Tin tức - Sự kiện

Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch - Bài 1: Bảo tồn và phát triển

Đông Nam Bộ - vùng phát triển kinh tế năng động của cả nước đồng thời cũng là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa, các di sản văn hóa đã được công nhận cấp quốc gia và quốc tế.

"Cô dâu 8 tuổi" đến Việt Nam thưởng thức món bánh xèo / Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Nhìn nhận thế mạnh, hài hòa giải pháp bảo tồn và phát triển, đặc biệt là khai thác phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng Đông Nam Bộtrở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Nhóm phóng viên TTXVN đề cập nội dung này qua ba bài viết "Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch - nhìn từ Đông Nam Bộ".

Chú thích ảnh
Khách quốc tế tham quan Dinh Độc Lập, địa điểm lịch sử trong ngày 30/4/2023. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Bài 1: Bảo tồn và phát triển

Vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Trong quá trình hình thành, phát triển, đây là nơi có sự giao thoa văn hóa của nhiều khu vực vùng núi, miền biển, cao nguyên, đồng bằng phù sa, tạo sự đa dạng, đặc sắc của hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể ở từng địa phương thuộc vùng.

Vùng văn hóa đặc sắc

Nhận định chung về khía cạnh địa - văn hóa của Vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia khẳng định, đây chính là một trong hai tiểu vùng của Vùng văn hóa Nam Bộ, với đặc tính chung về khí hậu là khu vực nhiệt đới gió mùa, là vùng đồng bằng phù sa. Nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào nhiều dân tộc, tạo nên bức tranh văn hóa Đông Nam Bộ đa màu sắc và có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển chung của vùng.

Theo Phó Giáo sư Huỳnh Văn Tới (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh), Đông Nam Bộ là nơi có sự giao thoa văn hóa nhiều vùng khác nhau. Lịch sử hình thành phát triển vùng đã tạo ra nguồn lực mang tính quy luật của sự kết tinh và tiếp biến trong phát triển. Đó là gìn giữ, bảo vệ, duy trì những giá trị cốt lõi và tiếp thu cái mới trong giao lưu văn hóa ngoại vùng, ngoại quốc và tự đào thải các hủ tục lạc hậu.

 

Chú thích ảnh
Khách quốc tế tham quan Bưu điện Trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị hạt nhân, trung tâm vùng cũng chính là nơi có nhiều di sản văn hóa nổi bật. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 185 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 60 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt như Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi, Di tích kiến trúc nghệ thuật trụ sở HĐND - UBND thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành… Thành phố còn là nơi hội tụ của nhiều di sản văn hóa như Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghệ thuật Đờn ca tài tử mà 21 tỉnh, thành Nam Bộ đồng sở hữu, nghệ thuật Múa bóng rỗi Nam Bộ, Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Cần Giờ, Lễ hội Khai hạ - cầu an tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt…

Cùng thuộc Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở ven biển là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, với sự ảnh hưởng của các nền văn hóa lâu đời gắn với biển ở những mức độ khác nhau như: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai. Địa bàn tỉnh hiện có 48 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là địa phương rất có nhiều lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển, thể hiện sự giao thoa màu sắc văn hóa truyền thống của cả ba miền Bắc - Trung - Nam như: Lễ hội Nghinh Ông đình thần Thắng Tam, Lễ giỗ Ông Trần - Nhà Lớn Long Sơn, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ Bà Phi Yến, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành...

Tỉnh Bình Phước là nơi hội tụ của 41 thành phần dân tộc từ mọi miền đất nước tụ họp về sinh sống, tạo nên đời sống văn hóa vùng, miền phong phú, đa dạng. Tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền những chiến công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm với các địa danh đã đi vào lịch sử như Lộc Ninh, Phước Long, Bình Long, Đồng Xoài... Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung thông tin, nơi đây từng là vùng đất sinh sống của người tiền sử, dấu tích còn để lại tìm thấy tại nhiều di tích khảo cổ thành đất đắp hình tròn, là di chỉ khảo cổ độc đáo, có giá trị khoa học. Đến nay, ngoài nghệ thuật Đờn ca tài tử là di sản chung của các tỉnh, thành Nam Bộ, Bình Phước có 76 di tích, di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng từ cấp tỉnh cho đến cấp quốc gia đặc biệt.

Tạo sức sống, “thổi hồn” cho di sản

Chú thích ảnh
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Coi văn hóa, trong đó có vốn quý di sản là sức mạnh nội sinh, mạch nguồn lưu giữbản sắc, truyền thống để từ đó bảo tồn, phát triển, lan tỏa giá trị chính là góp phần hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, những thuận lợi và cả thách thức mới, tác động của đời sống xã hội hiện đại đang đòi hỏi các cấp, ngành và cộng đồng nơi có di sản có những giải pháp phù hợp “tạo sức sống mới”, để di sản không “ngủ yên” mà ngày càng được bảo tồn, gìn giữ hiệu quả, lan tỏa các giá trị giá trị truyền thống tốt đẹp đến cộng đồng.

 

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đối với các di sản vật thể là các di tích lịch sử - văn hóa, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động đề xuất chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa. Trên địa bàn tỉnh, nhiều di tích do Nhà nước trực tiếp quản lý đã được tỉnh đầu tư như: Các hạng mục của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo, Di tích lịch sử Nhà lưu niệm Nữ Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu, Di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm, Di tích Lịch sử trụ sở Ủy ban Việt Minh… Bên cạnh đó, các di tích do tổ chức, tư nhân trực tiếp quản lý cũng được đầu tư hoàn chỉnh như: Di tích lịch sử - văn hóa Nhà Lớn Long Sơn, Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Phước Lâm, di tích lịch sử - văn hóa Đình thần Thắng Tam, di tích danh lam thắng cảnh Dinh Cô… Phát huy giá trị các di tích đã xếp hạng, Sở Văn hóa - Thể thao, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Du lịch cung cấp nội dung 48 điểm đến, di tích, triển khai ứng dụng mã QR, thực hiện số hóa thông tin điểm du lịch là các di tích trên địa bàn, giúp hỗ trợ người dân và du khách dễ dàng truy cập tìm hiểu thông tin về các điểm đến.

Nhấn mạnh các hoạt động khảo cổ, “đánh thức” để các di tích “lên tiếng”, giải mã nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Nguyễn Hồng Ân chia sẻ: Trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, nổi tiếng. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 68 di tích đã được xếp hạng các cấp, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và Mộ Cự Thạch Hàng Gòn. Di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn ở thành phố Long Khánh là một công trình kiến trúc bằng đá lớn, có thể được coi là “độc nhất vô nhị” đối với các nước Đông Nam Á. Niên đại của công trình kiến trúc này khoảng 2.500 - 3.000 năm. Tỉnh Đồng Nai quan tâm bảo tồn di tích khảo cổ đặc biệt này đồng thời tiếp tục chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, xếp hạng cho các di tích khác, trong đó có việc quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, nhằm mục tiêu giữ được các di tích văn hóa dưới lòng đất dù có thể chưa đủ điều kiện để khai quật ngay.

Chú thích ảnh
Nghệ thuật múa trống Chhay dăm. Ảnh:Tổng cục Du lịch

Với tỉnh Tây Ninh, câu chuyện bảo tồn nghệ thuật Múa trống Chhay - dăm của đồng bào Khmer ở xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành là một trong những ví dụ sinh động phát huy vai trò chủ động của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức sống bền lâu cho di sản.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Anh Minh, nghệ thuật múa trống Chhay - dăm là hình thức trình diễn dân gian, hình thành trong quá trình lao động, lưu truyền trong dân gian. Bảo tồn di sản gắn với đời sống cộng đồng, các nghệ nhân múa trống Chhay - dăm thường xuyên tổ chức truyền dạy, được tạo điều kiện để biểu diễn, giới thiệu điệu múa trống vào các dịp lễ, Tết, tại các nhà văn hóa, lễ hội truyền thống, liên hoan nghệ thuật, các cuộc giao lưu văn hóa không chỉ tại địa phương mà còn đến nhiều tỉnh, thành trong vùng và cả nước.

Anh Cao Văn Tha Ni là thành viên đội múa trống Chhay - dăm tham gia biểu diễn phục vụ du khách tại Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen. Anh cho biết: Múa trống Chhay- dăm là bài múa tập thể, tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng giao duyên, lúc lại thể hiện sức mạnh, đòi hỏi người biểu diễn phải gõ và múa kết hợp nhịp nhàng, chính xác. Điều đặc biệt là động tác múa trống giống như thế võ như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu. Đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân kết hợp với nhào, lộn nhưng vẫn phải bảo đảm âm thanh vang, không mất tiếng. Người biểu diễn phải tập trung cao độ khi vừa đánh trống, vừa lộn nhiều vòng mà vẫn giữ được tiết tấu nhịp chung cho cả đội.“Dù khó nhưng là nét văn hóa độc đáo lại được các nghệ nhân động viên, truyền cảm hứng, giảng giải để tôi cảm nhận hết ý nghĩa nên tôi quyết tâm học điệu múa này. Được ôm trống biểu diễn tại núi Bà Đen của quê hương Tây Ninh, tôi rất vui và tự hào”- anh Cao Văn Tha Ni hào hứng chia sẻ.

 

Bài 2: Hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm