Doanh nhân

“Anh hùng môi trường” hiến cả chục tỷ đồng cho khoa học

GS Võ Quý từng được tạp chí Time vinh danh là một trong 35 anh hùng môi trường thế giới. Tính đến nay, ông đã giành được chín giải thưởng môi trường quốc tế. Điều đáng nói là hầu hết số tiền từ những giải thưởng đó ông đều dùng làm thiện nguyện…

Năm 2003 tại Nhật Bản, GS Võ Quý (ảnh) là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên, người châu Á thứ hai nhận giải thưởng Hành tinh xanh (được coi là giải “Nobel môi trường”) của tổ chức ASAHI, Nhật Bản. 9 năm sau, năm 2012, tại Ấn Độ, ông là một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng MIDORI về đa dạng sinh học. Tạp chí Time danh tiếng của Mỹ cũng bầu chọn ông là một trong 35 anh hùng môi trường của thế giới.

Hiếm có nhà khoa học Việt Nam nào được quốc tế ghi nhận và vinh danh nhiều như vậy.

Nhà điểu học Việt Nam
Sinh ra ở miền quê Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), từ nhỏ, GS Võ Quý đã rất gần gũi với thiên nhiên. Ông có niềm đam mê đặc biệt với những loài chim, có thể ngồi lặng lẽ hàng giờ nghe chúng hót, xem chúng làm tổ và ngắm chúng kiếm ăn.

Niềm đam mê thuở thiếu thời đã đưa nhà khoa học này đến với lĩnh vực nghiên cứu điểu học khi đang là giảng viên khoa Sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cả đời mình, GS Võ Quý rong ruổi trên những cánh rừng, đồng ruộng để tìm hiểu về những loài chim: “Nhờ đó, tôi đã có dịp đến thăm hầu hết các huyện trên đất nước ta”, ông kể. 

 
GS Võ Quý (giữa) trong chuyến công tác tại khu di tích nhiễm chất độc hóa học ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (ảnh nhân vật cung cấp).

Trong số các loài chim mà GS Võ Quý nghiên cứu, có một loài chim đặc biệt, mang chính tên ông: Chim trĩ Võ Quý. Ông đã phát hiện ra loài chim trĩ có màu sắc bộ lông khá lạ ở vùng Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Tận mắt chứng kiến loài chim này, GS Võ Quý nhận thấy chúng chưa có trong những cuốn sách ông từng nghiên cứu.

Năm 1964, ông đến Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh tiến sỹ, tiếp tục tìm hiểu về loài chim lạ này. Trong nội dung Luận án tốt nghiệp của mình, ông trình bày về một loài chim trĩ mới với tên khoa học là Lophura hatinhensis và tên Việt Nam là chim trĩ Hà Tĩnh. 
 
Sau khi thông tin về loài trĩ mới được công bố, nhiều nhà khoa học thế giới không tin. Suốt hơn hai mươi năm sau đó, nhiều nhà khoa học Anh, Mỹ đã sang Việt Nam tìm hiểu về loài chim này. Cuối cùng, họ kết luận đây quả là một loài chim trĩ mới và là loài chim trĩ cuối cùng được phát hiện đến bây giờ. Tên khoa học của loài chim trĩ mới được Hội đồng chim Hoàng gia Anh đặt là Lophura hatinhensis nhưng nhiều người vẫn hay gọi là VoQuy's pheasant. Tên ấy xuất phát từ đề xuất của một nhà khoa học Anh để tri ân người phát hiện ra loài chim mới.

Trong các công trình nghiên cứu về điểu học của GS Võ Quý, đáng chú ý nhất là cuốn “Các loài chim Việt Nam, hình thái và phân loại” được ông viết trong những năm chiến tranh. Cuốn sách dày cả ngàn trang, mô tả 740 loài và hơn 1.000 phân loài chim ở Việt Nam. Năm 1985, ông mang cuốn sách tham dự một hội nghị quốc tế về chim diễn ra ở Ấn Độ, được các nhà khoa học quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Sau khi về nước, ông nhận được nhiều thư từ các nhà khoa học quốc tế viết: “Chúng tôi cám ơn đã nhận được sách của ông. Đó là một món quà quý giá”.

Nhờ những đóng góp ấy, GS Võ Quý được đồng nghiệp, bạn bè giới khoa học gọi bằng cái tên thân quen: “Nhà điểu học Việt Nam”.
 
GS Võ Quý (người thứ hai từ phải sang) trong chuyến công tác tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. (ảnh nhân vật cung cấp).

Dành hàng chục tỷ đồng làm thiện nguyện 
 
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực điểu học, GS Võ Quý còn nổi tiếng với hành trình đi tìm sự thật về chất độc màu da cam những năm đầu thập niên 70. Giữa những năm khói lửa, ông cùng các cộng sự vượt Trường Sơn vào tuyến lửa để tìm hiểu về loại hóa chất quân đội Mỹ đang rải xuống những cánh rừng miền Nam. Ông là người đầu tiên đưa ra hàng trăm thước phim về những cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ bị chết khô, đất trống đồi trọc, không một tiếng chim vì chất độc da cam. Những thước phim đó chỉ rõ tác động khủng khiếp của loại hóa chất da cam mà phía Mỹ tuyên bố chỉ là “chất diệt cỏ”.

Chiến tranh kết thúc, những vạt rừng trơ trụi vẫn còn đó. Năm 1983, tại Hội nghị khoa học đầu tiên về chất độc hóa học quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học ở Mỹ, Anh nói, sau 40 - 50 năm, những cánh rừng ấy sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, GS Võ Quý phản bác quan điểm ấy, ông cho rằng phải mất vài trăm năm những cánh rừng đó mới có thể phục hồi.
 
Trên cơ sở ấy, ông là người đưa ra nhiều phương pháp hiệu quả để khôi phục hai triệu ha rừng bị hủy hoại vì đạn bom và chất độc da cam. Nhờ đó, ông đã giành được nhiều giải thưởng môi trường quốc tế.

Tính đến nay, GS Võ Quý đã giành được chín giải thưởng môi trường quốc tế. Trong đó, lớn nhất phải kể đến giải thưởng Hành Tinh Xanh, giải thưởng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực môi trường, tương đương giải thưởng Nobel môi trường do tổ chức ASAHI Nhật Bản trao tặng (lĩnh vực môi trường không có giải Nobel). Đồng thời, ông được tạp chí Time vinh danh là một trong 35 anh hùng môi trường thế giới.

Điều đáng nói là hầu hết số tiền từ những giải thưởng đó ông đều dùng làm thiện nguyện. Năm 2003, khi nhận được phần thưởng 50 triệu yên (khoảng sáu tỷ đồng), ông cũng nhận được câu hỏi sẽ làm gì với số tiền ấy. Nhà khoa học này đã nói: “Tôi sẽ dành toàn bộ số tiền cho việc đào tạo các cán bộ môi trường ở Việt Nam”. Chủ tịch tổ chức ASAHI lúc đó nghe thấy, thốt lên: “Đây không phải là tiền dự án, mà là tiền thưởng cho riêng ông đấy”. Lúc ấy, GS Võ Quý đã trả lời: “Vì là tiền của riêng tôi nên tôi muốn dùng nó theo ý của tôi”.

Khi giành giải thưởng MIDORI về Đa dạng sinh học với giá trị 100.000 USD (hơn hai tỷ đồng), trước đó là giải thưởng môi trường của Đại học Michigan (Mỹ) trị giá 150.000 USD (trên ba tỷ đồng), ông đều dành làm thiện nguyện.

Trong nhiều năm qua, ông đã trao tặng phần thưởng thường niên cho sinh viên khoa Sinh học (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), nơi ông có nhiều gắn bó. Ngoài ra, phần thưởng mang tên cha ông, cụ Võ Viết Hiền, cũng được trao hằng năm cho học sinh và thầy giáo các trường phổ thông và mẫu giáo tại quê hương ông, xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

GS Quý cũng hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường. Năm nay, một cơ sở do ông sáng lập để đào tạo cán bộ môi trường ở Việt Nam đã đi vào hoạt động. Ông cũng trao tặng thêm ba học bổng cho học viên cao học về môi trường, được Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường tuyển chọn hằng năm từ các cơ sở đào tạo trên cả nước.

GS Võ Quý chia sẻ: “May mắn của tôi là được vợ, con luôn ủng hộ những quyết định làm thiện nguyện như thế. Tôi hy vọng sẽ duy trì những học bổng và phần thưởng này lâu dài dành cho sinh viên có đóng góp nhiều trong việc bảo vệ môi trường”.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo