Chắp cánh những ước mơ tuổi thơ
SỐ PHẬN CON ĐÈ NÁT ƯỚC MƠ CON
Từ năm 1990, khi Việt Nam tham gia kí Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cộng đồng quan tâm.
Tuy nhiên, do sự phân hóa giàu nghèo ngày càng nhanh và sâu sắc, do tình hình thiên tai lũ lụt diễn ra trầm trọng những năm gần đây... khiến số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự trợ giúp ngày một tăng. Rất nhiều em phải nghỉ học, tham gia lao động phụ giúp kinh tế cho gia đình. Nhiều em mắc bệnh hiểm nghèo như tim bẩm sinh, ung thư, não úng thủy, hở hàm ếch... cần tiền phẫu thuật, hoặc mua thuốc để duy trì sự sống, nhưng vì nhà nghèo đành phải sống lay lắt với bệnh tật. Tình trạng trẻ em bị lạm dụng, ngược đãi, trẻ vi phạm pháp luật cũng tăng một cách đáng báo động. Theo số liệu của Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, trẻ em khuyết tật, tàn tật chiếm hơn 1,1 triệu, trẻ mồ côi khoảng 170.500, còn lại là trẻ không nơi nương tựa, trẻ em nhiễm HIV và các nhóm trẻ em khác.
Được thành lập từ năm 1992, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (BTTEVN) là đơn vị hoạt động tích cực, hiệu quả trong việc giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong 26 năm, Quỹ đã phối hợp cùng các cấp, các ngành huy động được gần 6.000 tỉ đồng, hỗ trợ cho 36 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, tạo điều kiện cho các em vươn lên. Đơn cử như trường hợp em Tống Viết Phi Hùng, ở Long Thành, Đồng Nai, từ một trẻ em mồ côi tàn tật ở với cha dượng, phải bỏ học, Quỹ đã hỗ trợ cho em tiếp tục đến trường và đỗ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, sau đó em được học bổng thạc sĩ, rồi làm tiến sĩ ở Mỹ, giờ là giảng viên của một Trường Đại học Quốc gia ở Nam Phi. Hay em Nguyễn Văn Chung, bị mù 2 mắt, được hỗ trợ của Quỹ liên tục trong 10 năm. Em đã thi vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Huế, hiện giờ là Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hoặc em Phạm Huy Trãi, người dân tộc H’re, mồ côi bố, nhà nghèo, mẹ làm ruộng, đã bỏ học nhưng được Quỹ hỗ trợ nên đã đạt điểm xuất sắc vào Trường Cảnh sát Nhân dân và vinh dự được ra gặp và báo cáo với Chủ tịch nước về kết quả học tập rèn luyện của em.
CHUNG TAY GIÚP CÁC EM VIẾT LẠI SỐ PHẬN
Trong bối cảnh số lượng trẻ em cần được giúp đỡ ngày càng gia tăng, song nguồn kinh phí để thực hiện còn hạn chế, ngày 10/01/2018, tại Hà Nội, Quỹ BTTEVN và Hiệp hội Doanh nghiệp NVV Việt Nam (Vinasme) đã kí thỏa thuận hợp tác 5 năm (2018-2022) cùng nhau thực hiện các hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, hai bên cam kết sẽ hợp tác toàn diện, vận động, khai thác các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế cho mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; kêu gọi nguồn quỹ an sinh xã hội từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp đỡ các nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Lý giải về sự hợp tác này, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ BTTEVN cho biết, từ trước đến nay nguồn lực của Quỹ chủ yếu xuất phát từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, một số cá nhân hảo tâm. Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp NVV Việt Nam là đầu mối tập hợp lực lượng các doanh nghiệp. Qua quá trình hợp tác từ những hoạt động nhỏ và cụ thể, chúng tôi thấy rằng đây là đơn vị rất tiềm năng và đáng tin cậy.
Tại lễ kí kết, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp NVV Việt Nam khẳng định: "Bên cạnh các hoạt động theo điều lệ của Hiệp hội, công tác an sinh xã hội, đặc biệt là chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được Hiệp hội chú trọng và đặt lên ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
”Để quá trình hoạt động được minh bạch, hai bên thống nhất mở một tài khoản do Quỹ BTTEVN đứng tên, nhưng chịu sự kiểm tra, giám sát của Hiệp hội Doanh nghiệp NVV Việt Nam và các cơ quan quản lí tài chính của Nhà nước. Cả Hiệp hội và Quỹ đều có thể sử dụng tiền trong tài khoản, miễn là đúng đối tượng, đúng mục đích.
Trả lời câu hỏi các doanh nghiệp tham gia đóng góp vào Quỹ muốn biết đồng tiền của mình được sử dụng như thế nào và bằng cách nào, ông Tiến nhấn mạnh, các nhà tài trợ hoàn toàn có thể biết đồng tiền của mình đã được đưa cho ai, bao nhiêu tiền, ở đâu. Phương châm hoạt động của Quỹ BTTEVN là: Tận tâm, minh bạch, kịp thời, cùng tham gia. Các Mạnh Thường Quân có thể tham gia từ lúc lập kế hoạch cho đến lúc kiểm soát đối tượng khi đã hưởng lợi từ Quỹ được 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm sau. Ví dụ như một số doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật nụ cười thì 10 năm sau Quỹ vẫn dẫn họ đến thăm những cháu bé được phẫu thuật, xem xét sự tiến bộ và hòa nhập của các cháu. Đây là điểm khác biệt của Quỹ BTTE VN mà ít có quỹ nào làm được.
Hy vọng sự hợp tác trên sẽ tạo cầu nối đưa các doanh nhân hảo tâm đến với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, các doanh nhân Việt Nam sẽ giúp những trẻ em nghèo khó có cơ hội viết lại số phận.
TỪ 2018, VÀO DỊP GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG HÀNG NĂM, VINASME SẼ PHỐI HỢP VỚI QUỸ BTTEVN TỔ CHỨC ĐÊM GALA VẬN ĐỘNG TÀI TRỢ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CHO TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT, KHÓ KHĂN VÀ TỔ CHỨC LỄ DÂNG HƯƠNG TẠI ĐỀN HÙNG CHO 300 DOANH NGHIỆP. SỰ KIỆN NÀY NHẬN ĐƯỢC SỰ ỦNG HỘ NHIỆT TÌNH CỦA PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH, CHỦ TỊCH QUỸ BẢO VỆ TRẺ EM VIỆT NAM VÀ LÃNH ĐẠO TỈNH PHÚ THỌ. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo