“Cơ may” cho nền kinh tế và bản lĩnh người quyết định
“Cơ may” theo nghĩa tình hình kinh tế xấu đến mức đủ để có thể gây áp lực thúc đẩy đổi mới thì còn xa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị Thế giới, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cùng chúng tôi nhìn lại dự báo của chính ông một năm trước.
Tuy nhiên, ông Võ Đại Lược cho rằng, đốm lửa cải cách thể chế cũng đã bắt đầu được nhen nhóm.
Nền kinh tế vẫn đang ở trạng thái cầm cự
Một năm trước ông đã nói ông không nhìn thấy điểm sáng rõ nét nào cho kinh tế 2013. Song, nếu tình hình xấu hơn thì có khi lại là “cơ may”. 2013 đã đi qua, và nhìn nhận của ông lúc này?
Nhận định tình hình kinh tế 2013 xấu đi thì tôi cho vẫn là đúng, mặc dù có một số số liệu được xem là tốt lên. Như lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, xuất nhập khẩu tăng cao, thế nhưng chính ở những điểm sáng đấy cũng có vấn đề không sáng.
Ví dụ lạm phát thấp trên 6% là do tổng cầu đầu tư và tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng mặc dù một loạt giá hàng hóa độc quyền đều đã tăng cao. Hay xuất khẩu tăng khá tới 14,5% nhưng nhân vật chủ lực lại là đầu tư nước ngoài đến 61% và xuất siêu. Còn xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tăng thấp chỉ có 3,5%, nhiều sản phẩm giảm về giá trị. Tỷ giá ổn định có vẻ tốt, nhưng đã đẩy giá VND cao hơn thực tế không có lợi cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Doanh nghiệp FDI mạnh thế nhưng đóng góp cho Việt Nam thì ít thôi, vì hầu hết vẫn đang trong thời gian được hưởng chính sách ưu đãi. Điển hình như Samsung xuất đến 24 tỷ USD năm 2013 mà đóng thuế có 200 triệu VND.
Doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn“chết” đến 61 ngàn và đây là khối doanh nghiệp được ưu đãi ít nhất so với khối FDI và doanh nghiệp nhà nước. Nợ xấu đang gia tăng, phương án xử lý nợ xấu vẫn ngắc ngứ. Chưa nói khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa có đổi mới tích cực gì cả, đụng đến đâu cũng có chuyện, thì khó nói nền kinh tế sáng sủa hơn.
Mặc dù vậy nền kinh tế vẫn đang ở trạng thái cầm cự chứ chưa xấu đến mức không đổi mới là chết, tức là chưa đủ để tạo ra thời cơ đổi mới.
Hơn nữa, như tôi đã nói trong câu chuyện của năm trước là gần đây tình thế có thêm cái phức tạp là các nhóm lợi ích chi phối rất mạnh, có thể cản trở đổi mới.
Vâng, ở bối cảnh đó ông cũng nhấn mạnh đến bản lĩnh của người ra những quyết định được xem là đổi mới. Vậy từ quan sát của người từng là thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, ông có nhìn thấy tín hiệu nào cho thấy quyết tâm đổi mới của các yếu nhân trong năm 2014?
Bài viết đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều quan điểm tích cực đối với các vấn đề kinh tế Việt Nam và tôi đánh giá cao. Nhưng từ phát biểu đến thực hiện còn rất xa, Thủ tướng muốn biến các quan điểm của mình thành hiện thực thì hoàn toàn không đơn giản, phải xây dựng luật rồi chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Về điểm này trong những năm qua Chính phủ cũng tự phê bình là chậm.
Vậy vấn đề đặt ra là năm nay Chính phủ có làm được như mình nói không, và từ đó mới trả lời là tình hình có tốt lên được hay không. Nhìn lại những chuyện đang làm hỏng nền kinh tế thì nhiều chuyện xem ra chưa có giải pháp. Ví dụ như nợ xấu chưa giải quyết được, về nợ công thì đang vay nợ mới trả nợ cũ cũng chưa có giải pháp xử lý. Có thể giảm biên chế 30% không, có dám siết chặt chi tiêu công không, đó là những việc hoàn toàn không dễ trong cơ chế hiện nay.
Nhưng việc đổi mới cải cách thể chế kinh tế đang có tín hiệu tôi cho là tích cực.
Ngày 17/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã mời tôi và nhiều vị học giả, chuyên gia khác đến để tham vấn cho dự thảo đề cương nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế. Tôi đánh giá rất cao việc làm này, bởi lâu lắm rồi tôi chưa thấy vị bộ trưởng nào, chưa nói đến cấp cao hơn trực tiếp nghe các học giả trình bày ý kiến của mình về tình hình đất nước.
Cách đây hai năm tôi đã làm chủ nhiệm chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước về kinh tế, có đến 24 đề tài tiêu tốn đến dăm chục tỷ. Các ông chủ nhiệm đề tài đều ở các bộ cả và tôi có yêu cầu họ gặp bộ trưởng để trình bày kết quả nghiên cứu nhưng cũng chưa có vị bộ trưởng nào nghe cả.
Bản thân tôi cũng đã viết kiến nghị của chương trình về nhiều vấn đề liên quan đến nền kinh tế nhưng gửi đi rồi mà không biết có ai đọc không. Chắc chắn là rất nhiều kiến nghị của các học giả vẫn nằm trong tủ, nên tôi đánh giá cao ông Vinh đã dành cả hơn nửa ngày không nghỉ giải lao, ăn trưa tại chỗ để nghe ý kiến của chúng tôi.
Vấn đề là bản lĩnh của người ra quyết định
Vậy ông thấy những vấn đề mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đang đầu tư tâm sức nhằm xây dựng được những kiến nghị đổi mới thể chế trình Đại hội 12 của Đảng về cải cách thể chế kinh tế có khả thi không?
Xem dự thảo chương trình nghiên cứu thì tôi rất đồng tình, nhất là có nội dung về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Vì cái gọi là thể chế và nhân tài tuy hai nhưng là một, bởi nếu anh không lựa chọn được những người có tài vào cơ quan quản trị quốc gia thì làm sao có thể chế tốt được, nên theo tôi việc quan trọng đầu tiên là tuyển chọn nhân tài.
Ở Việt Nam tôi đã từng phát biểu tại một số diễn đàn rồi, về việc chạy chức chạy quyền. Nếu đúng là người tài thì người ta không chạy vì người ta có lòng tự trọng, còn nếu đi mua chức thì kém tâm đức rồi, tâm đức không tốt thì làm sao khiến thể chế tốt được nữa.
Thế nên ông Vinh chọn vấn đề đúng rồi, song mấu chốt là kết quả nghiên cứu sẽ được cấp cao hơn ông ấy tiếp nhận thế nào, ông ấy có đủ sức tiếp cận và thuyết phục được cấp cao không. Vừa rồi họp ở Ban Kinh tế Trung ương chúng tôi cũng nêu quan điểm là Ban có tổ chức được cuộc đối thoại giữa các học giả với Tổng bí thư hay không mới quan trọng, chứ học giả nói với nhau thì cũng dễ nhất trí.
Tất nhiên, cũng có nhiều vấn đề các chuyên gia còn ý kiến khác nhau nhưng đó là chuyện bình thường. Vấn đề là bản lĩnh của người ra quyết định ở cấp cao nhất, nếu chỉ nghe ý kiến đa số thì bao giờ cũng như cũ, cái mới bao giờ cũng là thiểu số.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã dự liệu rằng việc ông ấy đang chỉ đạo thực hiện có thể rất vất vả nhưng chưa chắc đã được tiếp thu. Song ông ấy nói không thể chần chừ hơn được nữa…
Đúng là rất khó nhưng tôi tin là ông ấy làm được. Vì ông ấy là con người tâm huyết, cầu thị, biết thể chế là vấn đề quan trọng và biết lắng nghe ý kiến chuyên gia. Với vị thế rất quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà bản thân Bộ trưởng không thay đổi quan điểm phát triển thì khó lắm.
Nhưng tôi vẫn nói lại, tâm huyết chỉ là một chuyện, quan trọng là ông ấy phải thuyết phục được lãnh đạo cấp cao hơn. Ở buổi tham vấn đó thì đa số ý kiến đều thống nhất rất cao là muốn đổi mới thể chế kinh tế thì phải bắt đầu đổi mới từ tư duy phát triển. Vậy nên sau khi hoàn thành nghiên cứu với lộ trình và giải pháp khả thi thì ông Vinh phải thuyết phục được lãnh đạo cấp cao để quan điểm đổi mới được tiếp thu tại Đại hội 12.
Nên có thể sớm nhất là đầu năm 2016 thì “cơ may” mới đến, đó là một phương án khả quan. Nhưng cũng không loại trừ một số kết quả nghiên cứu do ông Vinh chỉ đạo được chấp nhận đưa vào thực tế sớm hơn để có cơ sở đưa vào nghị quyết Đại hội. Và đó cũng là “cơ may” cho đất nước. Thực tế từ khi đổi mới đến nay đã có nhiều ý tưởng từ “khoán hộ” đến “tự do hóa kinh tế”... đều đã được áp dụng trong thực tế rồi mới được đưa thành chính sách.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo