cộng đồng thì càng nguy hiểm hơn. Mọi người không nên lo sợ là không được điều trị hay bệnh viện kỳ thị người ngoại quốc, chuyện này sẽ không xảy ra ở Đức. Người Đức cũng như người Việt tại Đức nên yên tâm thực hiện đúng chính quyền: Tránh tụ tập, giữ khoảng cách và không nên lo sợ.

Virus này không lây qua da hay tóc, nó chỉ lây khi tiếp xúc vào những chỗ có niêm mạc (mũi, mắt, miệng) và những chỗ có vết thương. Tại Đức, điều trị Corona đều có bảo hiểm y tế chi trả, mọi người cũng không cần phải lo sợ gánh nặng về tài chính. Hiện nay, Đức cũng ra nhiều chính sách để phù hợp trong đại dịch lần này. Ví dụ, bạn không có tiền trả tiền thuê nhà thì chủ nhà cũng không được đuổi bạn ra khỏi nhà, nếu bạn làm công việc kinh doanh tự do thì chính quyền các bang sẽ hỗ trợ bạn làm ăn trên nước Đức. Vì vậy, về các khoản như nhà cửa, bảo hiểm, tiền nong thì bạn đều được hỗ trợ và việc bạn cần làm là viết đơn xin ở các thành phố hoặc nơi bạn sống.

Như vậy cộng đồng người Việt không phải lo sợ mà vội vàng đặt vé về Việt Nam. Kể cả doanh nghiệp Việt tại Đức đang gặp khó khăn thì cũng sẽ có gói giải cứu của Chính phủ. Nước Đức đang cố gắng làm mọi thứ để giảm sự tổn thương xuống mức thấp nhất do tác động của đại dịch này. Anh Dũng làm trong nghề miễn dịch thì anh thấy với tình trạng như hiện nay thì bao giờ Đức sẽ có thuốc chữa trị?

Không chính xác được vì nhiều công ty có liên quan đến bí mật. Họ chỉ thông tin cho mọi người biết họ đang ở giai đoạn nghiên cứu nào. Thường nghiên cứu thuốc cũng mất rất nhiều thời gian và nhiều khâu khác nhau. Trong tình hình này thì phải 5 - 6 tháng đến 1 năm nữa mới có thể nghiên cứu ra thuốc điều trị. Còn vắc xin nhanh nhất cũng phải đến mùa thu năm nay hoặc đầu năm sau. Hiện nay, nhiều công ty dược và Chính phủ đã đầu tư nhân lực và tiền của để tăng năng suất nghiên cứu. Trong quy định sản xuất thuốc của châu Âu và Mỹ thì người ta quy định: ở những trường hợp đặc biệt thì được giảm nhẹ giai đoạn thử nghiệm. Từ đó rút ngắn thời gian sản xuất thuốc. Tôi mong rằng trong khoảng vài tháng tới sẽ có vắc xin thử nghiệm trên người với số lượng lớn.

Quay trở lại câu chuyện với Covid-19, ở Việt Nam có luồng suy nghĩ là hiện nay Việt Nam mới bắt đầu giai đoạn đầu của đại dịch. Với một nước có hệ thống y tế và kinh tế như hiện tại của Việt Nam đang ở mức khiêm tốn, theo anh, Việt Nam tới đây sẽ như thế nào?

Theo tôi, đến hiện nay Việt Nam đang làm khá tốt việc kiểm soát biên giới. Việt Nam nên kiểm soát ở cửa khẩu với số lượng dưới 1.000 – 2.000 người nhiễm. Khi lượng người nhiễm trong khoảng từ 2.000 trở xuống bùng phát, chúng ta nhìn theo sơ đồ lây nhiễm của châu Âu thì ở giai đoạn 1.000 - 2.000 virus lây lan rất chậm. Nếu Việt Nam để dịch bệnh lây lan quá mạnh như Đức hoặc Ý thì hệ thống y tế trong nước có nguy cơ bị đổ bể. Số lượng máy móc, trang thiết bị ở Việt Nam tất nhiên còn hạn chế, tôi nghĩ Việt Nam phải tìm mọi cách để kiểm soát số lượng người nhiễm. Để đến khi dịch bùng phát sẽ rất nguy hiểm.

Qua tình hình những ngày gần đây, Đức sẽ phải trả gói ngân sách 600 tỷ Euro để hỗ trợ nền kinh tế doanh nghiệp. Ngoài ra những thiệt hại khác chưa tính đến thì sẽ là hàng ngàn tỷ Euro. Tôi nghĩ Việt Nam nên duy trì việc kiểm soát số lượng người bệnh ngay từ cửa khẩu và cách ly ngay tức khắc. Khi Đức bùng phát dịch bệnh, có rất nhiều gia đình đi nghỉ mát ở Bắc Italia và sau đó lượng người nhiễm ở Đức tặng lên chóng mặt. Tất cả những người lây nhiễm đều ở Bắc Italia. Chính việc không kiểm soát và để mọi người tự do đi lại giữa Bắc Italia, Đức và Áo nên bây giờ nước Đức đã ban lệnh phong tỏa rất nhiều bang.

Tôi đồng ý Việt Nam đã làm quá tốt trong việc cách ly và kiểm soát dịch bệnh. Điều quan trọng là quyết tâm chính trị - điều khá hay trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và những người nghiên cứu về quản trị dịch bệnh, quản trị khủng hoảng thì đặc tính về mặt chính trị của Việt Nam là tập trung quyền lực. Khi một thể chế tập trung quyền lực thì rất dễ dàng để điều khiến các ý chí chính trị và nguồn lực để có thể triển khai ngay vào thực tiễn. Việt Nam trong chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh như bây giờ thì tính tập trung quyền lực cả một xã hội là xã hội tập thể. Nó khác với xã hội châu Âu nên việc điều động các nguồn lực xã hội, ý chí chính trị cũng khác nhau. Theo tôi đó là một cách để ta giải thích vì sao các nước Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc huy động được ý chí nhanh đến vậy.

Hiện nay mọi người đi làm đều được cơ quan cấp cho một tờ giấy. Nó gọi là “thẻ đi lại”. Trong thẻ có chứng nhận cơ quan, địa chỉ nhà để chứng minh khi cảnh sát hoặc cơ quan công lực kiểm tra. Việc hạn chế đi lại không nhất thiết là các bạn không được đi ra ngoài đường. Mọi người vẫn có thể đi mua nhu yếu phẩm, đi làm hay đi khám bệnh,… miễn sao các bạn không đi thành nhóm hoặc tập trung chỗ đông người, vì như vậy khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn. Virus này rất nguy hiểm. Người trẻ, khỏe sẽ ít hoặc không có biểu hiện nhiễm bệnh, họ sẽ không biết mình có virus trong cơ thể hay không. Hoặc những người bị nhiễm vài ngày đầu cũng không có triệu chứng gì. Đây cũng là 1 trong những lý do khiến virus Corona này lây lan trong cộng đồng rất nhanh.

Nhìn chung vào “bức tranh dịch bệnh” ở châu Âu, anh nghĩ tương lai gần sẽ như thế nào?

Tôi nghĩ là dịch bệnh sẽ bùng phát ở châu Âu. Nhiều nhà dịch tễ học đã tình toán dịch bệnh ở Đức vẫn chưa đến đỉnh, con số người nhiễm vẫn sẽ tiếp tục tăng lên trong 2–3 tuần nữa. Nhiều nhà khoa học uy tín ở Đức cũng chưa chắc chắn bao giờ dịch sẽ lên tới đỉnh và lúc nào dừng lại. Trong thời gian tới chúng ta sẽ rất khó khăn vì dịch bệnh phát triển và những chính sách của nhà nước sẽ làm hạn chế quyền đi lại của mỗi người.

Anh hãy cho mọi người lời khuyên đi?

Theo tôi, mọi người hãy thực hiện tốt hướng dẫn của chính quyền sở tại vì mỗi vùng có một tốc độ lây nhiễm khác nhau. Các bạn cũng không nên quá sợ hãi. Ở Facebook có rất nhiều fake news, mọi người nên cẩn thận trước những thông tin này và hãy tìm những báo uy tín để đọc, tránh gây hoang mang cho bản thân và xã hội. Thực ra bệnh viêm phổi cấp này rất nguy hiểm. Vì vậy, người già và người có bệnh nền hạn chế tối đa việc đi ra ngoài trong thời gian này. Nên ăn đồ tươi và thức ăn sau khi rửa sạch, nấu chín.

Trân trọng cảm ơn Anh!

Lê Hằng (ghi)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm